Trải nghiệm lần đầu không 1 xu dính túi: Vì không có tiền nên mới nhận ra giá trị của tình người!
Bạn đã bao giờ rơi vào tình cảnh không 1 xu dính túi chưa?
- 09-01-2024Chiến thuật của người giỏi kiếm tiền: ‘Quăng dây dài, bắt cá lớn!’
- 02-01-2024Đỉnh cao kiếm tiền: Chàng sinh viên 21 tuổi kiếm được hơn 12 tỷ/năm với số vốn chưa tới 500 nghìn đồng
- 30-12-2023Thu nhập ảm đạm, dân văn phòng buôn nem chả, nhận sửa quần áo kiếm tiền tiêu Tết: Cẩn thận kẻo bù lỗ!
"Cần gì tiền mặt, có điện thoại, kiểu gì chẳng chuyển khoản thanh toán được" là suy nghĩ của phần lớn người trẻ trong thời đại này. Đến cô bán xôi buổi sáng còn có mã QR để chúng ta chuyển khoản, thì rõ ràng, tiền mặt không còn là thứ bắt buộc cần có khi ra ngoài.
Không có tiền thì quẹt thẻ, mà không có thẻ thì chuyển khoản. Chính bởi sự thật này mà việc không 1 xu dính túi trở thành chuyện khó xảy ra.
Nếu bạn vẫn đang không hiểu như thế nào là "không một xu dính túi" ở thời buổi này, hãy nghe câu chuyện của 3 bạn trẻ có phần đen đủi dưới đây.
Ngọc Minh (27 tuổi): Mất ví và điện thoại khi đi công tác nước ngoài 1 mình
Cách đây hơn 1 năm, Ngọc Minh có chuyến công tác tại Malaysia. Đó không phải là lần đầu tiên cô bạn 27 tuổi tới đất nước này công tác, nhưng lại là lần đầu tiên rơi vào cảnh không 1 xu dính túi nơi xứ người.
"Lần đó mình cũng chẳng biết là mình bị móc túi hay là do mình lơ đãng sơ sảy mà làm rơi mất cả ví lẫn điện thoại. Trong ví mình có cả thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng và một ít tiền mặt. Mình thậm chí vẫn còn ung dung đi ăn, đến lúc thanh toán mới ngớ người không thấy ví với điện thoại đâu cả.
Mà vì ra ngoài đi ăn nên mình cũng chẳng mang laptop, không có cách nào để liên lạc với đồng nghiệp nhờ họ qua cứu. Cuối cùng, mình phải để lại chiếc đồng hồ ở quán coi như "đặt cọc" chi phí bữa ăn, rồi đi bộ gần 2km về khách sạn, dùng laptop liên lạc với đồng nghiệp người Malaysia, nhờ họ tới khách sạn, cùng mình vòng lại quán ăn để trả tiền và chuộc cái đồng hồ" - Ngọc Minh kể lại.
Nghĩ lại chuyến công tác ấy cùng trải nghiệm không 1 xu dính túi theo đúng nghĩa đen, Ngọc Minh vẫn thấy trong cái rủi, có cái may: "Cái may thứ nhất là passport mình nhét trong vali chứ không để trong ví. Cái may thứ 2 là dù đi công tác 1 mình nhưng mình vẫn có đồng nghiệp. Đồng nghiệp chính là người cho mình vay tiền để chi tiêu cá nhân trong 2 ngày công tác còn lại, sau khi mình bị mất ví. Dù không thân thiết lắm nhưng họ vẫn tin tưởng mình, cho mình vay tiền, đến tận khi về nước, mình mới trả được họ luôn ấy.
Giả như đó là chuyến đi du lịch 1 mình thì chắc mình khóc thét mất" - Ngọc Minh chia sẻ.
Thu Hường (26 tuổi): Hết sạch tiền sau 1 tháng dùng thẻ tín dụng
Cách đây hơn 3 năm, khi lần đầu cầm trong tay chiếc thẻ tín dụng, Thu Hường chẳng hề lường trước được chiếc thẻ này lại khiến bản thân rơi vào cảnh không còn 1 đồng trong tài khoản.
"Mình không dùng hết hạn mức thẻ tín dụng nhưng dùng hết lương thì có. Hồi ấy, lương mình được có 8 triệu mà ngay tháng đầu dùng thẻ tín dụng, mình đã quẹt hơn 10 triệu rồi. Dồn hết cả tiền lương 1 tháng để trả thẻ xong, thực sự là trong tài khoản của mình không có nổi 1000đ" - Thu Hường kể.
Tháng đó, Hường phải vay tiền mặt từ bạn thân để… có tiền đổ xăng. Còn những chi phí khác như ăn uống, mua thực phẩm, Hạnh đều phải chọn những nơi cho phép quẹt thẻ tín dụng vì cô bạn làm gì có tiền mặt hay tiền trong tài khoản để chuyển khoản thanh toán đâu.
"Cả tháng ấy mình sống vật vã theo đúng nghĩa đen. 30 ngày mà cảm giác như một kiếp người. Tháng sau đó, mình rút kinh nghiệm, chỉ thanh toán số dư tối thiểu cho thẻ tín dụng thôi, chứ không thanh toán toàn bộ dư nợ nữa. Mất gần 4 tháng mình mới thanh toán được hết khoản dư nợ hơn 10 triệu đồng" - Hường chia sẻ và cho biết sau 1 tháng không 1 xu dính túi ấy, Hường tuyệt nhiên không còn dám chi tiêu vô tội vạ từ thẻ tín dụng nữa.
Nhật Linh (25 tuổi): Bị lừa mất hết tiền trong tài khoản
Vì click vào một đường link mà tiền trong tài khoản bay sạch là câu chuyện của cô bạn 25 tuổi này.
"Hồi ấy mình pass đồ online. Có bạn ở nước ngoài nhắn tin mua đồ của mình, bảo là mua cho em gái ở Việt Nam. Đến đoạn thanh toán thì bạn ấy gửi cho mình 1 cái link, kêu là chuyển ngoại tệ về tài khoản ở Việt Nam, mình muốn kiểm tra xem đã nhận được tiền về tài khoản hay chưa thì phải click vào cái link bạn đó gửi. Mình cũng ngu ngơ, truy cập vào link rồi điền hết thông tin cá nhân vào. Khoảng 2 phút sau thì mình thấy tin nhắn của ngân hàng, báo tài khoản của mình vừa bị trừ 19 triệu" - Nhật Linh kể.
19 triệu là toàn bộ tài sản của Nhật Linh ở thời điểm đó. Đến tận lúc nhìn thấy tin nhắn ấy, Nhật Linh vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cô bạn "đơ" mất một lúc, mới biết mình đã bị lừa.
Chuyện này xảy ra cách đây chưa đầy 1 năm, giờ nghĩ lại, Nhật Linh vẫn chưa thể tha thứ cho bản thân vì quá ngu ngơ.
"Mình không dám kể với bố mẹ chuyện này. Tháng đó, mình phải xin nộp muộn tiền thuê nhà, rồi phải đi vay bạn thân 5 triệu để trang trải chi phí ăn uống, sinh hoạt. Cũng may là chủ nhà mình có tâm nên đồng ý cho mình nợ 1 tháng tiền nhà. Chứ nếu gặp phải chủ trọ khác, chắc mình phải về xin tiền bố mẹ chứ cũng chẳng vay đâu được tiền nhà, tiền ăn một tháng" - Nhật Linh chia sẻ.
Phụ nữ mới