MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trần lãi suất huy động USD 0% - có nên thay đổi chính sách?

27-05-2016 - 08:08 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc tăng lãi suất huy động USD sẽ vừa đáp ứng được nhu cầu về tín dụng ngoại tệ của doanh nghiệp vừa duy trì được tỉ lệ USD hóa ổn định.

Sau gần 3 tuần Ngân hàng Nhà nước ra “tối hậu thư” kiên quyết xử lý ngân hàng lách trần lãi suất huy động USD 0%, các ngân hàng thương mại đã thực hiện đúng việc đưa lãi suất huy động USD về 0%, trật tự trên thị trường huy động ngoại tệ dần được thiết lập.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, “trật tự” này dường như chỉ mang tính tạm thời, bởi cầu tín dụng ngoại tệ vẫn ở mức cao, còn ngân hàng khó bỏ qua cơ hội kiếm lời hưởng chênh lệch.

Theo khảo sát của phóng viên tại phòng giao dịch của một số ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội, dưới vai một khách hàng muốn gửi tiết kiệm 20.000 USD, câu trả lời chung từ giao dịch viên tại các quầy giao dịch đều là nên bán USD để gửi tiền đồng; còn nếu muốn gửi USD thì lãi suất đúng 0% kèm theo quà khuyến mại có giá trị nhỏ. Như vậy, có thể thấy, hiện các ngân hàng thương mại đã thực hiện đúng việc đưa lãi suất huy động USD về 0%; trật tự trên thị trường huy động ngoại tệ đã được thiết lập.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trật tự này dường như chỉ mang tính tạm thời bởi hiện nay cung - cầu tín dụng ngoại tệ vẫn cao, thậm chí, rất có thể tới đây sẽ có sự chuyển dịch vốn ngoại tệ ra nước ngoài để kiếm lời.

Ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, có một sự dịch chuyển về tài nguyên ra bên ngoài, vì đã là doanh nghiệp, muốn làm thế nào thì làm, có trong tay tài sản thì họ phải tính đi cửa này hoặc cửa kia để sinh lời.

“Hạ lãi suất bằng 0% có nghĩa là người ta sẽ phải tìm chỗ khác. Trước đây, ngay khi chính sách này ra đời đã có một số ý kiến cho rằng lãi suất gửi USD ở Lào, Campuchia lên tới 3-4%. Như vậy, rất có thể sẽ có việc chạy đường vòng để đi ra ngoài hưởng lợi. Giống như việc USD bên kia rẻ thì họ chuyển qua con đường kiều hối hoặc bằng cách nào đó chuyển về rồi bán đi lấy tiền Việt gửi hưởng lãi suất. Đấy là chuyện bình thường. Vì vậy, tôi nghĩ là Ngân hàng Nhà nước nên xem xét kỹ để nếu hiện tượng đó có thì thay đổi để đỡ lãng phí tài nguyên”, ông Sơn bày tỏ quan điểm.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ khi lãi suất huy động USD về mức 0%/năm, huy động vốn ngoại tệ giảm (số dư tiền gửi ngoại tệ chỉ còn khoảng 40-60% so với thời gian trước) và hầu hết khoản tiền gửi được chuyển về hình thức không kỳ hạn hoặc tài khoản thanh toán. Điều đó có nghĩa, hàng tỷ USD tiết kiệm nằm trong ngân hàng có thể bị rút ra bất kỳ lúc nào, khiến ngân hàng bị động.

Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, chính sách này đã góp phần ổn định tỉ giá, nhưng người dân vẫn chưa quen với việc gửi tiết kiệm ngoại tệ mà không có lãi suất, nên sẽ không còn hứng thú gửi tiền vào ngân hàng nữa, trong khi các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu vay USD để thanh toán.

Ông Cấn Văn Lực cho rằng, nên tăng lãi suất USD, có thể thực hiện dần từng bước. Chẳng hạn duy trì tiền gửi USD của người dân có lãi suất, tiền của doanh nghiệp gửi thì chưa có lãi suất, như thế mới huy động được dòng ngoại tệ nhàn rỗi trong dân:

“Cũng nên cân nhắc theo hướng có thể xem xét để điều chỉnh tăng lãi suất huy động USD lên một chút, có thể lên mức 0,2 - 0,25%, mức đó không quá nhiều và đó cũng là cách để chúng ta tạo ra lợi ích nhất định cho người gửi tiền; đồng thời cũng tăng thêm nguồn vốn bằng ngoại tệ để phục vụ những nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế, đặc biệt là xuất - nhập khẩu và đầu tư nước ngoài”, ông Lực cho ý kiến.

Còn theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, với mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, đòi hỏi Việt Nam cần có một chính sách tiền tệ và chính sách tín dụng thận trọng, song vẫn phải linh hoạt và phù hợp với tín hiệu của thị trường. Vấn đề chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đặt ra, như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu cũng nên nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Còn mức lãi suất trên thị trường, lãi suất tiền gửi và cho vay là do cung cầu trên thị trường quyết định.

“Chúng ta đang hướng tới một nền kinh tế thị trường thì cũng nên theo định hướng đó. Nếu bối cảnh kinh tế cho phép thì tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, giữ mức lạm phát thấp thì tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, nợ xấu được giải quyết quyết liệt thì việc hạ lãi suất mới có cơ sở để tiến hành chứ nếu dùng một mệnh lệnh hành chính thì theo tôi là đi ngược với định hướng phát triển các thể chế hỗ trợ thị trường”, TS. Nguyễn Xuân Thành nhận định.

Theo các chuyên gia kinh tế, các điều kiện của thị trường ngoại tệ hiện nay tại Việt Nam thay đổi nhiều so với tình hình thị trường năm ngoái. Trong đó, phải kể đến là Ngân hàng Nhà nước đang điều hành tỷ giá USD/VNĐ ổn định và linh hoạt theo diễn biến của thị trường trong và ngoài nước theo cơ chế tỷ giá trung tâm hiệu quả, thị trường vàng trong nước gần như không còn đầu cơ như trước, cung cầu ngoại tệ trong nước ổn định (thậm chí là thặng dư).

Do đó, Ngân hàng Nhà nước nên có sự điều chỉnh trong chính sách để vừa đáp ứng được nhu cầu về tín dụng ngoại tệ của doanh nghiệp, vừa duy trì được tỉ lệ USD hóa ổn định. Việc thu hút nguồn ngoại tệ này càng cần thiết khi mà kinh tế Việt Nam năm 2016 đang dần hồi phục, mục tiêu tăng trưởng đặt ra cao hơn những năm trước, hoạt động xuất nhập khẩu tăng dần, cầu vốn tăng lên./.

Theo Cẩm Tú

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên