Tranh cãi gay gắt về triển lãm gạo của Quang Đại tại Bangkok
Liên tiếp nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ các triển lãm nghệ thuật trước đây, Quang Đại vẫn "một lòng một dạ" theo đuổi đam mê nghệ thuật.
- 07-09-2024Cho anh họ vay 300 triệu đồng để chữa bệnh, 1 năm sau, tôi nhận được tiền giả mà không dám trách nửa lời
- 05-09-2024Con gái thừa kế 10 triệu đồng, con trai được cả căn nhà: Đến ngân hàng, người phụ nữ lặng người trước 1 câu nói của nhân viên
- 03-09-2024Cho anh họ mượn nhà miễn phí suốt 15 năm, đến khi lấy lại, tôi bị đòi đền bù hơn 500 triệu đồng?
Mới đây, cộng đồng mạng bùng nổ tranh cãi khi Quang Đại đăng tải hình ảnh triển lãm về gạo của mình, tổ chức tại Bangkok (Thái Lan). Theo đó, triển lãm có tên WW: Endless Potential (tạm dịch: “WW: Tiềm năng vô tận”), trưng bày những bao gạo trong không gian tại The House on Sathorn (Thái Lan).
Trong bài đăng của mình, Quang Đại cho biết triển lãm gạo gợi ra suy ngẫm về sự phong phú và khan hiếm, gồm 3 chương là 3 căn phòng với sự thể hiện khác nhau. Buổi trưng bày do Mai Kawintra (Thái Lan) giám tuyển và cho biết những tác phẩm này giúp công chúng khám phá ý nghĩa sâu sắc về gạo trong các nền văn hóa châu Á. Cũng theo vị giám tuyển người Thái Lan, triển lãm lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ về nhà vua, các vị hiền triết và hạt gạo trên bàn cờ.
Bên cạnh đó, số lượng gạo tổng cộng là 800kg, với 400kg gạo Việt Nam và 400kg gạo Thái Lan sau khi triển lãm sẽ được các đầu bếp của khách sạn W Bangkok chế biến và trao tặng cho tổ chức Scholars of Sustenance, từ đó lan toả đến cộng đồng.
Tuy nhiên, giống như những lần trước đây, triển lãm này lại một lần nữa nhận về nhiều ý kiến trái chiều bởi những gì thể hiện trên thực tế khác xa so với bài chia sẻ Quang Đại. Thậm chí, không ít người còn cho rằng triển lãm về gạo này của Quang Đại thiếu sự đầu tư chỉn chu, sơ sài về mọi mặt.
Triển lãm ngày càng sơ sài, từ ý tưởng đến hiện thực là “một trời một vực”
Theo đó, với nhiều người đã từng xem những triển lãm trước đây của Quang Đại đều đưa ra một nhận xét chung, cho rằng anh đang ngày càng sơ sài và coi thường nghệ thuật một cách quá đáng. Bởi so với How are you these days? dù có thể chưa hợp mắt với đại chúng nhưng tác phẩm vẫn thể hiện rõ chất xám, sự đầu tư trong bố cục, sắp xếp của Quang Đại. Bên cạnh đó, với công chúng nói chung cho rằng, nếu không phải là người quá am hiểu về nghệ thuật thì những triển lãm trước đây của Quang Đại vẫn mang đến một giá trị là nơi để chụp hình “sống ảo”.
Tuy nhiên với triển lãm về gạo lần này, nhiều người không khỏi thất vọng với cách Quang Đại bày biện những bao gạo trắng đơn giản khắp hành lang hay xếp chồng lên trong một căn phòng. Phần đông đều nhận xét, những bao gạo được đặt một cách rất tùy hứng và cũng không có dụng ý nghệ thuật hay thể hiện được ý tưởng mà Quang Đại mong muốn.
Có chăng, với những ai thấy triển lãm này ở mức “đẹp” hay “nhìn được” là do phần kiến trúc ấn tượng của The House on Sathorn “gánh còng lưng”. Bởi nhìn vào tổng thể, người xem chỉ thấy nổi bật nhất là những cánh cửa sơn xanh, sàn gỗ, không gian kiến trúc cổ thay vì tập trung vào sự sắp đặt của những bao gạo.
Một phần nữa khiến buổi triển lãm gây tranh cãi là bởi cách Quang Đại “tô vẽ”, viết nó rất hoa mỹ nhưng thực tế lại khác xa hoàn toàn. Trong bài đăng của mình, anh cho biết triển lãm gợi ra suy ngẫm về sự phong phú và khan hiếm nhưng khi sắp đặt bên ngoài lại không thể hiện rõ được dụng ý này.
Triển lãm được chia thành 3 chương, tương ứng với 3 không gian sắp đặt khác nhau
Ngoài câu chuyện người xem được trực tiếp cảm nhận từng hạt gạo hay hoạt động từ thiện sau khi kết thúc triển lãm thì nếu chỉ bàn về nghệ thuật, khi nhìn vào tác phẩm này, người xem chỉ thấy sự lộn xộn, khó hiểu. Không ít người cũng cho rằng việc sắp xếp đơn thuần như này không nhất thiết phải là người am hiểu về nghệ thuật sắp đặt cũng có thể làm được.
Một số bình luận của cộng đồng mạng:
- “Không thấy dụng ý nghệ thuật nào ở đây, nếu nói đẹp thì là do kiến trúc ở đây quá ấn tượng còn cách sắp xếp những bao gạo thật sự đáng thất vọng”.
- “Đầu tư làm triển lãm ở nước ngoài tại sao lại sơ sài đến mức quá đáng như này nhỉ? Đọc những gì bạn viết so với tác phẩm trước mắt là một trời một vực, không liên quan mà cũng không thể hiện bất cứ ý nghĩa hay giá trị nào”.
- “Nếu đây được gọi là nghệ thuật thì có lẽ ai cũng dễ dàng trở thành nghệ sĩ. Mình từng nghĩ nghệ thuật sắp đặt là rất khó, không phải ai có thể làm được cho đến khi xem triển lãm này của Quang Đại. Lộn xộn, thiếu đầu tư, vô tri,...”.
- “Mình không thích tất cả các triển lãm của Quang Đại nhưng nói thật, những cái trước đây còn có thể tạm chấp nhận vì ít nhất còn đầu tư, chỉn chu. Tới cái này thì hết nói. Mình thấy Quang Đại có gu, thẩm mỹ khá tốt nhưng sao lại làm ra được những triển lãm tệ như vậy”.
“Sợ cái cách Quang Đại “lì” với nghệ thuật”
Không chỉ bàn về triển lãm WW: Endless Potential, cộng đồng mạng còn có một thắc mắc to lớn về cách Quang Đại làm nghệ thuật.
Nhiều người đã bắt đầu gọi anh với biệt danh không mấy tích cực “vua lì đòn” bởi cho rằng Quang Đại đang cố chấp, thiếu lắng nghe những góp ý từ công chúng. Không ít người cho rằng, họ rất ngưỡng mộ việc Quang Đại thử sức bản thân trong lĩnh vực mới nhưng lại “sợ” cái cách anh “lì” với nghệ thuật.
Bởi đã có rất nhiều lời nhận xét, góp ý chân thành sau mỗi lần Quang Đại mở triển lãm nhưng anh chàng dường như không tiếp thu, hoàn toàn bỏ qua và chỉ làm những gì mình thích. Bằng chứng là càng những triển lãm sau lại nhận nhiều lời chê hơn ban đầu.
Phần đông công chúng bày tỏ, điều giỏi nhất Quang Đại làm có lẽ là tập trung vào truyền thông và diễn giải những “mớ hỗn độn” một cách bay bổng, màu mè. Còn anh chàng và nghệ thuật sắp đặt như “hai đường thẳng song song”, chưa tìm thấy điểm chạm.
Thậm chí cũng vì cách Quang Đại “lì lợm”, mở triển lãm liên tiếp mà trên MXH Threads có một bài đăng trào phúng: “Chúc cho mỗi người đọc được bài này sẽ tìm được 1 người yêu mình lì như cách Quang Đại theo đuổi nghệ thuật”. Hay cứ mỗi khi thấy tin Quang Đại mở triển lãm, phản ứng chung của dân tình đều là: “Ủa, lại nữa hả?”.
Do đó, nhiều người cho rằng nếu Quang Đại thực sự yêu thích nghệ thuật và nghiêm túc theo đuổi thì nên đi học hỏi và xem nhiều hơn các triển lãm khác cả trong và ngoài nước. Thay vì mở triển lãm một cách vô tội vạ thì nên cân nhắc dành thời gian chậm lại để nghiên cứu, tìm tòi và cho ra một tác phẩm thật sự chất lượng.
Được biết, triển lãm WW: Endless Potential của Quang Đại kéo dài đến hết ngày 8/9 tại Bangkok (Thái Lan). Tuy nhiên, sau 2 ngày đăng tải bài viết quảng bá trên Facebook, Quang Đại hiện đã xóa bài đăng, chỉ giữ lại các hình ảnh trên Instagram.
Trần Quang Đại (SN 1992) là người mẫu, fashionista có tiếng được rất nhiều người yêu thích. Anh tốt nghiệp trường Đại học Luật TP.HCM, ngoài sở hữu diện mạo điển trai, có một thời gian Quang Đại được ca tụng khắp MXH với biệt danh “ông chú quốc dân”. Bởi lẽ, trên trang cá nhân của mình, Quang Đại thường chia sẻ những câu quotes về tình yêu cực sâu sắc khiến giới trẻ tâm đắc.
Bên cạnh đó, Quang Đại phát triển bản thân theo hướng influencer về lifestyle, cuộc sống thường ngày, du lịch,... Đến năm 2022, Quang Đại tìm hiểu sâu hơn về vẽ tranh, nghệ thuật và bắt đầu mở những triển lãm đầu tay của chính mình. Cũng từ đây, hàng loạt những ý kiến trái chiều bủa vây Quang Đại. Từ triển lãm tranh do chính anh vẽ đến những tác phẩm sắp đặt điêu khắc mềm hình trái tim trong hành trình How are you these days? đều nhận về những phản hồi, đánh giá thất vọng từ người xem.
Ảnh: IGNV
Đời sống pháp luật