Tránh quy hoạch theo lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ
ĐBQH phản ánh thực tế thời gian qua đã xảy ra tình trạng quy hoạch bị lái theo lợi ích nhóm, hoặc bị điều chỉnh tùy tiện theo tư duy nhiệm kỳ.
- 15-11-2016Có hay không lợi ích nhóm ở dự án thép Cà Ná?
- 02-11-2016Nói không với dự án có mùi “lợi ích nhóm”
- 09-10-2016Chính phủ quyết chống lợi ích nhóm
Góp ý kiến tại phiên thảo luận về dự án Luật Quy hoạch, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) đề nghị cần phải xác lập các chế tài ràng buộc đối với người phê duyệt quy hoạch, trách nhiệm là liên tục, kể cả khi đã về hưu vẫn bị xử lý.
"Bệnh" tư duy nhiệm kỳ
Đại biểu Hạ nêu thực trạng: Thời gian qua đã xảy ra tình trạng xây dựng, quy hoạch kém chất lượng, quy hoạch bị lái theo lợi ích nhóm hoặc bị điều chỉnh một cách tùy tiện, làm thiệt hại cho nhà nước và doanh nghiệp, gây bất bình trong nhân dân.
Có những con đường đang thẳng mà được quy hoạch, điều chỉnh để biến thành cong và cong mềm mại, ông Hạ cho biết. Vì vậy, theo đại biểu này, Luật Quy hoạch cần tập trung vào việc ngăn cấm các hành vi lũng đoạn quy hoạch, lợi dụng quy hoạch để trục lợi, khắc phục triệt để lợi ích nhóm trong quy hoạch bằng việc xác lập các chế tài ràng buộc đối với người phê duyệt, trách nhiệm là liên tục, kể cả khi đã về hưu vẫn bị xử lý.
Đại biểu Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh) đồng tình với việc Quốc hội thảo luận và ban hành Luật quy hoạch tại kỳ họp này, nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch không gắn với nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi liên kết dẫn đến chồng chéo như hiện nay.
Đại biểu Trần Thị Hằng
Theo đó, từ năm 2011-2014, mỗi tháng cả nước có trên 358 quy hoạch được lập và phê duyệt. Năm 2015, mỗi tháng có trên 75 quy hoạch được lập và phê duyệt, đưa tổng số quy hoạch dự kiến lập cho thời kỳ 2011-2020 được thực hiện trong các năm qua lên đến con số 13.767 quy hoạch. Đại biểu Hằng đánh giá, đây là con số quá lớn và đã tiêu tốn của nền kinh tế hàng ngàn tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân chính của những hạn chế trên là do nhiều văn bản quy phạm pháp luật có nội dung điều chỉnh về công tác quy hoạch nhưng còn chưa thống nhất, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện, tính pháp lý, hiệu lực thi hành của quy hoạch chưa cao. Vai trò, vị trí và mối quan hệ giữa quy hoạch và hệ thống văn bản pháp quy, chỉ đạo điều hành các cấp hành chính chưa rõ ràng.
Cần đảm bảo tính khách quan
Để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch, bà Hằng cũng góp ý cần xem xét, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại dự thảo luật "nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí cho các hoạt động quy hoạch".
Theo vị đại biểu, mặc dù ngân sách quốc gia có nhiều mục tiêu phát triển, tuy nhiên, hoạt động quy hoạch là hoạt động chung của quốc gia, địa phương. Ngân sách nhà nước cũng có thể đủ để chi trả cho hoạt động này. Vì vậy, Quốc hội nên cân nhắc việc khuyến khích để cá nhân, tổ chức tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động quy hoạch vì cho rằng, điều này liên quan đến việc bảo đảm tính minh bạch, khách quan cho hoạt động quy hoạch.
Giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, luật này ra đời sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế như thiếu tầm nhìn, kém chất lượng về quy hoạch gây thất thoát lãng phí, cản trở sự phát triển của đất nước, phân tán, không hiệu quả dẫn đến tùy tiện, chia cắt, cát cứ và xung đột lợi ích giữa các ngành, địa phương.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Theo Bộ trưởng Dũng, tâm lý của các địa phương hiện nay là đối với các công trình, dự án thuộc hạ tầng kinh tế - xã hội thì địa phương nào cũng muốn đưa về mình, đặt ở mình, nhưng các công trình chung như nghĩa trang, hỏa táng, các cơ sở hỏa táng, xử lý các loại rác thải, các loại ô nhiễm môi trường thì các địa phương đều không muốn mang về./.
VOV