MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trẻ có 2 phẩm chất này được định sẵn học rất giỏi, cha mẹ chớ vội lo âu!

06-10-2024 - 04:15 AM | Sống

Trẻ có 2 phẩm chất này được định sẵn học rất giỏi, cha mẹ chớ vội lo âu!

Đây đều là phẩm chất quan trọng để đạt được thành tích học tập tốt.

Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy những đứa trẻ dường như không nổi bật trong giai đoạn tiểu học, thành tích trung bình, thậm chí đôi khi còn khiến cha mẹ lo lắng. Nhưng khi bước vào cổng trường trung học, chúng như được "biến hình", thành tích vươn lên mạnh mẽ và trở thành những học sinh xuất sắc.

Vậy bí quyết của những em học sinh này là gì? Quan sát kỹ, không khó để nhận ra rằng các em thường sở hữu hai đặc điểm quan trọng, giúp các em bay cao và xa hơn trong bầu trời học tập.

1. Tự giác là cầu nối dẫn đến học tập hiệu quả

Tự giác là khả năng tự quản lý bản thân, thể hiện qua việc sắp xếp thời gian hợp lý, kiên trì với nhiệm vụ và khả năng chống lại những cám dỗ. Ở giai đoạn trung học, khi số lượng môn học tăng lên và độ khó cũng lớn hơn, khả năng tự học của học sinh trở nên vô cùng quan trọng.

Những đứa trẻ có thể tự lập kế hoạch học tập, phân chia thời gian hợp lý giữa học và nghỉ ngơi thường có thể duy trì hiệu quả cao trong công việc học tập, xử lý mọi thứ dễ dàng.

Có một trường hợp như sau: Một cậu bé nọ ở bậc tiểu học có thành tích không nổi bật, thậm chí vì ham chơi mà thường bị giáo viên nhắc nhở. Nhưng khi vào trung học, em dường như đã trưởng thành trong một đêm.

Em bắt đầu tự lập kế hoạch học tập, mỗi sáng sớm đều dậy đọc tiếng Anh, buổi tối thì nghiêm ngặt tuân theo thời gian biểu để ôn tập các môn học, ngay cả cuối tuần cũng không ngoại lệ. Em còn biết cách tận dụng thời gian rảnh, chẳng hạn nghe tài liệu ghi âm trên đường đến trường, hoặc nhanh chóng xem lại ghi chú trước khi nghỉ trưa.

Sự tự giác cao này đã giúp em nâng cao hiệu quả học tập, và điểm số cũng tăng lên đáng kể. Sự thay đổi của học sinh này cho thấy tự giác không chỉ giúp trẻ quản lý thời gian tốt hơn mà còn giúp trẻ hình thành trách nhiệm và tinh thần thực hiện.

Trong quá trình tự giác, trẻ học được cách chịu trách nhiệm cho việc học của mình, hiểu rằng mỗi nỗ lực đều là vì tương lai của chính mình. Đây là động lực nội tại mà không có sự trợ giúp từ bên ngoài nào có thể thay thế.

Do đó, chúng ta cần rèn luyện ý thức tự giác cho trẻ, chẳng hạn thông qua việc đặt ra những mục tiêu nhỏ, cơ chế khen thưởng để từng bước hướng dẫn trẻ hình thành thói quen học tập tốt.

Trẻ có 2 phẩm chất này được định sẵn học rất giỏi, cha mẹ chớ vội lo âu!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

2. Sự tò mò là ngọn hải đăng dẫn lối khám phá đại dương tri thức

Sự tò mò là động lực quan trọng thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại và cũng là nguồn cảm hứng học tập bền vững cho trẻ. Những đứa trẻ có sự tò mò mạnh mẽ thường muốn khám phá thế giới xung quanh, thích đặt câu hỏi và không ngại thử thách, ngay cả khi gặp khó khăn cũng không dễ dàng từ bỏ.

Ở giai đoạn trung học, nơi khối lượng kiến thức bùng nổ, những đứa trẻ tò mò thường sẽ tự mình tìm hiểu thêm kiến thức sâu hơn và mở rộng biên giới hiểu biết của mình, từ đó đạt được những thành tựu lớn hơn trong học thuật.

Một phụ huynh chia sẻ câu chuyện về con gái mình. Cô bé từ nhỏ đã tràn đầy sự tò mò về khoa học, luôn muốn hỏi "tại sao" khi gặp những hiện tượng mới mẻ. Khi vào trung học, sự tò mò này thúc đẩy em không chỉ dừng lại ở những kiến thức trong sách vở, mà còn thường xuyên sử dụng thời gian rảnh để tra cứu tài liệu, xem các video khoa học, thậm chí tự tay làm thí nghiệm nhỏ.

Trong một buổi học Vật lý, khi giáo viên giảng về nguyên lý khúc xạ ánh sáng, em lập tức liên hệ với thí nghiệm lăng kính nước mà mình từng thực hiện và chia sẻ phát hiện của mình với cả lớp.

Hành động này không chỉ được giáo viên khen ngợi mà còn khơi dậy sự hứng thú của các bạn cùng lớp đối với môn Vật lý. Nhờ đó, thành tích của em được cải thiện đáng kể và trở thành một trong những học sinh giỏi nhất lớp.

Sự tò mò là động lực nội tại cho việc học của trẻ, khơi gợi khát khao tìm tòi và khám phá, giúp việc học trở nên chủ động hơn.

Chúng ta nên khuyến khích trẻ giữ vững sự tò mò, tạo cơ hội và cung cấp nguồn lực để trẻ khám phá, chẳng hạn như đưa trẻ đến tham quan bảo tàng, tham gia các cuộc thi khoa học... Qua đó, trẻ sẽ học hỏi trong quá trình thực hành và trưởng thành trong hành trình khám phá.

Đồng thời, cũng cần dạy trẻ cách đặt câu hỏi và suy nghĩ phản biện, điều này sẽ giúp trẻ tự tin và độc lập hơn trong học tập và cuộc sống.

Kết luận:

Tự giác và sự tò mò giống như hai ngọn đèn sáng trên con đường trưởng thành của trẻ, soi sáng bước đường của chúng. Những đứa trẻ có hai phẩm chất này, ngay cả khi đối mặt với áp lực học tập tăng lên ở trung học, vẫn có thể nhờ vào nỗ lực và sự đam mê của mình, cải thiện đáng kể kết quả học tập và trở thành những học sinh xuất sắc.

Theo Thanh Hương

Phụ Nữ Số

Trở lên trên