Trên thị trường đang lưu hành tới 6.150 tên phân bón
Việc quản lý chất lượng phân bón hết sức phức tạp, tình trạng trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn xảy ra.
- 20-04-2018Giá phân bón tăng lên mức cao nhất 16 tháng
- 18-04-2018Phạt đến 200 triệu đồng nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón
- 02-04-2018Giá phân bón tăng, nông dân lo lắng
Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trồng trọt của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình bày trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thứ XIV vào chiều ngày 21/5, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành quy định cần phải khảo nghiệm phân bón trước khi được công nhận lưu hành.
Cụ thể, báo cáo được chia 2 luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất tán thành với quy định quản lý phân bón như Dự thảo Luật, nghĩa là quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện sản xuất kinh doanh và được công nhận lưu hành. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, chỉ nên quản lý phân bón theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và điều kiện sản xuất, kinh doanh là đủ. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng phân bón nên không cần thiết phải thêm thủ tục công nhận lưu hành.
Tuy nhiên, trong điều kiện số lượng nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trồng trọt hạn chế như hiện nay thì việc quản lý, bảo đảm chất lượng phân bón trên thị trường là rất khó khăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra. Nguồn: Quốc hội Việt Nam.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, nhiều ý kiến tại hội nghị thẩm tra của Ủy ban ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với loại ý kiến thứ nhất là cần phải quản lý điều kiện, quy trình kỹ thuật sản xuất, kinh doanh phân bón; các doanh nghiệp phải đăng ký công nhận lưu hành phân bón khi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, về điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón để quản lý chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng, sản lượng phân bón trên thị trường.
Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định quản lý đối với phân bón là phụ phẩm trồng trọt (thân, lá cây, rơm rạ), chất thải chăn nuôi đang được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong nông hộ, trang trại vào Dự thảo Luật.
Về nguyên tắc khảo nghiệm phân bón, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với quy định phải khảo nghiệm phân bón trước khi được công nhận lưu hành, trừ một số trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 49 của dự thảo Luật Trồng trọt gồm: Phân bón hữu cơ, phân bón hữu cơ truyền thống sử dụng bón rễ; Phân bón đơn, phân bón phức ợp sử dụng bón rễ mà trong thành phần không bổ sung các chất tăng hiệu suất sử dụng, chất cải tạo đất, vi sinh vật, chất sinh học, chất điều hòa sinh trưởng hay các chất làm thay đổi tính chất, công dụng, hiệu quả sử dụng phân bón; Phân bón là kết quả của các công trình, đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh được công nhận là tiến bộ kỹ thuật.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, phân bón là dinh dưỡng cho cây trồng đã được quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và điều kiện sản xuất, kinh doanh của cơ sở nên không nhất thiết phải khảo nghiệm; ý kiến khác cho rằng, chỉ khảo nghiệm phân bón có chứa các yếu tố gây hại cho cây trồng và môi trường.
Qua nghiên cứu, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phân bón đang được hoàn thiện, việc quản lý điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón đang dần ổn định. Do đó, việc khảo nghiệm phân bón nên quy định theo hướng: chỉ khảo nghiệm đối với một số loại phân bón mà nguyên liệu có chứa các yếu tố có nguy cơ gây độc hại, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cần quy định rõ nội dung, một số chỉ tiêu chính cần khảo nghiệm đối với phân bón; quy định giá trần, giá sàn đối với chi phí khảo nghiệm.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện cả nước có trên 35.000 doanh nghiệp, đại lý và hộ gia đình sản xuất và kinh doanh phân bón, có 694 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện được phép hoạt động, 6.150 tên phân bón đang được lưu hành trên thị trường. Năm 2017, Việt Nam sử dụng 28 triệu tấn phân bón, trong đó nhập khẩu là 220 ngàn tấn, xuất khẩu 76 ngàn tấn và việc quản lý chất lượng phân bón hết sức phức tạp, tình trạng trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn xảy ra.