Triển vọng các kênh đầu tư năm 2022
Sau một năm đầy biến động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhờ chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi. Tăng trưởng GDP cả năm 2021 đạt 2,58% là mức thấp nhất kể từ khi đổi mới, nhưng riêng quý IV đã tăng trưởng 5,22%.
-
Ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam năm nay sẽ tăng 5,5-6%. Ở kịch bản tích cực hơn, tăng trưởng cả năm có khả năng đạt 6-6,5%.
Câu hỏi lớn đang được đặt ra là triển vọng phục hồi kinh tế và khả năng sinh lời của các kênh đầu tư trong năm 2022 sẽ như nào?
Nhìn lại các kênh đầu tư 2021
Đối với thị trường chứng khoán (TTCK): cùng với xu hướng phục hồi của TTCK toàn cầu (nhất là Mỹ, EU và một số thị trường Châu Á đều tăng điểm) phản ánh kỳ vọng tích cực đối với kinh tế thế giới. TTCK Việt Nam liên tiếp đạt những cột mốc lịch sử, tổng giá trị vốn hóa đến cuối tháng 12/2021 tăng hơn 46% so với đầu năm (đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng).
Trên thị trường cổ phiếu, thanh khoản thị trường ở mức tốt, giá trị giao dịch bình quân/ngày lên tới 26,6 nghìn tỷ đồng, tăng 260% so với bình quân năm 2020. Chỉ số VnIndex ngày 31/12/2021 đạt 1498,2 điểm tăng 35,7% so với đầu năm. Dòng tiền nhàn rỗi (đặc biệt là của các nhà đầu tư cá nhân) đã ưu tiên đổ về kênh đầu tư cổ phiếu.
Chỉ số VN Index liên tục đạt những cột mốc lịch sử. Ảnh: TRỌNG HIẾU
Trên thị trường trái phiếu, quy mô niêm yết của thị trường trái phiếu đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu Chính phủ đạt 11,3 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 9,7% so với bình quân năm 2020.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tính đến hết năm 2021, khối lượng phát hành ước đạt khoảng 550.000 tỷ đồng, trong đó khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%, còn lại là TPDN phát hành ra công chúng. Chủ thể phát hành chủ yếu là các TCTD và doanh nghiệp bất động sản chiếm 76% (trong đó TPDN có tài sản đảm bảo - TSĐB chiếm 50,9%; trái phiếu không có TSĐB chiếm 49,1%). Mặc dù thị trường TPDN đã phát triển khá mạnh mẽ, trở thành một kênh huy động vốn, đặc biệt là vốn trung, dài hạn cho các doanh nghiệp, làm giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng (TCTD), song rủi ro tiềm ẩn do hiện nay các doanh nghiệp trong nước phát hành TPDN chưa được xếp hạng tín nhiệm bởi một tổ chức xếp hạng độc lập uy tín. Thống kê năm 2021 cho thấy, trong số hơn 100 DN bất động sản phát hành TPDN riêng lẻ, có 26 doanh nghiệp ghi nhận thua lỗ.
Đối với kênh đầu tư bất động sản (BĐS): bên cạnh kênh đầu tư chứng khoán, BĐS cũng được nhiều NĐT quan tâm trong năm 2021. Mặc dù vẫn được xem là một trong những kênh đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với các kênh khác như vàng, trái phiếu Chính phủ hay gửi tiết kiệm ngân hàng, nhưng đi kèm với rủi ro luôn là lợi nhuận. Trong năm 2021, tác động của dịch bệnh lên các phân khúc BĐS rất khác nhau.
Trong khi phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê rất khó khăn, thì BĐS đất nền, nhà ở, BĐS công nghiệp, kho bãi vẫn giao dịch khá sôi động và giá BĐS nhà ở tăng bình quân 5-9%, giá thuê BĐS công nghiệp tăng 5-18%, tùy địa bàn. Tính bình quân, tỷ suất sinh lời đầu tư kênh này khoảng 12%.
Kênh tiền gửi tiết kiệm ngân hàng: trong năm 2021, các TCTD tiếp tục thực hiện các biện pháp miễn giảm lãi vay, cho vay mới với lãi suất thấp hơn nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn bởi dịch, kéo theo đó mặt bằng lãi suất huy động cũng được điều chỉnh giảm (hiện đã giảm 1,5-2% so với đầu năm 2020). Ước tính tiền gửi vào hệ thống các TCTD năm 2021 tăng khoảng 9%, thấp hơn mức tăng 14-15% các năm trước, chủ yếu tăng do tiền gửi của các tổ chức (ước tăng 10%), trong khi tiền gửi cá nhân chỉ tăng khoảng 6%. Lãi suất tiền gửi bình quân bằng VND dao động trong khoảng 5,4-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1-6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng; bình quân khoảng 6%. Nếu loại trừ yếu tố lạm phát, người gửi tiền được hưởng lãi suất thực dương khoảng 4%.
Đối với thị trường vàng: năm 2021 giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh mới đạt hơn 61 triệu đồng/lượng (đến 31/12/2021 đạt 61,65 triệu đồng/lượng bán ra), tuy nhiên lợi nhuận chỉ dao động từ 7-10%/năm cho thấy vàng không phải là kênh đầu tư hấp dẫn mà chỉ là kênh đầu tư an toàn, theo thói quen. Trong tháng cuối năm 2021 giá vàng tăng do được hỗ trợ bởi những lo ngại về lạm phát.
Kênh khởi nghiệp: đại dịch Covid-19 đã trở thành “phép thử” cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp (startups). Đã có nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, ngừng trệ sản xuất hoặc phá sản, song một số mô hình kinh doanh công nghệ của startups Việt lại trở nên hấp dẫn và tăng trưởng vượt bậc… Tuy nhiên, có nhiều rủi ro khi đầu tư vào kênh khởi nghiệp như khung pháp lý chưa hoàn thiện, chưa gây dựng được nhân sự và khách hàng trung thành, tư duy kinh doanh của các start-ups vẫn còn mang tính thời vụ, chưa lường đón hết được những thay đổi trong hành vi khách hàng thay đổi do đại dịch để thay đổi kịp thời chiến lược kinh doanh dẫn đến thua lỗ. Bên cạnh đó nền tảng tài chính mỏng và yếu cũng là một vấn đề lớn của các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay.
Tiền kỹ thuật số: trên thực tế, kênh đầu tư này chỉ dành cho số ít nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm và chấp nhận rủi ro bởi 2 lý do: (i) thứ nhất, mức độ biến động giá rất lớn, có thể tăng, giảm đến vài chục phần trăm ở một thời điểm nhất định (ii) thứ hai, rủi ro về pháp lý do tiền kỹ thuật số chưa được công nhận, chưa phải là phương tiện thanh toán tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều NĐT quan tâm và tham gia trong năm qua và cũng đã có nhiều NĐT bị lừa đảo, mất tiền khi tham gia đầu tư đa cấp tiền kỹ thuật số, tiền ảo, bất chấp rủi ro, cảnh báo.
Triển vọng các kênh đầu tư năm 2022
Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể tăng trưởng khoảng 6,5-7% nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023. Mức này là khả quan hơn so với mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra cho năm 2022 với GDP tăng khoảng 6-6,5%. Lạm phát sẽ tăng khá nhanh, CPI bình quân dự báo tăng 3,5-3,8% (có tính đến cả tác động của việc triển khai Chương trình phục hồi), tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát và dưới ngưỡng mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra (khoảng 4%).
Với những tín hiệu lạc quan trên, nhu cầu đầu tư trong năm 2022 được dự báo sẽ có xu hướng tăng. Theo đó, trong số các kênh đầu tư chính như nêu trên, kênh đầu tư chứng khoán, BĐS, tiền kỹ thuật số và khởi nghiệp sẽ tiếp tục được quan tâm và có nhiều khởi sắc, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro.
Đối với kênh TTCK: Về tổng thể, dự báo TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2022 do những yếu tố tích cực đang chiếm ưu thế cùng với sự dồi dào của dòng tiền vẫn hiện hữu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay, tính kết nối giữa TTCK và nền kinh tế thực có vẻ lỏng lẻo (thậm chí ngược chiều), khi kinh tế tăng trưởng thấp nhưng chỉ số chứng khoán tăng cao; thị trường TPDN tiềm ẩn rủi ro khi còn thiếu minh bạch, thiếu định hạng tín nhiệm; tâm lý đám đông và tính thiếu chuyên nghiệp của NĐT cá nhân còn chi phối; đây là 3 điểm tiềm ẩn rủi ro và thiếu bền vững.
Thị trường BĐS đã thể hiện sức đề kháng tốt và tiếp thu kinh nghiệm điều phối thị trường từ cuộc suy thoái BĐS cách đây gần 10 năm. Với những lực đỡ từ kinh tế vĩ mô, cung - cầu và động lực phát triển hạ tầng, nhà ở, quy hoạch BĐS…; năm 2022 dự báo sẽ có nhiều cơ hội hơn thách thức với các nhà đầu tư. Triển vọng của thị trường cũng đến từ các yếu tố khác như khung pháp lý ngày càng hoàn thiện (1 Luật sửa 8 luật, Luật Đất đai dự kiến được sửa đổi trong năm 2022…), quy hoạch minh bạch hơn, chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030 chuẩn bị ban hành; chương trình phục hồi và phát triển KT-XH được triển khai, trong đó đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ở, đầu tư công được coi là những trọng tâm… Hiện nay, việc rót vốn vào BĐS sẽ phù hợp hơn đối với nhà đầu tư trung hạn và dài hạn, trong đó những sản phẩm có pháp lý rõ ràng, quy hoạch, hạ tầng tốt, sản phẩm phù hợp thị hiếu,được quản lý chuyên nghiệp, giá hợp lý … luôn được quan tâm. Đây cũng là kênh đầu tư rủi ro nếu có tư tưởng “lướt sóng” vì thực tế, có những khu vực trải qua cơn sốt đất hàng chục năm trở lại đây, nhưng hiện tại vẫn chỉ là bãi đất trống.
Dù vậy, sức mua, nhu cầu đầu tư BĐS trong năm 2022 sẽ phụ thuộc nhiều vào biến số dịch Covid-19. Nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch, dòng tiền sẽ chảy vào thị trường này tích cực. Theo đó, một số dự án có hạ tầng tốt, pháp lý đầy đủ, vị trí thuận lợi sẽ có lượng tiêu thụ tích cực hơn năm trước. Tuy nhiên, sẽ khó có hiện tượng sốt bất động sản trong năm 2022 do các thông tin về quy hoạch, các kế hoạch phát triển về hạ tầng, quy hoạch đã được dần công bố trong năm 2021. Nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản có thể rơi vào trạng thái trầm lắng, thanh khoản thấp ở một số thời điểm nhất định.
Với các kênh đầu tư truyền thống khác như tiền gửi tiết kiệm ngân hàng và vàng với tỷ suất lợi nhuận dự kiến từ 6-10% dự báo tiếp tục sẽ là kênh đầu tư an toàn với đại đa số các nhà đầu tư. Quan điểm điều hành của NHNN trong năm 2022 yêu cầu hệ thống TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, song phải đảm bảo tỷ lệ an toàn của các TCTD cũng như toàn hệ thống. Vì vậy, cơ hội tăng lãi suất tiền gửi trong năm 2022 là không nhiều.
Đối với các kênh đầu tư như khởi nghiệp và tiền kỹ thuật số, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức tốt về thị trường, lợi nhuận và rủi ro, và cần xác định nguyên tắc đầu tư cơ bản là lợi nhuận cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro, hạn chế dùng đòn bẩy tài chính và hám lợi nhuận đầu tư đa cấp.
Kết luận: phân chia theo khẩu vị rủi ro từ thấp tới cao, kênh tiền gửi tiết kiệm và vàng vẫn được coi là an toàn, nhất là kênh gửi tiết kiệm vẫn hấp dẫn đối với nhiều NĐT trong bối cảnh lạm phát tuy tăng nhưng cơ bản được kiểm soát. Trong năm 2022, bất động sản, chứng khoán có thể tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, nhưng ứng với mức độ rủi ro cao hơn. Còn kênh khởi nghiệp và tiền kỹ thuật số sẽ phù hợp với một số ít các nhà đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro cao và kỳ vọng sinh lời cao. NĐT nên quyết định theo khẩu vị rủi ro, năng lực tài chính và mức độ hiểu biết, kinh nghiệm của mình.
Nhà đầu tư