Triệt phá đường dây lừa dân vay nặng lãi
Nhiều dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Đắk Lắk sập bẫy “tín dụng đen” của những đối tượng chuyên đi cho vay nặng lãi. Công an tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng thực hiện những thủ đoạn lừa đảo này.
- 07-10-2018Chính phủ yêu cầu Bộ Công an ngăn chặn nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi
- 06-10-2018Mánh lới tinh vi của đối tượng cho vay nặng lãi “siết cổ” con nợ
- 29-08-2018Cho vay nặng lãi “cắt cổ” công nhân nghèo - bài cuối: Giải pháp tài chính để không vướng vào tín dụng đen
Lừa đảo dân nghèo vùng sâu
Thời gian gần đây, dịch vụ “tín dụng đen” xuất hiện khắp mọi nơi. Hình thức tiếp cận người vay thông qua các tờ rơi phát ngoài đường, tờ A4 dán chằng chịt trên tường nhà hay cột điện, tin nhắn điện thoại, thậm chí đầy mạng xã hội. Lấy danh nghĩa cho vay tiền tiêu dùng, các tổ chức này đã đưa người dân vào đường dây cho vay với lãi suất rất cao. Nếu như trước đây, các nhóm cho vay nặng lãi chỉ xuất hiện ở thành thị, nay đã về tận các buôn làng vùng sâu, vùng xa .
Tin những lời quảng cáo hấp dẫn trên những tờ rơi cho vay tiền, bà H’Riăng Niê (ở xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) đã vay 30 triệu đồng theo hình thức trả góp trong 50 ngày, mỗi ngày phải trả 750 nghìn đồng. Ngày nào không góp đủ tiền trả, bên cho vay dọa nạt, đòi đánh đập, làm bà hết sức lo lắng. “Mình thấy được cái tờ rơi cho vay ngoài đường, thì mình điện thoại cho người ta. Nó cho vay 30 triệu thì nó rút trước 3 triệu. Ngày nào mà không có tiền trả nó là nó dọa đánh đập”, bà H’Riăng Niê tâm sự.
Lợi dụng tâm lý người dân ngại làm thủ tục khi vay tiền, nhưng cần tiền nhanh, nên khi tiếp cận được người vay, các nhóm cho vay thường giải quyết thủ tục rất nhanh. Tiền được giải ngân trong ngày, phải trả nợ gốc và thêm lãi suất lên đến 15%/tháng. Số tiền mỗi lần thanh toán là bằng nhau, chia đều theo kỳ hạn khoảng 50 ngày. Bà H’Bet KnuL (ở cùng xã Ea Bông) cho hay: “Gọi 30 phút là nó tới nhà ngay, tụi nó ở phố, tụi nó tư vấn cho mình. Mình nói vay thì bắt buộc phải trả thôi. Cực khổ quá bắt buộc phải vay thôi chứ biết vay ở đâu nữa”.
Bắt nhiều đối tượng lừa đảo
Nguồn tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Qua điều tra sơ bộ, công an tỉnh đã phát hiện có khoảng 6-7 nhóm cho vay tài chính có đăng kí hoạt động kinh doanh tại địa phương, còn lại có hơn 20 nhóm hoạt động cho vay tài chính không đăng kí. Trong thời gian vừa qua, hoạt động của các nhóm này đã về vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, dụ dỗ cho vay với hình thức đơn giản không cần thế chấp tài sản gì cả nên dân nghèo cả tin vay ngay.
Vào ngày 1/10 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, bắt giữ Bùi Văn Thịnh (26 tuổi, ở TP Hải Phòng, tạm trú tại đường Dương Văn Nga, thành phố Buôn Ma Thuột ) có hành vi cưỡng đoạt tài sản, tạm giữ trên 100 triệu đồng của một người dân. Ngoài Thịnh, cơ quan công an cũng tạm giữ 8 người khác liên quan đến đường dây “cho vay nặng lãi” này gồm: Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Văn Năm, Hoàng Văn Cương, Nguyễn Đức Khương, Lê Trung Hiếu, Bùi Văn Tình, Vũ Văn Mạnh và Phạm Đình Bảo.
Theo điều tra ban đầu, nhóm này do Thịnh cầm đầu, từ Hải Phòng vào Đắk Lắk cấu kết với Nguyễn Thị Ngọc Tiền (25 tuổi, ở huyện Krông Ana, Đắk Lắk) để hoạt động “tín dụng đen”. Hàng ngày, Thịnh chỉ đạo các đàn em in hàng trăm tờ quảng cáo “cho vay không cần chứng minh, hộ khẩu” rồi chia nhau đi phát cho người dân hoặc dán trên các bờ tường, cột điện.
Trước những lời mời chào cho vay dễ dãi đó, đã có 269 hộ dân sập bẫy, vay tiền và trả lãi suất cắt cổ. Lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong số 269 hộ dân (vay tổng cộng 2,6 tỷ đồng) có 40 hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số “sập bẫy” với số tiền 950 triệu đồng.
Theo cơ quan điều tra, phương thức hoạt động của nhóm cho vay nặng lãi này là tạo vỏ bọc bên ngoài dưới dạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho thuê xe tự lái, công ty vệ sĩ, tư vấn tài chính. Thông qua các hình thức dán tờ rơi, quảng cáo… để tiếp cận người có nhu cầu vay tiền. Lãi suất thỏa thuận với người vay thường tính theo ngày trên 1 triệu đồng và không ghi lãi suất vào hợp đồng.
Tuy nhiên, khi giải ngân, các đối tượng trừ luôn lãi của tháng đầu tiên, đến kỳ lãi nếu người vay không trả được thì sẽ bị tính lãi mới trên cơ sở gộp tiền gốc và lãi cũ chưa trả nên lãi mẹ đẻ lãi con. Cơ quan công an đã thu giữ hàng trăm bộ hồ sơ cho vay, nhiều thiết bị máy móc, vật chứng và các giấy tờ liên quan để tiếp tục mở rộng làm rõ, góp phần ngăn ngừa loại tội phạm này.
“Mức lãi suất mà nhóm này cho người dân vay lên đến 30%/tháng, tương đương 360%/năm nên nhiều người sau khi vay tiền đã không có khả năng trả lãi. Lúc này, nhóm của Thịnh mới tổ chức siết nợ, cưỡng đoạt tài sản của các nạn nhân. Trong đó, có những người khi vay của nhóm này từ 50 triệu đồng trở lên còn buộc phải cầm lại giấy tờ nhà, giấy tờ đất”, theo nguồn tin từ cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk.
Tiền phong