Trình Quốc hội bổ sung dự toán chi thường xuyên 2.508 tỷ đồng cho các bộ, địa phương
Sáng 17/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đại diện Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương.
- 17-10-2023Phó Thủ tướng: Nhà thầu yếu kém cho rời khỏi công trình sân bay Long Thành
- 17-10-2023Đang được trợ giá 2.750 tỉ đồng, Sở GTVT Hà Nội vẫn muốn tăng giá vé xe buýt
- 17-10-2023Chính phủ đồng ý giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024
Bộ trưởng Tài chính viện dẫn, khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 70 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 giao Chính phủ: Khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện phân bổ theo đúng quy định các khoản chi của ngân sách Trung ương chưa phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất số tiền 70.735,172 tỷ đồng . Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc xây dựng dự toán, khắc phục tình trạng số kinh phí chưa phân bổ lớn khi trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước…
Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương là 2.508 tỷ đồng.
Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua đối với dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) Quốc hội khóa XV.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ “khẩn trương” hoàn thiện thủ tục, điều kiện để phân bổ số tiền 70.735,172 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay gần kết thúc năm ngân sách 2023 (5/10/2023) Chính phủ mới trình bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương, tổng số kinh phí khoảng 2.508 tỷ đồng (chỉ bằng khoảng 3,5% tổng số tiền chưa phân bổ) là quá muộn so với quy định, gây lãng phí nguồn lực NSNN.
“Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm, không để tồn tại các khoản chi chưa xác định được nhiệm vụ, nội dung chi trong dự toán NSNN hằng năm để chờ phân bổ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về số kinh phí còn lại chưa trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, làm rõ về khả năng sử dụng khoản kinh phí này trong niên độ NSNN năm 2023”, ông Mạnh cho hay.
Thường trực Ủy ban này kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định; giao Chính phủ chịu trách nhiệm hoàn toàn việc rà soát số liệu, hoàn thiện thủ tục, bảo đảm đủ điều kiện để phân bổ và giao vốn đúng quy định pháp luật.
Đối với số còn lại chưa phân bổ theo quy định, đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Quá thời hạn theo quy định pháp luật, đề nghị hủy dự toán.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, cơ bản Kiểm toán nhà nước thống nhất nội dung Ủy ban Tài chính và Ngân sách vừa báo cáo. Đồng thời, Kiểm toán nhà nước đề nghị làm rõ việc bổ sung dự toán do những nhiệm vụ mới phát sinh hay là các nhiệm vụ đã được xác định từ trước nhưng chưa có đủ hồ sơ để phân bổ ngay từ đầu năm 2023.
Từ đó, Kiểm toán nhà nước đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tham mưu và các bộ ngành địa phương để rút kinh nghiệm cho các năm tiếp theo.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, lý do mà bộ phân bổ chậm là do các bộ ngành chậm trình các thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách để bổ sung. Chẳng hạn, về hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 năm 2020 do chưa tổng hợp được nên bây giờ mới phân bổ; hay hỗ trợ các báo về vấn đề đặt hàng, theo quy định của Nghị định, chỉ sau khi được bộ chuyên ngành ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá thì mới phân bổ...
Kết luận phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội tại kỳ họp tới. “Bộ Tài chính, Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng dự toán, điều hành ngân sách, khắc phục tình trạng số kinh phí chưa phân bổ lớn như một khoản dự phòng thứ 2 của ngân sách khi trình Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận.
Tiền Phong