MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất ổn kinh tế, các ngân hàng trên toàn thế giới đối mặt với áp lực sụt giảm lợi nhuận

04-10-2019 - 12:55 PM | Tài chính - ngân hàng

Nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, lãi suất ở mức thấp, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cùng sự không chắc chắn của thỏa thuận Brexit có thể làm sụt giảm đáng kể lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian tới.

Nhiều chỉ số tài chính ở Mỹ và trên thế giới đang báo hiệu một cuộc suy thoái kinh tế ở mức tồi tệ nhất. Nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, lãi suất ở mức thấp, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cùng sự không chắc chắn của thỏa thuận Brexit có thể làm sụt giảm đáng kể lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian tới. Ở Mỹ, những lợi ích mà các ngân hàng có được từ cuộc cải cách thuế của Tổng thống Donald Trump đều đã không còn nữa.

CRISIL (tổ chức chuyên về đánh giá tín nhiệm của Standard & Poors) nhận định rằng doanh thu từ thị trường vốn và doanh thu từ dịch vụ tư vấn của các ngân hàng đầu tư Mỹ và châu Âu đạt mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua có thể sẽ là khởi đầu của nhiều thách thức sắp tới. Thậm chí trước đó, Moody's Investor Services đã thay đổi đánh giá tích cực về hoạt động các ngân hàng đầu tư toàn cầu cũng bởi vì tăng trưởng kinh tế chậm và lãi suất thấp hơn.

Khi suy thoái kinh tế đang đến gần hơn, các nhà quản trị rủi ro, các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản cho vay của ngân hàng. Theo kết quả theo dõi tín dụng hàng quý các ngân hàng lớn tại châu Âu của Fitch Rating, trong 2 quý đầu năm nay, kinh tế chậm lại ở châu Âu chưa gây ảnh hưởng nhiều tới các khoản cho vay mới nhưng tương lai có thể làm suy giảm chất lượng cũng như số lượng các khoản vay này.

Các ngân hàng nắm giữ các khoản vay nợ có đòn bẩy cao và các trái phiếu khó định giá được hình thành từ việc chứng khoán hóa các khoản nợ kém thanh khoản bắt đầu lo ngại về vấn đề lợi nhuận khi nền kinh tế đứng trước bờ vực suy thoái. Trong một công bố về "Thông tin chi tiết các khoản cho vay có đòn bẩy cao ở Mỹ" của Fitch Rating, dư nợ cho vay cần phải chú ý theo dõi cẩn thận lên tới 40,9 tỷ USD, mức lớn nhất kể từ tháng 3 năm 2017. Các chuyên viên cho vay cao cấp của Cục Dự trữ Liên bang cho biết họ đã phải nới lỏng nhẹ của các tiêu chuẩn cho vay đối với các khoản vay nợ của doanh nghiệp trong quý thứ hai liên tiếp.

Các ngân hàng đầu tư toàn cầu cũng cần phải chú trọng hơn nữa trong việc thay đổi mô hình kinh doanh. Trước tình trạng bất ổn của nền kinh tế hiện tại, nhu cầu cho các dịch vụ tư vấn và đầu tư từ các ngân hàng này vẫn có nhưng sẽ ít đi. Những biến động khó lường của nền kinh tế thị trường nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà quản lý ngân hàng, tuy nhiên, họ vẫn có thể cải thiện hiệu quả chi phí đồng thời tăng thu phí dịch vụ để có thể duy trì lợi nhuận trong năm 2019 và xa hơn nữa. Nhưng nếu như các ngân hàng tiết kiệm chi phí bằng cách sa thải một số chuyên viên cấp cao thì nhiều thương vụ tiềm ẩn mang lại lợi nhuận lớn có thể cũng sẽ bị mất đi.

Bất ổn kinh tế, các ngân hàng trên toàn thế giới đối mặt với áp lực sụt giảm lợi nhuận - Ảnh 1.

Tổng doanh thu thị trường vốn nửa đầu năm 2009-19 (tỷ USD) (Nguồn: Moody's Investor Services)

Không ít ngân hàng tại các thị trường mới nổi cũng chịu áp lực lợi nhuận. Các tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín bày tỏ cái nhìn tiêu cực đối với hoạt động kinh doanh của nhiều ngân hàng ở Mỹ Latinh, chủ yếu là do tăng trưởng chậm của kinh tế Mexico và áp lực suy thoái ở Brazil. Các ngân hàng châu Á cũng trực tiếp chịu ảnh hưởng và đặc biệt nhạy cảm với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Bất ổn kinh tế, các ngân hàng trên toàn thế giới đối mặt với áp lực sụt giảm lợi nhuận - Ảnh 2.

Tăng trưởng GDP trung bình theo khu vực (Nguồn: Fitch Rating)

Hơn bao giờ hết, để tăng lợi nhuận, người đứng đầu mỗi ngân hàng cần phải tìm cách đa dạng hóa nguồn thu trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ tín dụng, đầu tư, quản lý tài sản cũng như dịch vụ lưu ký và thanh toán bù trừ. Các ngân hàng cần có lợi nhuận đủ lớn để duy trì khả năng thanh khoản và bù đắp các khoản lỗ bất ngờ. Điều đáng lo ngại là nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, cùng với ngày càng nhiều các quy định được bãi bỏ tại Mỹ, chẳng hạn như việc bãi bỏ Quy tắc Volcker gần đây (quy tắc nghiêm cấm ngân hàng dùng nguồn vốn của mình để tự doanh; cấm sở hữu, bảo trợ, hay có quan hệ với các quỹ dự phòng, quỹ cổ phần tư nhân...) sẽ khiến các ngân hàng chấp nhận rủi ro quá mức để đánh đổi cho khoản lợi nhuận cao hơn. Do vậy, các cơ quan quản lý cần có sự theo dõi chặt chẽ để tránh thiệt hại cho người gửi tiền khi ngân hàng gặp rắc rối.

Bích Ngọc - Thái Cẩm (dịch)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên