Trong quả na có 1 bộ phận chứa độc tố có thể gây ngộ độc nếu ăn phải, khi ăn na hãy cẩn trọng lược bỏ
Quả na rất thơm ngon, bổ dưỡng xong khi ăn loại quả này mọi người cần phải ghi nhớ thông tin dưới đây.
Cứ đến tháng 8, tháng 9 hàng năm, tiết trời thu se lạnh tràn về cũng là khi mùa na chín bắt đầu. Vào thời điểm này, na trở thành bữa tráng miệng tuyệt vời sau bữa ăn của nhiều gia đình bằng nhiều cách, khi thì ăn như một loại quả thông thường, có lúc lại sử dụng ở dạng sinh tố hay dầm kem… đều rất ngon và bổ dưỡng.
Trong na có chứa dồi dào vitamin C, kali, chất xơ, carbohydrates và một số vitamin, khoáng chất thiết yếu rất có lợi trong việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), trong Đông y, quả na có vị ngọt, hơi chua, tính ẩm. Có tác dụng chữa đái tháo, tiêu khát, nhọt vú… Rất tốt cho người cao tuổi, người mới ốm dậy và phụ nữ sau sinh.
Một số bài thuốc từ quả na do lương y Bùi Đắc Sáng chia sẻ:
- Chữa lỵ, đái tháo, tiêu khát: Na chín vừa đủ, ăn mỗi lần 1 trái sau bữa ăn sẽ giúp chữa lỵ, đái tháo, tiêu khát hiệu quả, nhờ hàm lượng chất dinh dưỡng và chất xơ cao.
- Chữa nhọt vú: Chuẩn bị 1 quả na điếc và một chút giấm đủ dùng. Đem na đi phơi khô sau đó tán thành bột, hòa với giấm rồi đắp hỗn hợp này lên chỗ vú bị sưng. Dùng nhiều lần/ngày để hiệu quả nhanh.
- Chữa sốt rét cơn: Chuẩn bị 1 nắm lá na. Đem đi rửa sạch rồi giã nhỏ, chế nước sôi sau đó vắt lấy nước cốt uống trước khi lên cơn 2 giờ. Ngày dùng 1 lần.
Tuy nhiên, trong quả na có 1 bộ phận chứa độc tố gây ngộ độc
Bộ phận nguy hiểm ấy chính là hạt na! Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết: "Na vốn là loại quả bổ dưỡng, thơm ngon, dễ dùng cho cả người già lẫn trẻ nhỏ nhưng trong loại quả này có hạt rất độc, thậm chí có thể gây ngộ độc đường tiêu hóa nếu nuốt phải".
Bên cạnh đó, độc tố trong hạt na nếu bị dính vào mắt không chỉ gây bỏng mắt, bỏng biểu mô giác mạc, mà nếu sơ cứu, chữa trị không đúng dễ gây viêm loét giác mạc, dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Còn nếu bị vương trên da, nhất là dính vào vết thương hở trên da sẽ dễ dẫn đến lở loét, viêm nhiễm nặng nề, hủy hoại da.
Tuy nhiên, lương y Sáng cũng cho rằng trường hợp ngộ độc chỉ xảy ra khi hạt na đã bị dập nát mà thôi. Nếu bạn vô tình nuốt phải hạt na cũng không cần phải quá lo lắng vì hạt na có vỏ dày và rất cứng, ngăn không cho độc tố phát huy tác dụng và sẽ được đào thải ra cùng phân nên thường không gây hại cho cơ thể.
Ngoài ra, bạn cũng không nên tự ý dùng hạt na để trị chấy, rận, nhuộm răng tùy tiện vì có thể gây ra tác dụng phụ "đáng sợ".
Helino