MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc đau đầu giải quyết khủng hoảng BĐS: Chính quyền địa phương gánh khoản nợ 13 nghìn tỷ USD, gói hỗ trợ kỷ lục 42 tỷ USD như ‘muối bỏ bể’ so với hàng chục triệu căn nhà 'ế'

12-06-2024 - 14:15 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn khủng hoảng bất động sản chìm sâu hơn nữa trong bối cảnh hàng chục triệu căn nhà ở vẫn chưa bán được và chính quyền các địa phương gánh một khoản nợ khổng lồ.

Trung Quốc đau đầu giải quyết khủng hoảng BĐS: Chính quyền địa phương gánh khoản nợ 13 nghìn tỷ USD, gói hỗ trợ kỷ lục 42 tỷ USD như ‘muối bỏ bể’ so với hàng chục triệu căn nhà 'ế'- Ảnh 1.

Trên khắp Trung Quốc, từ Bắc Kinh đến Thâm Quyến, hàng triệu ngôi nhà mới xây bị bỏ trống và không được sử dụng. Theo Cục Thống kê Quốc gia, có gần 391 triệu mét vuông nhà ở chưa bán được ở Trung Quốc tính đến tháng 4.

Tình trạng dư thừa nhà khiến chính phủ Trung Quốc đau đầu và làm rung chuyển nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kể từ khi lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn vào năm 2020 do đại dịch và chính sách siết chặt tín dụng, ngành bất động sản – vốn từng chiếm khoảng 1/4 GDP của đất nước, rơi vào vòng xoáy lao dốc, khiến các nhà hoạch định chính sách phải vật lộn để ngăn chặn.

Mấu chốt của vấn đề là, những người mua nhà tiềm năng không đổ tiền vào thị trường khi niềm tin lung lay và các nhà phát triển bất động sản lớn không thể cung cấp nhà.

Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để khuyến khích người dân bỏ tiền vào thị trường bất động sản một lần nữa. Thành phố Thẩm Dương ở phía đông bắc Trung Quốc trợ cấp 100 nhân dân tệ (350.000 VND)/mét vuông cho một số nhóm người mua nhà. Thành phố Khai Phong ở tỉnh Hà Nam hoàn thuế thu nhập cho người mua nhà mới trong vòng một năm kể từ khi bán nhà cũ. Thành phố Trường Sa của tỉnh Hồ Nam đang kêu gọi các chủ đầu tư hoàn lại tiền đặt cọc nhà ở vô điều kiện nếu người mua thay đổi ý định trong vòng bảy ngày.

Tuy vậy, không biện pháp nào thực sự mang lại hiệu quả. Từ tháng 1-4, doanh số bán nhà ở mới giảm hơn 30% so với năm ngoái.

Tình cảnh này đặt ra vấn đề lớn đối với các chủ đầu tư vốn đã có đòn bẩy tài chính quá cao mà tiền mặt hiện đang ứ đọng tại các căn nhà ở chưa bán được, đẩy các nhà phát triển đến bờ vực phá sản.

Chính phủ buộc phải vào cuộc. Tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố gói tín dụng 300 tỷ nhân dân tệ (42 tỷ USD) để hỗ trợ chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước mua lại nhà ở chưa bán được và biến chúng thành nhà ở giá rẻ.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng gói hỗ trợ lớn nhất từ trước đến này của Bắc Kinh chỉ như muối bỏ bể so với những khó khăn mà lĩnh vực bất động sản đang gặp phải. Trong khi đó, chính quyền địa phương – vốn đã gánh khoản nợ 13 nghìn tỷ USD, cũng khó ra tay hỗ trợ khi chính họ cũng phải chịu áp lực cân bằng sổ sách.

Dan Wang, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Hang Seng, cho biết: “Quy mô của chính sách này quá nhỏ để thực sự cung cấp nhà ở giá rẻ hơn cho những người cần”. Wang cho rằng chính sách này “nhằm mục đích ngăn chặn rủi ro” cho các nhà phát triển bất động sản hơn là thúc đẩy thị trường nhà đất.

Ngay cả khi chính quyền địa phương muốn giải quyết hàng chục triệu căn nhà trống thì khoản vay mới là không đủ. Dựa trên giá trung bình một mét vuông nhà mới xây ở Trung Quốc, tổng giá trị lượng nhà ở tồn kho là hơn 4,3 nghìn tỷ nhân dân tệ, vượt xa gói kích thích 300 tỷ nhân dân tệ.

Theo The Guardian

Yến Nguyễn

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên