MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc: Giá nhà lao dốc lần đầu tiên trong 6 năm, bong bóng 'xì hơi' có thể khiến các địa phương mất hơn 1 nghìn tỷ đô

20-10-2021 - 11:15 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc: Giá nhà lao dốc lần đầu tiên trong 6 năm, bong bóng 'xì hơi' có thể khiến các địa phương mất hơn 1 nghìn tỷ đô

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc đấu thầu đất khi giá nhà cả nước sụt giảm. Do đó, chính quyền các địa phương có nguy cơ mất 1 nghìn tỷ USD doanh thu từ việc bán đất và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể sụt giảm sâu hơn.

Theo dữ liệu do China Real Estate Information Corp. tổng hợp từ 128 thành phố ở Trung Quốc, khoảng 27% lô đất do chính quyền các địa phương chào bán đã không bán được trong tháng 9 do không có nhà phát triển nào nộp hồ sơ dự thầu. Bloomberg tính toán dựa theo dữ liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc, doanh thu từ các cuộc đấu giá đất trên cả nước đã giảm 18% trong tháng 8 so với 1 năm trước, mức giảm mạnh nhất trong gần 3 năm.

Đối mặt với tình trạng nguồn vốn sụt giảm và chi phí đi vay tăng cao trong bối cảnh cuộc khủng hoảng của Evergrande ngày càng sâu sắc, nhiều chủ đất từ không muốn tăng lượng đất tồn kho. Theo dữ liệu của Bloomberg, trong tháng trước, các khoản vay ngân hàng của ngành này cũng giảm 8,4% - mức cao nhất kể từ năm 2016.

Larry Hu – trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Securities, cho hay: "Các nhà phát triển đang tích trữ tiền mặt để tránh nguy cơ trở thành Evergrande tiếp theo."

Trung Quốc: Giá nhà lao dốc lần đầu tiên trong 6 năm, bong bóng xì hơi có thể khiến các địa phương mất hơn 1 nghìn tỷ đô  - Ảnh 1.

Tỷ lệ đất không có người mua trong các cuộc đấu giá của chính quyền địa phương Trung Quốc.

Cục Thống kế Quốc gia cho biết, tháng 9, doanh số bán nhà tính theo giá trị ở Trung Quốc đã giảm 16,9% so với 1 năm trước, khi đã giảm 19,7% vào tháng 8. Theo số liệu mới công bố, giá nhà mới tại 70 thành phố (không bao gồm nhà được nhà nước trợ cấp) đã giảm 0,08% trong tháng 9 so với tháng 8. Đây là mức giảm đầu tiên kể từ tháng 4/2015. Ngoài ra, giá nhà trên thị trường thứ cấp cũng giảm 0,19% - giảm 2 tháng liên tiếp.

Ngoài ra, chi phí đi vay ở thị trường nước ngoài đối với các nhà phát triển đã tăng vọt trong những tuần gần đây, khi lợi suất trái phiếu USD do các doanh nghiệp này phát hành đã tăng lên mức cao nhất trong khoảng 1 thập kỷ. Tình trạng này có thể "đóng sập cánh cửa" của một kênh cấp vốn quan trọng đối với lĩnh vực này, do đó làm dấy lên khả năng về làn sóng vỡ nợ.

Kết quả là, hoạt động đấu giá đất ở khắp Trung Quốc đang diễn ra ảm đạm. Bắc Kinh và đô thị phía đông Hàng Châu không có người đấu thầu tiềm năng với gần 60% các lô đất được rao bán trong tháng này. Ở một vòng đấu giá gần đây nhất do chính quyền địa phương tổ chức, 3/4 khối lượng giao dịch được bán ở mức giá cơ bản so với tỷ lệ 45% do chính phủ quy định, các nhà phân tích của Jefferies cho hay. Ngoài ra, thị trường bất động sản của Trung Quốc cũng hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến.

Bloomberg nhận định, điều này là một điềm báo không tốt cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới – vốn đã giảm tốc trong quý III do sự sụt giảm của lĩnh vực bất động sản và hoạt động xây dựng. Ngoài ra, những vấn đề về nợ của chính quyền các địa phương cũng có thể trở nên trầm trọng hơn, khi việc bán đất chiếm khoảng 40% doanh thu của họ. Nhiều thành phố ở Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực doanh thu sụt giảm do kinh tế giảm tốc và chật vật với "đống nợ" sau nhiều đầu tư dồn dập.

S&P Global Ratings gần đây đã cảnh báo hoạt động bán đất sụt giảm có thể khiến các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng ở địa phương bị chậm lại. Để bù đắp "khoảng trống" đó – vốn vượt qua mức 1 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, Goldman Sachs nhận định chính phủ Trung Quốc cần tăng hạn ngạch trái phiếu có mục đích đặc biệt của các chính quyền địa phương lên hơn 500 tỷ NDT (78 tỷ USD) vào năm 2022 từ 3,65 nghìn tỷ NDT của năm nay.

Trong thập kỷ qua, chỉ có 2 năm chính phủ Trung Quốc chứng kiến sự sụt giảm của hoạt động bán đất, đó là năm 2012 và 2015. Hiện tại, trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu đáng báo động rằng cuộc khủng hoảng thanh khoản tại Evergrande đang lan ra toàn bộ nền kinh tế, Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế những tác động từ đó. Giới chức đang nới lỏng hạn chế đối với các khoản vay mua nhà tại 1 số ngân hàng lớn nhất và yêu cầu đẩy nhanh việc phê duyệt các khoản vay thế chấp trong quý trước.

Hiện tại, một số thành phố của Trung Quốc, bao gồm Côn Minh, Nhạc Dương, Huệ Châu và Đường Sơn, không cho phép các nhà phát triển cạnh tranh giá để tăng doanh số. Thành phố Cáp Nhĩ Tân sẽ đưa ra một khoản trợ cấp mua nhà lên tới 100.000 NDT cho một số người mua nhất định và cung cấp các khoản vay "rẻ" hơn.

Tham khảo Bloomberg

Vu Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên