Trung Quốc hụt hơi ở lĩnh vực tạo ra 'cơn địa chấn toàn cầu', Việt Nam được gọi tên là 'người chiến thắng'
Theo báo chí quốc tế, trong sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn mới của thế giới, mang lại cú hích lớn cho nền kinh tế.
- 13-05-2023CEO GSM chỉ ra 5 ý nghĩa của việc VinFast niêm yết tại Mỹ với định giá 23 tỷ USD
- 13-05-2023Malaysia là quốc gia tiếp theo ở Đông Nam Á công bố tăng trưởng quý 1/2023, cao hay thấp hơn so với Việt Nam?
Ngành công nghiệp bán dẫn được xem là một yếu tố rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh kinh tế toàn cầu của một quốc gia trong kỷ nguyên chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI).
Thực thế cho thấy, sự thiếu hụt chất bán dẫn trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành đã tạo ra những "cơn địa chấn" trên khắp các nền kinh tế toàn cầu, bóp nghẹt nguồn cung của mọi thứ, từ tai nghe cho tới ô tô.
Hiện nay, tự chủ về công nghiệp bán dẫn đã trở thành vấn đề sống còn đối với hầu hết các nền kinh tế. Trong khi nhiều nước châu Âu quyết tâm giữ vị thế tiên phong trong lĩnh vực này thì tại châu Á, các nền kinh tế phát triển cũng đang đẩy mạnh đầu tư và hợp tác quốc tế.
Thế nhưng, giới phân tích nhận định, trong bước chuyển này, Trung Quốc lại "hụt hơi" một cách khó tả. "Công xưởng chất bán dẫn" tiềm năng mới của thế giới dường như đang thuộc về Đông Nam Á.
Ngành bán dẫn Trung Quốc: Tụt hậu và vụng về
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Discourse, Giáo sư George Calhoun tại Viện Công nghệ Stevens (bang New Jersey, Mỹ) cho biết, ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc không hề "mạnh tới mức đáng sợ" như người ta vẫn tưởng.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu để đáp ứng khoảng 90% nhu cầu của ngành công nghiệp chip trong nước.
Theo ông Calhoun, chất bán dẫn vốn là một yếu tố quan trọng trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc, tuy nhiên, con số 90% đó cho thấy nước này vẫn chưa đến được nơi họ muốn, và cũng không hề ở vị trí mà Mỹ, cũng như một số nước khác lo sợ.
Mô tả về quy mô và sự "vụng về" của Trung Quốc trong chính sách công nghiệp bán dẫn, ông Calhoun nói: "Trung Quốc đi theo chiến lược đầu tư từ trên xuống dưới, như phong cách Liên Xô, cung cấp các khoản trợ cấp cho tất cả các dự án.
Họ đã hơn một lần thử nghiệm phương pháp này. Năm 2022, Bắc Kinh đã công bố một loạt ưu đãi mới cho các công ty bán dẫn. Điều xảy ra tiếp theo là đột nhiên có 10.000 - 15.000 công ty, mà hôm qua vẫn đang uốn kim loại và giặt khô, bỗng chốc trở thành công ty bán dẫn. Đó không phải là cách ngành công nghiệp hoạt động".
Thế nhưng trước đó, có tới 3.000 công ty bán dẫn đã tuyên bố phá sản ở Trung Quốc. Chỉ cần xem xét những son số đó, rồi so sánh với ngành công nghiệp bán dẫn ở Mỹ, Hàn Quốc thì sẽ thấy ngay sự khác biệt.
"Ở những nơi đó, không có tới 10.000 công ty bán dẫn, và cũng không có 3.000 công ty bán dẫn phá sản. Đó là một cấu trúc khác biệt rất nhiều (so với Trung Quốc). 90%, rồi 10.000 và 3.000, những con số này cho chúng ta thấy rõ ràng Trung Quốc chưa đến được vị trí mà họ muốn" - Ông Calhoun nói.
Từ năm 2010-2020, Trung Quốc đã cố gắng tìm cách củng cố ngành công nghiệp bán dẫn, khuyến khích các công ty bán dẫn trong nước chia sẻ kết quả nghiên cứu và phát triển, hạn chế nước ngoài kiểm soát xuất khẩu, trong khi thu hút nguồn nhân lực có kỹ năng cao từ nước ngoài.
Tuy nhiên, tới đầu năm 2022, Trung Quốc vẫn không thiết kế và chế tạo được số lượng đáng kể hai loại chip bán dẫn có giá trị cao nhất, gồm bộ vi xử lý trung tâm CPU và bộ xử lý đồ họa GPU (thị phần của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu ở mức dưới 6%).
Đáng nói, đây mới chỉ là một phần của vấn đề. Theo giáo sư Calhoun, chip do Trung Quốc sản xuất không chỉ có chất lượng thấp hơn mà còn không có tính cạnh tranh ngay cả trên thị trường nội địa Trung Quốc.
Mặc dù là 1 trong 5 công xưởng đúc chất bán dẫn hàng đầu thế giới nhưng Tập đoàn quốc tế SMIC của Trung Quốc chỉ mới bắt đầu sản xuất chất bán dẫn 14nm trong năm 2022. Điều đó khiến doanh nghiệp này đi sau các đối thủ tới 3 thế hệ, hoặc ít nhất là 6 năm.
Ở tình trạng hiện tại, các công ty bán dẫn của Trung Quốc không thể đáp ứng nhu cầu về chất bán dẫn trong nước, càng không thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Điều đó có nghĩa, các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào chất bán dẫn chất lượng cao được sản xuất tại nước ngoài.
Những "ngôi sao" mới đầy tiềm năng
Báo cáo Nghiên cứu về Công nghiệp Sản xuất Chip bán dẫn Đông Nam Á 2023 - 2032 cho thấy, các quốc gia Đông Nam Á đang đứng ở vị trí nổi bật trong chuỗi sản xuất chip của thế giới, chiếm tới 27% thị trường đóng gói và thử nghiệm chip toàn cầu. Quy mô thị trường chip của các nước Đông Nam Á ước tính có thể đạt hơn 40 tỷ USD vào năm 2028.
Cũng theo báo cáo này, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Indonesia, với nền tảng sản xuất và nguồn lao động giá rẻ dồi dào, đang trở thành điểm nóng để các nhà sản xuất chip toàn cầu đầu tư xây dựng nhà máy. Đặc biệt, Việt Nam, Philippines và Thái Lan là các nước dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, cũng như thiết kế vi mạch.
Hiện tại, Việt Nam đã là một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty bán dẫn nổi tiếng như Samsung và Intel, đứng thứ 8 trên quy mô toàn cầu, và đứng thứ 2 trong các quốc gia ASEAN (chỉ sau Singapore) trong vai trò nhà xuất khẩu điện tử quan trọng.
Theo hai chuyên gia phân tích quốc tế Timothy Wong và Michael Alexander, trong bối cảnh các doanh nghiệp bắt đầu mở rộng chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, Việt Nam trở thành một cái tên đầy tiềm năng, sở hữu những giá trị độc đáo để thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.
Tờ Bloomberg cho hay, Việt Nam, cùng với Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia, đang nổi lên như những "người chiến thắng" trong bối cảnh Mỹ đa dạng hóa sản xuất chất bán dẫn.
Việt Nam và Thái Lan, với thị trường sản xuất chip lớn hai nước còn lại, đã gia tăng giao dịch với Mỹ trong lĩnh vực này lên các con số ấn tượng. Riêng vật liệu bán dẫn của Việt Nam đã chiếm hơn 10% hàng nhập khẩu của Mỹ trong 7 tháng liên tiếp.
Trong khi đó, hãng tin Sputnik (Nga) nhận định, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất chip, chất bán dẫn mới của thế giới, mang lại những cú hích rất lớn cho nền kinh tế.
Việc Việt Nam bắt đầu bước vào "con đường bán dẫn" và dần khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng chip cho thấy những chiến lược, tính toán hợp lý.
Theo các nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc Samsung Electronics, nhà cung cấp DRAM lớn nhất thế giới vào năm 2021, lựa chọn sản xuất lưới bóng chíp bán dẫn tại Việt Nam, với khoản đầu tư trị giá 850 triệu USD, thay vì ưu tiên các địa điểm phát triển hơn đã nói lên tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Nhịp sống thị trường