Trung Quốc ngày 25/5 tiếp tục tuyên bố kiểm soát chặt giá quặng sắt, đồng, ngô và nhiều hàng hóa khác, giá sắt thép trồi sụt liên tục
Giá sắt thép trên thị trường Châu Á - sau phiên đầu tuần 24/5 tiếp tục giảm sâu phiên thứ 4 liên tiếp do nhà đầu tư không ngừng bán tháo - đã đảo chiều hồi phục vào buổi sáng ngày 25/5 khi một số nhà đầu tư tranh thủ cơ hội giá thấp để mua vào. Tuy nhiên, xu hướng tăng chỉ giữ được vài tiếng, sau đó giá quay đầu giảm trở lại.
- 25-05-2021Thị trường ngày 25/5: Giá dầu tăng mạnh, thép giảm sâu, ngô và lúa mì đi xuống
- 24-05-2021Giá quặng sắt giảm 7%, thép tiếp tục giảm mạnh phiên 24/5 sau khi Trung Quốc cảnh báo về tình trạng "đầu cơ quá mức"
- 24-05-2021Giá sắt thép phế liệu thế giới tăng cao kỷ lục do nhu cầu mạnh
Trưa nay 25/5, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên – giao dịch nhiều nhất – tăng hơn 0,8% lên 1.066,6 CNY (166,36 USD)/tấn; quặng kỳ hạn tháng 6 trên sàn Singapore cùng thời điểm cũng tăng 0,8% lên 183,95 USD/tấn.
Tuy nhiên, hồi phục được không lâu thì giá lại quay đầu đi xuống sau khi Trung Quốc tiếp tục đưa ra thông điệp cảnh báo đối với những ai đầu cơ tích trữ, khiến các nhà đầu tư lập tức dừng giao dịch để quan sát tình hình.
Ủy ban cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 25/5 tuyên bố sẽ tăng cường kiểm soát giá đối với các mặt hàng quặng sắt, đồng, ngô và những mặt hàng khác nằm trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, giai đoạn 2021 – 2025 nhằm giải quyết những biến động bất thường về giá cả.
Theo đó, NDRC cho biết Trung Quốc sẽ cải thiện hệ thống giám sát và dự báo đối với những hàng hóa cơ bản và tăng cường kiểm soát giá cả đối với những mặt hàng quan trọng như ngũ cốc, thịt, trứng và rau quả.
Ngay sau thông báo này, giá quặng sắt Trung Quốc giảm trở lại. Kết thúc phiên giao dịch 25/5, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đai Liên quay đầu giảm 0,1% xuống 1.058 CNY (165,18 USD)/tấn. Giá thép thanh vằn – dùng trong xây dựng – trên sàn Thượng Hải cùng phiên cũng giảm 0,7%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,6% và thép không gỉ giảm 0,6%.
Trên sàn Singapore, giá có phản ứng chậm hơn nên kết thúc phiên 25/5 vẫn tăng nhẹ 1% lên 184,35 USD/tấn. Như vậy, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên đã giảm liên tiếp 5 phiên.
Tại Việt Nam, giá thép của các hãng sản xuất nhìn chung tiếp tục giữ ổn định như mấy phiên vừa qua. Đơn cử, giá thép cuộn CB240 của Hòa Phát ở miền Bắc là 18.270 đồng/kg, miền Trung 18.060 đồng/kg và miền Nam 18.010 đồng/kg; thép D10 CB300 ở miền Bắc á 17.810 đồng/kg; miền Trung 17.810 đồng/kg và miền Nam 17.560 đồng/kg. Những mức giá này đã được duy trì ổn định trong 7 phiên vừa qua.
Biểu đồ giá quặng sắt Trung Quốc đến hôm nay 25/5
Hôm qua 24/5, giá quặng sắt giảm rất mạnh do các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo kim loại, trong đó có quặng sắt, sau khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cảnh báo sẽ có những biện pháp nghiêm khắc đối với những ai thao túng hàng hóa, trong đó có nỗ lực ngăn chặn hành vi thao túng giá và đầu cơ tích trữ nhằm duy trì "trật tự thị trường bình thường".
Kết thúc phiên 24/5, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 mất 5,2% xuống 1.064 CNY (165,46 USD)/tấn, trong phiên này có thời điểm xuống chỉ 1.016 CNY, thấp nhất kể từ 15/4 (6 tuần). Quặng sắt kỳ hạn tháng 6 trên sàn Singapore phiên 24/5 cũng giảm 7,5% xuống 177,35 USD/tấn, thấp nhất kể từ 30/4 (4 tuần).
Các cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc cũng đã thực thi các giới hạn giao dịch nghiêm ngặt hơn đối với các sản phẩm quặng sắt và thép trên hai sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên và Thượng Hải.
Atilla Widnell, giám đốc điều hành của Navigate Commodities ở Singapore cho biết: "Trung Quốc ngày càng siết chặt việc giám sát thị trường hàng hóa kỳ hạn bởi các cơ quan chính phủ nước này cần phải kiểm soát tình trạng đầu cơ – đã đẩy giá lên mức cao kỷ lục như gần đây".
Ông Widnell cho biết: "Gió mùa xuất hiện ở miền nam Trung Quốc và nhiệt độ nóng như thiêu đốt ở miền bắc có thể kìm hãm hoạt động xây dựng và tiêu thụ thép trong vài tháng tới".
Như vậy, so với thời điểm giá quặng sắt đạt mức cao kỷ lục, 1.358 CNY/tấn hôm 12/5, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên đã giảm hơn 20%. Nhìn lại những thời điểm giá quặng sắt Châu Á biến động mạnh trong thời gian qua có thể thấy rõ giá tăng hoặc giảm đều do yếu tố Trung Quốc.
Giá quặng sắt Châu Á giảm liên tiếp do các động thái của Chính phủ Trung Quốc
Trước đó, những quy định khắt khe hơn về môi trường đã đẩy giá sắt thép tại Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục, đến mức có nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch của nước này.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã phải đưa ra hàng loạt các biện pháp để hạ nhiệt thị trường thép.
Hôm 19/4, nội các nước này đã họp và đi đến quyết định Chính phủ sẽ siết chặt việc quản lý giá đồng, than đá, thép và quặng sắt.
Các chiến lược gia về hàng hóa của ngân hàng ANZ cho biết: "Các nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục bày tỏ quan ngại về sự gia tăng của giá hàng hóa, có thể buộc họ phải thắt chặt hơn nữa các quy định".
Trong khi đó, Fitch Solutions viết trong một thông báo:"Do các quy định về môi trường dẫn tới việc giá thép ở Trung Quốc tăng mạnh, làm tăng lợi nhuận cho các hãng sản xuất thép nhưng đồng thời ảnh hưởng tới các ngành sản xuất. Do đó, Chính phủ đang tiến hành những bước tiếp theo". Fitch tin rằng động thái này "có thể thổi bay đà tăng của thép trong những quý tới, sau khi giá thép bắt đầu quay đầu giảm từ giữa tháng 5".
Tham khảo: Refinitiv