Trung Quốc 'săn tìm' trụ cột kinh tế mới thay thế thị trường bất động sản
Một số ngành công nghiệp mới như kỹ thuật số, năng lượng mới, sản xuất tiên tiến và công nghệ sinh học được xem là có tiềm năng làm trụ cột kinh tế mới ở Trung Quốc.
- 07-11-2023Máy bay “Made in China” chưa hết cơn sốt: Trung Quốc lại hé lộ tin bom tấn giữa lúc thỏa thuận với Nga “đi vào ngõ cụt”
- 07-11-2023Cách Trung Quốc phủ xanh sa mạc 'Biển tử thần' rộng 330.000km2
- 07-11-2023Trung Quốc bất ngờ ra tay "cứu" một gã khổng lồ bất động sản bên bờ vực khủng hoảng
- 07-11-2023Nữ hành khách Trung Quốc làm một hành động để được lên máy bay, cảnh sát lập tức đến áp giải vì phạm phải điều luật cấm kỵ ở quốc gia Đông Nam Á
Lĩnh vực bất động sản từng đóng góp một phần đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Tuy nhiên, lĩnh vực này hiện nay lại đang là lực cản tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 thế giới với những "bom nợ" và các cam kết chưa được thực hiện. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh đã bắt đầu tìm kiếm những lĩnh vực thay thế đáng tin cậy để có thể đảm bảo cho sự ổn định kinh tế và các mô hình mở rộng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng Trung Quốc khó có thể tìm được một ngành để thay thế toàn bộ lĩnh vực bất động sản trong thời gian ngắn, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm nâng một số ngành nhất định lên vị trí chiến lược.
Chang Haizhong, giám đốc điều hành tại Fitch Bohua, công ty con của Fitch Ratings tại Trung Quốc, cho rằng “ không thể và không cần thiết để tìm một sự thay thế duy nhất cho bất động sản” . Ông nói: “Chúng ta cần đa dạng hóa các ngành thay vì phụ thuộc quá nhiều vào một lĩnh vực”.
Bất động sản lần đầu tiên được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc coi là “ngành công nghiệp trụ cột” vào năm 2003, 5 năm sau quyết định của Bắc Kinh về tư nhân hóa nhà ở và thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Cùng với các lĩnh vực vật liệu, xây dựng, trang trí và thiết bị gia dụng liên quan, thị trường bất động sản đã đóng góp vào hơn 1/4 GDP quốc gia trong những năm 2010, được nhiều người coi là thời kỳ hoàng kim.
Sự sụt giảm của bất động sản bắt đầu ngay sau khi lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cam kết hạn chế đầu cơ nhà ở vào năm 2017, và trở nên nhanh chóng hơn sau khi các nhà phát triển lớn bao gồm Evergrande và Country Garden rơi vào cuộc khủng hoảng nợ nần.
Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, vào cuối quý 3/2023, dư nợ cho vay bất động sản đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 53.190 tỷ nhân dân tệ (7.270 tỷ USD).
Các khoản cho vay mua nhà cá nhân cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 38.420 tỷ nhân dân tệ (5.270 tỷ USD), trong khi cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản tăng 4% lên 13.170 tỷ nhân dân tệ (1.810 tỷ USD).
Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy, giá trị gia tăng của ngành bất động sản vào năm 2020 là 7.500 tỷ nhân dân tệ (1.030 tỷ USD), tương đương 7,3% GDP. Tỷ trọng của nó giảm xuống 6,8% vào năm 2021, sau đó là 6,1% vào năm ngoái.
“Nền kinh tế Trung Quốc 'cất cánh' vào những năm 1990 nhờ sự hồi sinh của 4 ngành công nghiệp trụ cột cũ: máy móc điện tử, hóa dầu, sản xuất và chế tạo ô tô” , Zheng Xinli nhớ lại.
Ông Zheng là giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Chính sách tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Trung Quốc, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của đất nước, và là một trong những nhân vật hỗ trợ soạn thảo một số báo cáo công việc của chính phủ và kế hoạch 5 năm.
Trong một cuộc phỏng vấn với Economic Observer tháng trước, ông Zheng nhấn mạnh: "Khi quá trình công nghiệp hóa phần lớn đã hoàn thành, cần phải thành lập các ngành công nghiệp trụ cột mới ngay bây giờ".
Ông Zheng kỳ vọng kỹ thuật số, năng lượng mới, sản xuất tiên tiến và công nghệ sinh học sẽ là 4 lĩnh vực có thể chiếm ưu thế từ tài sản với tư cách là “các ngành công nghiệp trụ cột”.
Yi Xianrong, cựu nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhấn mạnh kỹ thuật số là “tương lai cho mọi nền kinh tế trên thế giới” và cũng có thể hỗ trợ các ngành công nghiệp khác như năng lượng mới hay công nghệ sinh học.
Ông nói thêm: “Ngành công nghiệp kỹ thuật số có thể khám phá và tạo ra nhu cầu tiêu dùng xã hội, từ đó có thể thúc đẩy nguồn cung sản xuất”.
Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của nhà nước Trung Quốc, cho biết nền kinh tế kỹ thuật số cần được tích hợp sâu sắc với các ngành sản xuất tiên tiến và dịch vụ hiện đại, đồng thời trí tuệ nhân tạo (AI) cần được phát triển một cách an toàn.
Cơ quan này tuyên bố: "Chúng ta phải đẩy nhanh việc phát triển và mở rộng các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược, đồng thời tạo ra nhiều ngành công nghiệp trụ cột hơn".
Những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc đã thu được tín hiệu tích cực. Giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của nước này đạt 50.200 tỷ nhân dân tệ (6.900 tỷ USD) vào năm ngoái, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ và chiếm 41,5% GDP.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc với lộ trình phát triển từ 2021 đến 2025, đặt mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp kỹ thuật số cốt lõi của nước này từ 7,8% vào năm 2020 lên 10% vào năm 2025.
Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, năm ngoái, giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược như công nghệ thông tin thế hệ mới, thiết bị cao cấp và phương tiện sử dụng năng lượng mới chiếm hơn 13% GDP.
Chuyên gia Chang từ Fitch Bohua, cho biết ngành công nghiệp ô tô cũng đặc biệt đáng chú ý khi Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất trong nửa đầu năm 2023. Tổng số lượng ô tô xuất khẩu đạt 2,34 triệu chiếc, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, giá trị gia tăng của ngành sản xuất ô tô tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 7,4 điểm phần trăm so với giá trị gia tăng của tất cả các ngành có doanh thu hàng năm trên 20 triệu nhân dân tệ (2,73 triệu USD) trong cùng thời kỳ của nước này.
Cũng tính đến cuối tháng 9, Trung Quốc đã có 18,2 triệu phương tiện sử dụng năng lượng mới tham gia giao thông, dẫn đầu cuộc cách mạng xe điện với 60% thị phần doanh số bán xe điện toàn cầu.
VTC