MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh niên Trung Quốc cố bám trụ ở thành phố, thà làm shipper chứ không quay về quê hương

06-11-2023 - 17:50 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc mong muốn trẻ hóa các ngôi làng song công cuộc này vô cùng khó.

Thanh niên Trung Quốc cố bám trụ ở thành phố, thà làm shipper chứ không quay về quê hương - Ảnh 1.

Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp đang được ghi nhận cao kỷ lục, Trung Quốc kêu gọi sinh viên tốt nghiệp đại học bỏ phố về quê, coi nông thôn là nhà. Nhiều chương trình khuyến khích đã được tổ chức nhằm hỗ trợ thanh niên có công ăn việc làm thay vì cố hữu tại các thành phố lớn. Giới chức cũng mong muốn trẻ hóa các ngôi làng bị bỏ rơi sau sự trỗi dậy của kinh tế đại lục.

Tại một ngôi làng phía tây thành phố Quảng Châu, một nhóm tình nguyện viên đại học đang vẽ đậm khẩu hiệu chống ma túy. Ngôi làng này gần như đã bị bỏ hoang. Cỏ dại tùm lum trong khi các cơ sở kinh doanh đóng cửa. Bằng cách tình nguyện làm công ích, nhóm sinh viên hy vọng sau này sẽ được cân nhắc kết nạp vào Đảng, từ đó có cơ hội tìm kiếm việc làm trong tương lai. Tại một ngôi làng khác, một nhóm thanh niên khác đang dạy cho trẻ em tại làng cách đọc ngày hết hạn trên nhãn thực phẩm.

Trung Quốc muốn giúp nhiều người trẻ định cư lâu dài ở nông thôn. Trong bối cảnh thất nghiệp diện rộng, việc tái định cư người dân vào các thị trấn, làng mạc có thể giảm bớt sức ép lên nhiều thành phố vốn không tạo ra đủ công ăn việc làm cho sinh viên.

Tuy nhiên, nhiều thanh niên Trung Quốc vẫn thích bám trụ tại thành phố. Họ sẵn sàng làm các công việc được trả lương thấp, chẳng hạn như trợ lý cửa hàng hoặc tài xế giao nhận. Số khác chỉ đơn giản sống dựa vào tiền cha mẹ.

“Cuộc sống ở đây thật buồn tẻ”, Chen Lingmin, một sinh viên tốt nghiệp đang làm tình nguyện viên ở Quảng Đông cho biết. Là sinh viên chuyên ngành nghệ thuật, cô hiện đang hợp tác với Đoàn Thanh niên sản xuất các video quảng bá thị trấn và đẩy mạnh bán nông phẩm. Tuy nhiên, những chiến lược như vậy không phải lúc nào cũng hiệu quả. Nhiều ngôi làng không có các đặc sản địa phương để thu hút khách phương xa lui tới.

Nhiệm vụ của Chen Lingmin là thiết kế lại bao bì gạo địa phương để thúc đẩy doanh số bán hàng. Chúng hiện chủ yếu được chính quyền địa phương cũng như một số dân làng tiêu thụ.

Thừa nhận trải nghiệm vô cùng thú vị, song Chen Lingmin cho biết cô không có ý định ở lại đây lâu dài. Cô đang lên kế hoạch quay trở lại thành phố sau khi kết thúc nghĩa vụ vào cuối năm nay.

Tại Quảng Đông, quan chức địa phương đặt mục tiêu thu hút 200.000 thanh niên đến khu vực nông thôn vào cuối năm 2025. Thường sinh viên mới tốt nghiệp sẽ đồng ý ở lại trong vòng 2-3 năm làm tình nguyện viên và nhận khoảng 300 USD trợ cấp hàng tháng. Trước khi lên đường, họ sẽ phải cam kết nỗ lực hết sức để phục vụ cộng đồng, từ đó “góp phần hiện thực hóa giấc mơ về sự phục hưng vĩ đại”.

Sau khi hoàn thành nhiệm kỳ của mình, những người này nếu tham gia kỳ thi công chức sẽ được cộng điểm. Họ cũng sẽ được ưu ái hơn người bình thường nếu nộp đơn xin việc tại các công ty nhà nước.

Lai Qiang, 29 tuổi, sinh ra tại một vùng nông thôn nghèo cho biết anh muốn cống hiến điều gì đó cho đất nước sau khi nhận được học bổng.

“Tôi thực sự muốn đền đáp”, anh nói trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng chính phủ.

Truyền thông nhà nước đưa tin rằng với tư cách là một tình nguyện viên, anh Lai đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp những hạt giống chất lượng cao cho nông dân địa phương. Tuy nhiên, nhìn về phía trước, Lai không chắc mình có thể ở lại đây lâu dài.

“Sau tất cả, tôi đang cân nhắc rời khỏi nơi đây. Vấn đề tiền bạc cũng quan trọng lắm”, anh Lai nói.

Theo: WSJ

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên