Trung Quốc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam
11 tháng năm nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã có 632 dự án mới đăng ký vào Việt Nam, cao nhất trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ. Trung Quốc luôn duy trì là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.
- 12-12-2023Truyền thông Thái Lan đánh giá vai trò của Việt Nam ngày càng lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu
- 12-12-2023Trung Quốc là thị trường xuất khẩu duy nhất tăng trưởng của Việt Nam
- 12-12-2023Fitch Ratings nâng xếp hạng của Việt Nam: Tăng hấp lực điểm đến đầu tư, thương mại
Dẫn đầu về số dự án mới
Nhiều năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD. Trong 11 tháng năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta. Kim ngạch ước đạt 55,98 tỷ USD, tăng 6,2%. Đây là điểm sáng trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm. Nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 43,65 tỷ USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.161 dự án, tổng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam . Riêng 11 tháng năm 2023, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án cấp mới vào Việt Nam – 632 dự án, tổng vốn hơn 3 triệu USD (cao thứ 2 về vốn đăng ký).
Dự án quy mô lớn, công nghệ cao xuất hiện nhiều hơn. Cuối tháng 10/2023, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD cho Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam. Đứng sau dự án “khủng” nói trên là Jinko Solar Holding - tập đoàn sản xuất tấm quang năng tiên tiến và lớn bậc nhất thế giới, đến từ Trung Quốc .
Hải Dương vừa thu hút thêm 2 dự án của doanh nghiệp Trung Quốc, tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ USD. Dự án thứ nhất của Tập đoàn Deli (Trung Quốc), sản xuất văn phòng phẩm, có tổng mức đầu tư đăng ký 270 triệu USD, đặt tại khu công nghiệp Đại An mở rộng.
Dự án thứ hai là đề xuất của công ty BoViet - công ty con thuộc Tập đoàn BoWay (Trung Quốc), đầu tư nhà máy sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời. Tổng vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD. Khi 2 dự án mới đi vào sử dụng, dự kiến sẽ có khoảng 4.000 lao động được tuyển dụng.
Nghệ An cũng là địa phương được các nhiều nhà đầu tư Trung Quốc lựa chọn làm địa điểm dừng chân, với liên tục dự án mới đổ bộ, như: Công ty Innovation Precision Việt Nam (thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology Trung Quốc) sẽ xây nhà máy hợp kim nhôm tổng vốn 165 triệu USD tại khu công nghiệp VSIP Nghệ An; Runergy xây nhà máy vật liệu bán dẫn 293 triệu USD ở Nghệ An.
Phát triển công nghệ cao
Dư địa về đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam còn rất nhiều, đặc biệt là những dự án lớn, trọng điểm. Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao cũng được doanh nghiệp hai nước thúc đẩy mạnh mẽ. Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), Tập đoàn N&G vừa ký biên bản ghi nhớ với đoàn doanh nghiệp Thượng Hải (Trung Quốc) về việc hình thành tổ hợp sản xuất Techno Park giữa Việt Nam - Trung Quốc, và trước mắt là Hà Nội - Thượng Hải tại giai đoạn 2 của Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội.
Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch HANSIBA đồng Chủ tịch điều hành Tập đoàn N&G - cho biết, trong chuỗi sản xuất toàn cầu hiện nay, các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc, nắm giữ nhiều kinh nghiệm, sở hữu công nghệ, bí quyết để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực chip bán dẫn.
Với hạ tầng ngày một phát triển, lao động dồi dào, khả năng thích ứng và tiếp cận công nghệ mới rất tốt, doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, trong đó có ngành micro - chip bán dẫn. “Chúng ta hoàn toàn toàn có thể hợp tác để thành lập tổ hợp sản xuất sản phẩm micro - chip bán dẫn Việt Nam - Trung Quốc và cũng có thể là Hà Nội - Thượng Hải”, ông Nguyễn Hoàng nói.
Trong lĩnh vực điện tử, Hansiba, N&G cũng vừa ký, trao thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp điện tử điện thoại Trung Quốc - Ấn Độ - Việt Nam (CMA).
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) - nhận định, thời gian gần đây, dự án FDI Trung Quốc vào Việt Nam có sự chọn lọc hơn, với 2 luồng đầu tư chính. Luồng thứ nhất từ chính doanh nghiệp Trung Quốc. Luồng thứ 2 từ việc dịch chuyển dòng vốn FDI theo xu hướng “Trung Quốc +1”.
Vừa trở về từ chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc, ông Toàn nhận định, công nghệ của Trung Quốc hiện rất tốt. Ông Toàn cho rằng, Việt Nam nên học cách Trung Quốc thu hút đầu tư nước ngoài. Thay vì khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), Trung Quốc nâng tầm doanh nghiệp trong nước, tự xây dựng trung tâm R&D, tạo ra công nghệ mới.
“Lúc đó, một mặt họ bắt tay bình đẳng được với các nhà đầu tư nước ngoài, mặt khác có thể song hành và cạnh tranh. Cách làm hiệu quả rất cao”, ông Toàn khuyến nghị.
Tiền phong