Trung Quốc thừa nhà máy ô tô nghiêm trọng: Con số gấp 2 lượng người muốn mua xe, hàng chục cơ sở phải đóng cửa hoặc thanh lý, 3/4 xe xăng xuất khẩu đều là mẫu thị trường trong nước không cần
Trung Quốc đang gánh hậu quả vì tăng trưởng quá nhanh.
- 23-04-2024Xả kho, Hyundai Accent bất ngờ giảm đậm tại đại lý, chỉ còn 475 triệu đồng, rẻ ngang Hyundai Grand i10
- 22-04-2024Tìm ra 'thiên đường' xây nhà máy để đưa xe điện vào Mỹ, ông lớn Trung Quốc ngỡ ngàng khi quốc gia này thẳng thừng: Không ưu đãi cho xe Trung Quốc
- 18-04-2024Lộ diện những ‘nạn nhân’ tiếp theo của làn sóng xe điện Trung Quốc: Từng là thương vụ ‘gà đẻ trứng vàng’ nay đối mặt lỗ lớn
Ngoại ô Trùng Khánh, thành phố lớn nhất miền Tây Trung Quốc, là biểu tượng của sự dư thừa các nhà máy ô tô trên cả nước. Đó là khu phức hợp các tòa nhà màu xám, có diện tích gần một dặm vuông, nhưng bị hàng nghìn nhân viên chối bỏ. Bến chất hàng màu đỏ thẫm cửa đóng im lìm nhiều ngày.
Đây từng là nhà máy lắp ráp và sản xuất động cơ, liên doanh giữa một công ty Trung Quốc và Hyundai từ Hàn Quốc. Khu phức hợp mở cửa vào năm 2017 với loạt robot và các thiết bị tiên tiến để chế tạo ô tô chạy xăng, để rồi âm thầm được Huyndai bán thanh lý vào cuối năm ngoái với giá chỉ bằng một phần nhỏ khoản vốn đầu tư 1,1 tỷ USD ban đầu.
Chu Zhehui, 24 tuổi, làm việc cho hãng xe đối thủ Trung Quốc Chang'an có căn hộ nhìn xuống khu phức hợp Huyndai cũ, cho biết: “Tất cả từng được tự động hóa, song giờ đây đã trở nên hoang tàn”.
Trung Quốc có hơn 100 nhà máy với công suất sản xuất gần 40 triệu ô tô động cơ đốt trong mỗi năm. Con số này gần gấp đôi lượng người dân Trung Quốc có nhu cầu mua xe, trong bối cảnh xe điện ngày càng trở nên phổ biến.
Tháng trước, lần đầu tiên, doanh số bán ô tô hybrid vượt qua doanh số bán ô tô chạy bằng xăng tại 35 thành phố lớn nhất của Trung Quốc. Hàng chục nhà máy sản xuất xe hơi truyền thống đã phải đóng cửa khi cuộc cách mạng xe EV mới chỉ đang bắt đầu.
Theo Bill Russo, nhà tư vấn xe điện ở Thượng Hải, 3/4 số ô tô xuất khẩu của Trung Quốc đều là những mẫu xe chạy xăng mà thị trường trong nước không còn cần. Tốc độ tăng trưởng doanh số đã chậm lại do nhu cầu bị chững.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang gặp tình trạng dư thừa công suất sản xuất xe điện, song mức độ nhẹ hơn so với ô tô chạy xăng. Giảm giá theo đó trở thành chiến lược quan trọng giúp các nhà sản xuất nhanh bán được hàng.
Chỉ trong vòng 1 tuần, liên doanh Trung Quốc của Volkswagen đã giảm 18% giá xe điện ID.3. Changan Automobile, một trong những nhà sản xuất ô tô thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, chiết khấu 3.000 USD, tung ưu đãi sạc miễn phí cũng một loạt chương trình khác dành riêng cho xe điện. BYD, nhà sản xuất EV lớn nhất cả nước, cũng công bố đợt giảm giá thứ hai chỉ trong vòng 1 tháng đối với một số mẫu xe cũ.
Tu Le, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Sino Auto Insights ở Bắc Kinh, người có kinh nghiệm trong ngành ô tô Trung Quốc và Mỹ suốt 25 năm cho biết: “Mức độ nghiêm trọng của chu kỳ giảm giá này là điều tôi chưa từng thấy trước đây”.
Kevin Yang, 29 tuổi, đã đến một đại lý của Volkswagen ở Thành Đô vào tháng trước để xem xe điện. Anh bị ấn tượng mạnh khi chứng kiến sự tuyệt vọng của những người bán hàng. Họ nán lại đến tận cuối ngày chỉ để nài nỉ Yang lái thử. Nhiều cuộc điện thoại cũng liên tục được gọi đến với lời đề nghị giảm giá hấp dẫn nếu Yang quay trở lại cửa hàng.
"Cuộc đua bây giờ thực sự căng thẳng", Yang nói.
Theo The New York Times, hầu như tất cả ô tô điện của Trung Quốc đều được lắp ráp tại các nhà máy mới xây thay vì chuyển đổi từ nhà máy động cơ đốt trong hiện có. Chính vì vậy, tình trạng dư thừa công suất rất lớn.
“Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang trải qua một cuộc cách mạng EV. Công suất đốt trong cũ đang chết dần”, John Zeng, giám đốc dự báo châu Á tại GlobalData Automotive cho biết.
Doanh số bán ô tô chạy bằng xăng đã giảm mạnh xuống còn 17,7 triệu chiếc vào năm ngoái từ mức 28,3 triệu chiếc vào năm 2017 - năm Hyundai khai trương khu phức hợp tại Trùng Khánh. Doanh số bán hàng của Hyundai tại Trung Quốc cũng giảm 69% kể từ năm 2017.
Các nhà sản xuất ô tô đa quốc gia đều đã giảm sản lượng tại Trung Quốc. Ford Motor có ba nhà máy ở Trùng Khánh đều đang hoạt động với công suất rất nhỏ trong vòng 5 năm qua. Huyndai là một trong số rất ít hãng sản xuất ô tô quyết định ngừng sản xuất hoàn toàn tại một số địa điểm.
Tiêu chuẩn trước đây là các nhà máy ô tô phải hoạt động ở ít nhất 80% công suất để duy trì hiệu quả. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm nay, con số đã giảm xuống chỉ còn 65% từ mức 75% năm ngoái, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Theo The New York Times, thị trường xe điện Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng kể từ năm 2020, một phần nhờ hỗ trợ của chính phủ. Tuy nhiên, ngay sau khi chương trình này hết hạn sau 13 năm, một cuộc cạnh tranh gay gắt đã nổ ra trong một phân khúc thị trường vốn đang rất đông đúc.
Các nhà sản xuất Trung Quốc phải miễn cưỡng giảm sản lượng và cắt giảm việc làm. Trường An, một nhà sản xuất ô tô nhà nước, có một nhà máy chỉ cách khu phức hợp Hyundai cũ 20 phút đi bộ. Bãi đậu xe rộng thênh thang chất đầy những chiếc xe tồn kho đã lâu không ai để ý.
Các thành phố đặc biệt phụ thuộc vào sản xuất ô tô chạy bằng xăng như Trùng Khánh đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc làm. Quá trình lắp ráp xe điện cần ít công nhân hơn so với dây chuyền sản xuất ô tô chạy bằng xăng vì xe điện có rất ít bộ phận.
Những lao động có nền tảng kỹ thuật vững vàng, đặc biệt là về robot, có thể dễ dàng tìm được việc làm mới nếu không may bị sa thải, song những lao động bán lành nghề - bao gồm cả những nhân công lớn tuổi chưa từng tham gia đào tạo - hiện đang khó khăn vô cùng.
Theo: The New York Times, WSJ
An ninh tiền tệ