MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp chủ yếu các mặt hàng nhập khẩu cho Việt Nam

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 4/2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 158,94 tỷ USD, tăng 0,9% (tương ứng tăng 1,4 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 80,86 tỷ USD, tăng 2% và nhập khẩu đạt 78,08 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3%.

Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 4/2020 thâm hụt 0,94 tỷ USD. Tuy nhiên tính từ đầu năm đến hết tháng 4, cán cân thương mại của cả nước vẫn thặng dư 2,78 tỷ USD.

Về thị trường xuất nhập khẩu, tính đến hết tháng 4/2020, trao đổi thương mại của Việt Nam với thị trường Châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (65,2%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu lục này đạt 103,61 tỷ USD, giảm nhẹ 0,4 % so với cùng kỳ năm 2019, trong đó trị giá xuất khẩu là 41,03 tỷ USD, tăng 1,5% và trị giá nhập khẩu là 62,58 tỷ USD, giảm 1,7%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Âu: 19,44 tỷ USD, giảm 5,8% và châu Phi: 1,77 tỷ USD, giảm 4,7% so với 4 tháng/2019.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu trong 4 tháng/2020 tăng 2%, tương ứng tăng 1,62 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó các mặt hàng có biến động tăng là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 2,51 tỷ USD, tương ứng tăng 26%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 1,46 tỷ USD, tương ứng tăng 27,4%; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 308 triệu USD, tương ứng tăng 76,9%, dây điện và dây cáp điện tăng 202 triệu USD, tương ứng tăng 38,9%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 159 triệu USD, tương ứng tăng 5,1%...

Còn tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 78,08 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2019. Một số mặt hàng có biến động giảm so với cùng kỳ năm trước như: xăng dầu các loại giảm 800 triệu USD; ô tô nguyên chiếc các loại giảm giảm 430 triệu USD; sắt thép các loại giảm 405 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng giảm 290 triệu USD… Bên cạnh đó, nhập khẩu một số nhóm hàng vẫn tăng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 1,81 tỷ USD; dầu thô tăng 440 triệu USD; điện thoại các loại & linh kiện tăng 256 triệu USD… so với cùng kỳ năm trước.

Số liệ cho thấy Trung Quốc vẫn là thị trường cung ứng chủ yếu các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam.

Cụ thể như nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Trung Quốc là đối tác thứ 2 (sau Hàn Quốc) với mức 3,9 tỷ USD; Trung Quốc là thị trường cung ứng số 1 cho các nhóm như máy móc thiết bị phụ tùng (4,54 tỷ USD); nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày (3,11 tỷ USD);  Điện thoại các loại và linh kiện (1,97 tỷ USD);

Chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo (1,35 tỷ USD); Sắt thép các loại (933 triệu USD); Hóa chất và sản phẩm từ hóa chất (1,13 tỷ USD).

An Bình

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên