MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc trầm trồ về kỳ tích thần tốc của Việt Nam, không tiếc tiền rót vốn: Họ nắm 'kho báu' chứa thứ thế giới săn lùng!

13-06-2023 - 07:28 AM | Tài chính quốc tế

Kể từ đầu năm 2023, tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã đạt hơn 1,608 tỷ USD, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2022 - theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trung Quốc trầm trồ về kỳ tích thần tốc của Việt Nam, không tiếc tiền rót vốn: Họ nắm 'kho báu' chứa thứ thế giới săn lùng! - Ảnh 1.

Các tập đoàn lớn của Trung Quốc đang để mắt tới Việt Nam

Các tập đoàn lớn Trung Quốc để mắt tới Việt Nam

Hãng tin Reuters cho hay, ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc xúc tiến hoặc mở rộng các dự án sản xuất tại Việt Nam. Quốc gia Đông Nam Á hiện được xem như trung tâm xuất khẩu toàn cầu nhờ một loạt các thỏa thuận thương mại tự do và lao động giá rẻ.

Mới đây nhất, hai nhà sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng và pin của Trung Quốc đang cân nhắc các khoản đầu tư trị giá hàng trăm triệu USD vào Việt Nam. Nguồn tin của Reuters cho biết, tổng giá trị của các khoản đầu tư này có thể vượt quá 1 tỷ USD.

Xiamen Hithium Energy Storage Technology - công ty khởi nghiệp đang mở rộng quy mô ở châu Âu và Mỹ - đã làm việc với các bộ ngành phụ trách tại Việt Nam về khả năng đầu tư tới 900 triệu USD để xây dựng một nhà máy trên 30 hecta đất công nghiệp.

Nếu khoản đầu tư được thông qua đúng như con số dự kiến, Xiamen Hithium Energy Storage Technology sẽ trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Một nguồn tin khác của Reuters cho hay, khoản đầu tư đang được xem xét này sẽ có giá trị ít nhất 500 triệu USD.

Công ty có trụ sở tại thành phố Hạ Môn này cho biết thêm rằng họ có kế hoạch nâng công suất sản xuất lên từ 15 Gigawatt (GW) lên 70 GW vào cuối năm nay.

Trung Quốc trầm trồ về kỳ tích thần tốc của Việt Nam, không tiếc tiền rót vốn: Họ nắm 'kho báu' chứa thứ thế giới săn lùng! - Ảnh 2.

Xiamen Hithium Energy Storage Technology đang có kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất.

Trong khi đó, Growatt New Energy – công ty đang thuê một nhà máy chế tạo sẵn tại Việt Nam – dự định chi khoảng 300 triệu USD để mua 15 hecta đất công nghiệp xây nhà máy mới. Nguồn tin của Reuters cho hay, Growatt đang có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Đây là công ty sản xuất hệ thống pin và bộ biến tần lưu trữ năng lượng cho mục đích thương mại, cũng như dân dụng.

Xiamen Hithium Energy và Growatt New Energy không phải là hai tập đoàn lớn đầu tiên để mắt tới Việt Nam. Tháng 5 vừa qua, sau cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và ông Wang Chuanfu - Chủ tịch kiêm nhà sáng lập BYD, công ty sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc (trụ sở tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông) cho biết họ đang có kế hoạch sản xuất xe điện tại Việt Nam.

Ngoài ra, BYD cũng có kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Ông Wang hy vọng Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phép BYD hoàn thành các thủ tục đầu tư để nhanh chóng bắt đầu sản xuất ô tô điện bán ra tại thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu sang các quốc gia Đông Nam Á.

Trung Quốc trầm trồ về kỳ tích thần tốc của Việt Nam, không tiếc tiền rót vốn: Họ nắm 'kho báu' chứa thứ thế giới săn lùng! - Ảnh 3.

BYD - công ty sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc (trụ sở tại Thâm Quyến) - đang có kế hoạch sản xuất xe điện tại Việt Nam.

Liên tục rót vốn

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ đầu năm 2023, tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã đạt hơn 1,608 tỷ USD, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 1,086 tỷ USD và số vốn đăng ký điều chỉnh là 451,76 triệu USD với tổng cộng 156 dự án.

Xét về tổng số vốn đầu tư, Trung Quốc hiện xếp thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, sau Singapore và Nhật Bản. Lũy kế đến hết tháng 5, số dự án đầu tư của Trung Quốc còn hiệu lực là 3.720 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 24,87 tỷ USD.

Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể trong những năm gần đây với đa dạng ngành nghề và lĩnh vực.

Nếu như ở các giai đoạn trước, dòng vốn của Trung Quốc chỉ tập trung vào các lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng… thì gần đây các ngành như dệt may, da giày, xơ sợi dệt, khai thác khoáng sản, khu công nghiệp đang thu hút dòng vốn FDI từ Trung Quốc.

Trung Quốc trầm trồ về kỳ tích thần tốc của Việt Nam, không tiếc tiền rót vốn: Họ nắm 'kho báu' chứa thứ thế giới săn lùng! - Ảnh 4.

Trung Quốc xếp thứ 3/5 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023.

Công xưởng hàng đầu thế giới

Hãng tin Sputnik (Nga) cho hay, một trong những lý do khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc là nguồn nhân lực dồi dào.

Nguồn nhân lực của Việt Nam đáp ứng được nguồn cung lao động trình độ cao, giá nhân công cạnh tranh với có nhiều chính sách ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thêm nữa, Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc, có nhiều tuyến giao thông thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kể cả dây chuyền sản xuất.

Trong khi đó, trang tin Sohu (Trung Quốc) có bài viết nhận định, một trong những lý do khiến Việt Nam thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc là nền kinh tế Việt Nam "phát triển rất thần tốc" .

Trung Quốc trầm trồ về kỳ tích thần tốc của Việt Nam, không tiếc tiền rót vốn: Họ nắm 'kho báu' chứa thứ thế giới săn lùng! - Ảnh 5.

Theo Sohu, nền kinh tế Việt Nam "phát triển rất thần tốc", đây là một trong những lý do thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc.

Hơn 30 năm qua, sự phát triển của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Công cuộc Đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, đưa đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn và trở thành một nước có thu nhập trung bình.

Năm 2021, vượt lên trên các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng phục hồi nhờ có nền tảng vững chắc và tiềm lực mạnh. Báo chí quốc tế đã gọi Việt Nam là "kỳ tích mới của châu Á".

Ngoài ra, Việt Nam còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng chưa được khai thác hết.

Với tư cách là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê, gạo, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu hạt điều và các sản phẩm khác lớn thứ hai và thứ ba toàn cầu.

Đặc biệt, theo trang Sohu (Trung Quốc), Việt Nam có một số lượng lớn các mỏ đất hiếm chưa phát triển ở các tỉnh phía Bắc. Đây là nguồn nguyên liệu quý hiếm cho ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao mà nhiều nước không có.

Với trữ lượng đất hiếm có thể khai thác lên tới 22 triệu tấn, chỉ sau Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam đang nắm trong tay cả một "kho báu". Cũng chính vì lý do này, vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu ngày càng quan trọng.

" Việt Nam giờ đây đã trở thành một trong những công xưởng hàng đầu thế giới, cung cấp các mặt hàng điện tử, điện thoại di động, dệt may và các ngành công nghiệp khác" – Sohu kết luận.

Theo Vy Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên