MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc tràn ngập rác thải dệt may

11-07-2024 - 20:21 PM | Tài chính quốc tế

Một nhà máy tái chế và các nhà thiết kế trẻ sáng tạo ở Trung Quốc đang cố gắng giải quyết vấn đề rác thải dệt may đã đạt đến mức độ cấp bách.

Tại một nhà máy ở tỉnh Chiết Giang trên bờ biển phía Đông Trung Quốc, những đống quần áo cotton và khăn trải giường bị bỏ đi, phân loại sơ bộ thành màu tối và sáng. Những người công nhân có nhiệm vụ đưa quần áo vào máy cắt nhỏ ra. Đây là giai đoạn đầu tiên trong cuộc đời mới của những đồ vải dệt bị vứt đi này, một phần trong nỗ lực tái chế tại một trong những nhà máy tái chế vải cotton lớn nhất ở Trung Quốc.

Theo Tổ chức vận động cho thời trang bền vững Ellen MacArthur, rác thải dệt may là một vấn đề cấp bách toàn cầu, hiện chỉ có 12% hàng dệt được tái chế trên toàn thế giới. Thậm chí, tỷ lệ tái chế quần áo còn ít hơn - chỉ 1%, phần lớn đồ tái chế này được sử dụng cho các mặt hàng có giá trị thấp như vật liệu cách nhiệt hoặc nhồi đệm. Trong khi đó, ở Trung Quốc, hầu hết quần áo bị vứt ra các bãi rác.

Giáo sư nghiên cứu thời trang và may mặc tại Đại học Delaware (Mỹ) cho rằng cần có cách thay đổi nhận thức về hàng dệt may tái chế mới đưa được vào thị trường quần áo Trung Quốc.

Giáo sư Sheng Lu (Đại học Delaware, Mỹ) chia sẻ quan điểm: "Làm thế nào để thực sự thay đổi nhận thức, để thực sự gửi đi thông điệp rằng: Được rồi, quần áo đã qua sử dụng thực sự không tệ đến thế. Thực ra, chúng ta có thể tận dụng mặt hàng đó để phát triển hoặc xây dựng một hệ thống thời trang tuần hoàn".

Trung Quốc tràn ngập rác thải dệt may- Ảnh 1.

Một số nhà máy tái chế tại Trung Quốc đang cố gắng giải quyết vấn đề rác thải dệt may đã đạt đến mức độ cấp bách (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, hiện tại có thể thấy nỗ lực giải quyết thách thức về rác thải quần áo trong công việc của các nhà thiết kế độc lập và sáng tạo ở Trung Quốc.

Da Bao, nhà thiết kế 30 tuổi, đã thành lập một thương hiệu có trụ sở tại thành phố Thượng Hải, chuyên thu mua quần áo cũ và tân trang thành quần áo mới với những kiểu thời trang lạ.

Anh Da Bao (chủ sở hữu thương hiệu tân trang quần áo Times Remake) cho biết: "Tôi nghĩ sản phẩm ý nghĩa nhất chính là những thiết kế cổ điển từ xưa, những thiết kế đẹp nhất thời đó. Sự kết hợp giữa phong cách quá khứ và thẩm mỹ thời trang hiện tại tạo nên sự độc đáo. Đó là sự phát triển trong tương lai của ngành thời trang".

Chị Zhang Na có nhãn hiệu thời trang Reclothing Bank chuyên bán quần áo, túi xách và các phụ kiện khác được tái chế từ các vật liệu như chai nhựa, lưới đánh cá và bao đựng bột mì.

Chị Zhang dựa trên các phương pháp sản xuất lâu đời, chẳng hạn như sợi dệt làm từ lá dứa, một truyền thống đã có hàng thế kỷ ở Philippines.

Chị Zhang Na cho rằng: "Một điều rất tồi tệ trong cuộc sống của chúng ta là chủ nghĩa tiêu dùng. Tôi nghĩ chủ nghĩa tiêu dùng quá mức thực sự ăn mòn tâm trí con người. Tôi hy vọng những gì tôi đang làm có thể từ từ thay đổi điều này. Chúng tôi không chống tiêu dùng, chúng tôi chống lại sự lãng phí. Chúng tôi hy vọng rằng thông qua việc tái chế cho thấy những gì đằng sau việc tiêu dùng thực sự đại diện cho giá trị, hệ tư tưởng của bạn".

Cùng quan điểm, cô Bao Yang (Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc) nói: "Tôi nghĩ thật đáng kinh ngạc, vì khi mới bước vào, tôi nghe nói nhiều bộ quần áo thực chất được làm từ vỏ thủy tinh hoặc trấu ngô, nhưng khi chạm vào quần áo, tôi hoàn toàn không ngờ chúng sẽ có cảm giác thoải mái như thế này, thật tuyệt vời".

Quần áo tái chế được bán tại các cửa hàng như Reclothing Bank có giá cao hơn nhiều so với các thương hiệu thời trang ăn liền do phương pháp sản xuất tốn kém.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn đặt niềm tin vào thái độ của người tiêu dùng trẻ đối với thời trang bền vững.

Ông Kowen Tang (Công ty Dệt may Ôn Châu Thiên Thành, Trung Quốc) nhận định: "Thế hệ sinh ra trong thiên niên kỷ này có cách suy nghĩ rất khác, đó là lý do tại sao tôi thấy chúng ta cần một chút thời gian. Có thể sau một hoặc hai thế hệ, tái chế sẽ là thứ chạy trong huyết quản của người dân, sẽ là một phần thói quen của họ".

Theo Vân Ánh

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên