MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung tâm R&D Samsung: Dấu ấn lịch sử FDI

Trung tâm R&D Samsung: Dấu ấn lịch sử FDI

Việc Samsung khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á cuối tháng 12 vừa qua tại Hà Nội có thể xem là cột mốc đánh dấu bước chuyển quan trọng trong gần 35 năm thu hút FDI của Việt Nam.

Trung tâm R&D Samsung: Dấu ấn lịch sử FDI - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-Yong tham dự lễ khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D).

Từ câu chuyện của Samsung...

Sáng 23/12/2022, Samsung Việt Nam đã chính thức tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển(R&D) tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Tâm điểm chú ý của sự kiện không chỉ là quy mô bề thế của dự án, mà còn là sự xuất hiện của rất nhiều quan khách đặc biệt. Trong đó, có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-Yong. Sự có mặt của Thủ tướng và Chủ tịch Tập đoàn Samsung tại sự kiện đã cho thấy tầm quan trọng của Dự án, không chỉ đối với Samsung mà còn đối với Việt Nam, cũng như đối với quan hệ hợp tác đặc biệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Trung tâm R&D mới của Samsung Việt Nam, với quy mô đầu tư 220 triệu USD, đã hiện lên bề thế và hiện đại ở một trong những khu đô thị hiện đại bậc nhất Hà Nội - Khu đô thị Tây Hồ Tây. Đây cũng là một dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc.

Được thiết kế với 16 tầng nổi và 3 tầng hầm, với tổng diện tích xây dựng là 11.603 m2 và diện tích sàn là 79.511m2, Trung tâm R&D của Samsung dự kiến đón 3.000 kỹ sư tới làm việc tại đây. Đây cũng chính là tòa nhà cao tầng có quy mô lớn chuyên về phát triển công nghệ đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập bởi một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Samsung trước nay vẫn luôn khẳng định Trung tâm R&D tại Việt Nam sẽ là trung tâm R&D lớn nhất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử, khi phát biểu tại Lễ khánh thành Trung tâm R&D đã cho biết, Samsung nâng cao năng lực chuyên môn và mở rộng lĩnh vực phát triển để nơi đây không chỉ trở thành Trung tâm R&D hàng đầu khu vực Đông Nam Á mà còn là trung tâm R&D số một toàn cầu.

Theo ông Roh Tae-Moon, Samsung sẽ tăng cường lực lượng nghiên cứu của Trung tâm R&D để các sản phẩm và dịch vụ được phát triển tại Việt Nam có thể được đưa đến với người tiêu dùng trên toàn cầu, chứ không chỉ dừng lại ở hoạt động phát triển tập trung vào khu vực Đông Nam Á như hiện nay. "Chúng tôi cũng sẽ nâng cao năng lực chuyên môn của Trung tâm R&D Samsung Việt Nam qua việc tập trung nghiên cứu chuyên sâu những công nghệ cốt lõi của điện thoại di động như lĩnh vực đa phương tiện và bảo mật, đó chính là một trong hai tầm nhìn mà Samsung hướng tới, khi khánh thành Trung tâm R&D tại Việt Nam", ông Roh Tae-Moon nói.

Với các khoản đầu tư và cam kết đầu tư lên tới 20 tỷ USD, và đến nay là Trung tâm R&D, Samsung đã nâng tầm Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất và trở thành cứ điểm chiến lược ưu tiên hàng đầu về nghiên cứu và phát triển của Samsung trên toàn cầu.

Tới câu chuyện của Việt Nam

Nói đến câu chuyện thu hút FDI tại Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế đã đánh giá, chúng ta phần nào thành công trong việc thu hút nguồn vốn này và trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, đã từ lâu, Việt Nam luôn mong muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực R&D, bởi đó là hoạt động đầu tư mang tính "thượng nguồn".

Do vậy, rất nhiều ý kiến đánh giá cao sự kiện vừa qua của Samsung, bởi đó chính là minh chứng cho việc các hoạt động R&D đang được thúc đẩy trong nước, cũng có nghĩa Việt Nam Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung tại Khu đô thị Tây Hồ Tây - Hà Nội đã chuyển hướng chiến lược sang hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Việc Tập đoàn tổ chức Lễ Khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển là tiền đề để Samsung hiện thực hóa các mục tiêu phát triển; là minh chứng cho những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao".

Một yếu tố khác cũng được nhắc đến nhiều trong câu chuyện lợi ích khi thu hút FDI, đó là chuyển giao công nghệ. Đáng mừng thay với tầm nhìn của mình, Samsung cam kết sẽ xây dựng nền tảng cho việc đào tạo nhân tài công nghệ thông tin và phát triển ngành công nghiệp Việt Nam. "Trọng tâm tất cả các hoạt động kinh doanh của Samsung là 'nhân tài' và 'công nghệ'. Bởi lẽ, chỉ khi đảm bảo được nguồn lực nhân tài và công nghệ thì mới có thể tạo ra được những sản phẩm và dịch vụ hàng đầu", ông Roh Tae-Moon giải thích.

Cũng bởi ý nghĩa đó, ông Roh Tae-Moon bày tỏ hy vọng rằng, Trung tâm R&D sẽ trở thành cái nôi nuôi dưỡng những nhân tài công nghệ thông tin số một Việt Nam và sáng tạo ra những công nghệ hàng đầu. "Với việc mở rộng các chương trình học bổng, dự án hợp tác với các trường đại học, chương trình thực tập, chương trình phát triển nhân tài công nghệ... chúng tôi sẽ hỗ trợ để có nhiều sinh viên hơn nữa có thể trở thành những nhân tài công nghệ thông tin. Mặt khác, chúng tôi sẽ tích cực chiêu mộ những nhân tài xuất sắc về với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển và tạo nhiều cơ hội để họ có thể phát huy tối đa năng lực của mình", ông Roh Tae-Moon nói.

Ông Roh Tae-Moon cũng khẳng định: "Samsung sẽ đi đầu trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ của Việt Nam trung và dài hạn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 qua việc mở rộng chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học về các môn như Trí tuệ nhân tạo, Cơ sở dữ liệu lớn, Đa phương tiện, Bảo mật thay vì chỉ tập trung chủ yếu vào môn Thuật toán ứng dụng như trước đó".

Đánh giá về dấu ấn FDI nói trên, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, chiến lược của Samsung sẽ mang đến tác động lan tỏa rất lớn đối với Việt Nam thông qua yếu tố nguồn nhân lực, vượt qua câu chuyện chuyển giao công nghệ thông thường. "Nhìn vào các cơ sở nghiên cứu khoa học hiện có tại Việt Nam, đơn vị nào sở hữu 100 cán bộ, kỹ sư đã được xem là tầm cỡ, mà đây là hơn 3.000 kỹ sư hàng đầu hoạt động trong môi trường hàng đầu. Hãy thử tưởng tượng sau 10 năm nữa, những con người này trưởng thành rồi lập doanh nghiệp riêng, thì có biết bao người được thụ hưởng thành quả của công tác nghiên cứu, thông qua việc tiếp cận từ những phương pháp nghiên cứu cho đến thiết bị nghiên cứu hiện đại. Bên cạnh đó, các cam kết đào tạo hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp tại Việt Nam cũng chắc chắn sẽ mang lại tác động lan tỏa sẽ rất lớn", vị Chủ tịch VAFIE phân tích.

GS-TSKH. Nguyễn Mại cũng lưu ý thêm, Trung tâm R&D của Samsung không chỉ nghiên cứu về smartphone mà sẽ tập trung vào các công nghệ tương lai, trong đó có công nghệ bán dẫn. GS Mại cũng cho biết, bên cạnh Samsung, các tập đoàn lớn như Inter, LG,… cũng đã cam kết đầu tư nghiên cứu và sản xuất cho công nghệ này tại Việt Nam với tổng vốn lên tới hơn 5,5 tỷ USD.

"Phải khẳng định một điều, từ trước đến nay công nghệ bán dẫn là 'cuộcchơi' của các nước lớn, tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt,với các động thái cam kết đầu tư vào Việt Nam nói trên, có thể nói vị thế Việt Nam ngày càng được khẳng định trong mắt các nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới", GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

Theo Anh Trung

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên