MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung tâm tài chính quốc tế đặt ở TP. Hồ Chí Minh chọn khu vực nào làm vị trí cốt lõi?

Trung tâm tài chính quốc tế đặt ở TP. Hồ Chí Minh chọn khu vực nào làm vị trí cốt lõi?

TP. Hồ Chí Minh đã là trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất cả nước, nhưng muốn vươn ra khu vực và thế giới thì cần nhiều sự đột phá hơn. Do đó, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế sẽ góp phần tạo ra đột phá mới, đưa thành phố trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.

Trong đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, TP. Hồ Chí Minh xác định rõ mục tiêu trở thành nơi thu hút các đầu mối, dòng vốn doanh nghiệp, tư nhân, toàn cầu. Do đó, mô hình trung tâm tài chính quốc tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đề án này.

Hiện nay, hình hài về trung tâm tài chính quốc tế đặt ở TP. Hồ Chí Minh đang có hai ý tưởng của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) và Đại học Fulbright Việt Nam. Điểm chung của cả hai ý tưởng này đều là thấy được tiềm năng mà TP. Hồ Chí Minh có thể trở thành một trung tâm tài chính quốc tế. Hai đề án đều đồng thuận trong việc chọn khu vực tài chính hiện hữu như quận 1,3 và Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) làm vị trí cốt lõi cho trung tâm này.

Trước đây, tại hội nghị duyệt kế hoạch kinh tế - xã hội, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đề nghị Quận 1 kết hợp với khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) để hình thành các trung tâm tài chính quốc tế dọc bờ sông Sài Gòn. 

Cụ thể, quận 1 là quận trung tâm của trung tâm nên cần phải xác định được vai trò, tầm quan trọng của mình trong sự phát triển chung của thành phố. Quận cần phải đi đầu trong cải cách hành chính, chuyển đổi số và kết hợp với khu đô thị mới Thủ Thiêm để hình thành các trung tâm tài chính quốc tế.

Đề án phát triển trung tâm tài chính quốc tế theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) sẽ là một trung tâm tài chính "phi truyền thống". Theo đề án của IPPG, trung tâm tài chính sẽ kinh doanh tài chính truyền thống như các trung tâm tài chính lớn trên thế giới ở New York, Hong Kong (Trung Quốc), London. Bên cạnh đó, trung tâm tài chính cần phải kết hợp với hoạt động dịch vụ tiện ích khác như là xây dựng tổ hợp khu kinh doanh tài chính kết hợp giải trí, nghỉ dưỡng.

Cụ thể, bên cạnh các hoạt động thuộc tài chính – ngân hàng, quần thể sáng tạo khởi nghiệp thì trung tâm tài chính sẽ có thêm trung tâm thương mại, casino, nhà hát, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí,… Đề án của IPPG đề xuất xây dựng, kinh doanh casino kết hợp với thể thao. Cùng với đó, đề án đề xuất đến việc cho phép thành lập các khu vui chơi giải trí, khu bán hàng miễn thuế.

Đặc biệt, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, các nhà đầu tư đến từ Mỹ cam kết dành 6 tỷ USD cho trung tâm tài chính và họ muốn xây dựng Disneyland tại đây. Tức là phát triển khu phức hợp trung tâm tài chính quốc tế bao gồm các chức năng dịch vụ tài chính, du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn và vui chơi giải trí.

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh có đề nghị Đại học Fulbright Việt Nam xây dựng đề án phát triển trung tâm tài chính quốc tế này. Bản đề án của Đại học Fulbright Việt Nam đã được trình lên thành phố vào cuối năm 2021.

Theo Fulbright, TP. Hồ Chí Minh vốn là một trung tâm tài chính của quốc gia nên đã có các dịch vụ tài chính hiện hữu như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các dịch vụ mới như ngân hàng số, fintech, dịch vụ quản lý quỹ - quản lý tài sản, thị trường M&A doanh nghiệp và chứng khoán phái sinh. Fulbright xây dựng đề án hướng đến tận dụng các lợi thế đã có của thành phố để xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế thuần các chức năng sẵn có.

Đề án của Fulbright đưa ra kết cấu của trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh gồm có thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn và thị trường hàng hoá. Theo định hướng của đề án, trung tâm tài chính sẽ phát triển mạnh hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán số, từ đó hội nhập vào các mạng lưới toàn cầu.

https://cafef.vn/trung-tam-tai-chinh-quoc-te-dat-o-tp-ho-chi-minh-chon-khu-vuc-nao-lam-vi-tri-cot-loi-20220222004211515.chn

Văn Minh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên