MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước khi chuyển tiền gửi thanh toán về NHNN, Kho bạc gửi tiền vào ngân hàng nào nhiều nhất?

05-12-2019 - 11:25 AM | Tài chính - ngân hàng

Cuối tháng 9/2019, Kho bạc Nhà nước đang gửi hơn 260 nghìn tỷ đồng tại các ngân hàng thương mại.

Theo BCTC quý 3/2019, cuối tháng 9/2019, Kho bạc Nhà nước đang gửi hơn 145.000 tỷ đồng tiền gửi tại 3 ngân hàng lớn Vietcombank, VietinBank, BIDV. 

Trong đó, Vietcombank đang là ngân hàng nhận nhiều tiền gửi của Kho bạc Nhà nước nhất với 74.583 tỷ đồng tại ngày 30/9/2019. Con số này giảm hơn 12.500 tỷ so với đầu năm, tương đương giảm 14,3%. Vietcombank cũng là ngân hàng thương mại thường xuyên nhận được tiền gửi lớn của ngân sách. Con số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại đây từng có thời điểm lên tới 165 nghìn tỷ vào cuối năm 2017.  

VietinBank là ngân hàng thứ 2 có được lượng tiền gửi rất lớn của KBNN, đạt 70.690 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2019, tăng 19% so với đầu năm.

Còn tại BIDV, tiền gửi kho bạc tại ngày 30/9 là 67.892 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn là 63.250 tỷ, tiền gửi thanh toán là 4.642 tỷ. Ngoài ra, tại BIDV, Bộ Tài chính còn gửi hơn 15.600 tỷ đồng.

Agribank cũng là nơi gửi tiền quen thuộc của ngân sách. Trước đó, cuối tháng 6/2019, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng này đạt 45.182 tỷ đồng.

Trước khi chuyển tiền gửi thanh toán về NHNN, Kho bạc gửi tiền vào ngân hàng nào nhiều nhất? - Ảnh 1.

Đơn vị: Tỷ đồng

Ngoài ra, KBNN cũng có gửi tiền tại một số ngân hàng thương mại khác, tuy nhiên với số dư không lớn, thường là 2.000 tỷ đồng. Chẳng hạn, gửi tại MBBank 2.633 tỷ đồng, LienVietPostBank 2.000 tỷ và HDBank 2.000 tỷ,...

Trên đây là số liệu cập nhật đến cuối tháng 9/2019, tuy nhiên đến nay có thể đã có sự thay đổi lớn. Bởi từ tháng 11/2019, thực hiện chính sách và cơ chế mới của Bộ Tài chính theo Thông tư 58/2019/TT-BTC, nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước sẽ được kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước, thay vì đọng lại ở các ngân hàng thương mại.

Trên thực tế, tại BIDV, tiền gửi thanh toán của KBNN cũng đã giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm từ gần 19.000 tỷ xuống còn 4.642 tỷ và sẽ giảm về 0 trong thời gian tới.

Quy định mới này sẽ khiến các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank bị thiệt nhiều nhất. Với lượng tiền gửi khổng lồ của KBNN những năm trước đây, những ngân hàng này có được sự hỗ trợ lớn cho thanh khoản, hưởng lợi từ nguồn vốn giá rẻ, có điều kiện để hạ lãi suất và tạo vị thế cạnh tranh rõ rệt với các ngân hàng tư nhân.

Không chỉ tác động tới một số ngân hàng cụ thể, việc áp dụng Thông tư 58 của Bộ Tài chính cũng được cho sẽ tác động mạnh tới thanh khoản của toàn bộ hệ thống. Trên thực tế, diễn biến thị trường liên ngân hàng thời gian gần đây cũng đã phản ánh tác động này. Việc KBNN rút dần tiền ở các ngân hàng thương mại, kết hợp với yếu tố mùa vụ là nhu cầu thanh toán dịp cuối năm tăng cao, đã tác động lên thanh khoản hệ thống. Chỉ trong vòng 1 tuần, lãi suất liên ngân hàng đã tăng gấp đôi và đến ngày 26/11 NHNN đã phải can thiệp bằng cách đột ngột hạ mạnh lãi suất cho vay qua thị trường mở (OMO) để bơm vốn giá rẻ 4%/năm (thay vì mức 4,5% trước đó) cho các ngân hàng. 

Thanh khoản hệ thống có dấu hiệu căng thẳng trong thời gian gần đây khi tuần cuối tháng 11, NHNN đã bơm ròng 66.131 tỷ đồng ra thị trường. Từ đầu tháng 12, NHNN vẫn đang tiếp tục bơm vốn hỗ trợ thanh khoản hệ thống, trong phiên 4/12, hoạt động đấu thầu trên thị trường mở (OMO) tiếp tục ghi nhận chuỗi kéo dài hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, với quy mô chào khá lớn là 8.000 tỷ đồng.

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên