Trước khi mua lại Hãng phim truyện Việt Nam, chính Vivaso cũng bị thâu tóm với kịch bản tương tự bởi cùng một ông chủ
Là chủ mới của Hãng phim truyện Việt Nam (chiếm 65% cổ phần) nhưng Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) không phải là một doanh nghiệp Nhà nước như tên gọi. Năm 2014, Vivaso được mua lại bởi Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường của ông Nguyễn Thủy Nguyên.
Trong vụ ầm ĩ về cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) mà giờ đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam, người chủ thực sự không phải là không Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch HĐQT. Điều này có thể thấy rõ qua cuộc họp với các nghệ sĩ của VFS ngày 19/9. Hôm đó, ông Nguyễn Danh Thắng với tư cách là Chủ tịch HĐQT yêu cầu những người đặt câu hỏi viết ra giấy gửi lên, nhưng người trả lời lại là ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT của Vivaso (cổ đông chiếm 65% của VFS).
Tuy nhiên, vị trí Chủ tịch HĐQT Vivaso của ông Nguyên cũng chỉ là chức danh mới có sau khi tổng công ty này bị mua lại bởi Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường năm 2014. Và công ty thực hiện thương vụ mua lại cũng do ông Nguyễn Thủy Nguyên làm chủ (chức danh là Tổng giám đốc và sở hữu gần 100 % vốn) điều lệ.
Sự trùng hợp ở 2 thương vụ mua thâu tóm của Vạn Cường
Vivaso là doanh nghiệp Nhà nước có trong danh sách cổ phần hóa của Bộ Giao thông vận tải. Ngày 19/3/2013, Vivaso đã tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng với việc chào bán rộng rãi hơn 15 triệu cổ phần nhưng chỉ 550.700 cổ phần bán được với giá 10.000 đồng/cổ phần.
Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường xuất hiện sau đó 1 tuần, nhưng đã nhanh chóng soạn thảo công văn về việc xin mua hết toàn bộ hơn 14 triệu cổ phần chưa bán hết. Sau khi nắm giữ 45% số cổ phần (15 triệu cổ phiếu) của Vivaso, Vạn Cường tiếp tục đăng ký mua thêm 20% cổ phần. Khi mua lại, ông chủ của Vạn Cường chia sẻ: “Các công ty đường bộ bán cổ phần thì thi nhau mua, nhưng công ty đường thủy thì bán mãi chẳng ai mua. Lý do là vận tải thủy nghèo, người làm đường thủy rất nghèo!”.
Với Vivaso, ngoài việc có giá trị doanh nghiệp của một tổng công ty vận tải đường thủy, công ty này đang quản lý sử dụng nhiều khu đất có giá trị lớn ở miền Bắc với tổng diện tích là 50ha. Trong số đó có các vị trí giá trị lớn như ở 158 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), hoặc các khu nhà xưởng, mặt bằng cũng ở vị trí đẹp như phường Tân Ấp (quận Ba Đình); phố Kim Mã, Láng Hạ, Thanh Xuân, Đội Cấn (Hà Nội)…
Sau khi mua cổ phần chi phối tại Vivaso, ông Nguyễn Thủy Nguyên lên làm Chủ tịch HĐQT và thay các nhân sự cao cấp tại đây.
Với VFS, câu chuyện cũng diễn ra có nét tương tự khi Vivaso (do Công ty Vạn Cường làm chủ) trở thành nhà đầu tư chiến lược mua tới 65% vốn điều lệ với giá khoảng gần 33 tỷ đồng. Thêm vào đó, VFS hiện đang được quyền thuê và sử dụng 4 khu “đất vàng”.
Ở Hà Nội có 3 lô: 5.443,5m2 đất tại số 4 Thụy Khuê, hình thức sở hữu là thuê đất trả tiền hàng năm, đất đã thuê hơn 50 năm; 904,9m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám - hình thức sở hữu là giao đất; 6.382,8m2 đất ở Đông Anh (tức trường quay Cổ Loa) - hình thức sở hữu là giao đất. VFS có một lô đất 1.208,72m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TPHCM - hình thức sở hữu thuê đất của nhà nước.
Vì sao câu chuyện gây chú ý?
Tuy nhiên, không giống như thương vụ mua lại Vivaso, ông Nguyễn Thủy Nguyên và Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường gây chú ý đặc biệt bởi lần này là VFS với lịch sử đã 60 năm và có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, Và đạo diễn Quốc Tuấn, đạo diễn Thanh Vân…đồng loạt lên tiếng tại buổi đối thoại với các ông chủ mới của VFS hôm 19/9.
Chưa hết, cả Vivaso hay công ty đứng sau là Vạn Cường đều là những công ty không có chút liên quan gì đến ngành nghệ thuật hay đầu tư phim ảnh. Thế nhưng, trong cam kết trở thành nhà đầu tư chiến lược, chiếm 65% vốn của VFS, đại diện Vivaso lại chấp nhận 7 tiêu chí mà một vài trong số đó rất khó thực hiện mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu.
Các điều kiện này bao gồm: 90% doanh thu phải từ sản xuất phim; trả các khoản nợ trước đó của Hãng; đầu tư cơ sở sản xuất phim; tuân thủ phương án sử dụng đất đã được duyệt; sử dụng toàn bộ số lao động hiện có; sử dụng tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu cho việc sản xuất phim. Và cam kết này đi kèm với một cảnh báo: “Nếu nhà đầu tư không làm đúng cam kết, sẽ xử lý theo chế tài”.
Kể từ khi thực sự tiếp quản hãng phim (khoảng 3 tháng) dưới tên mới là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam, những ông chủ mới chưa thấy thực hiện nhiều các cam kết liên quan đến điện ảnh. Thay vào đó, họ quy hoạch lại cơ sở vật chất để tăng tính hiệu quả như việc dồn các phòng biên kịch, đạo diễn, thiết kế, quay phim vào một phòng; diện tích trống để cho thuê…