MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước thềm cổ phần hóa, MobiFone đối diện thách thức nào?

09-09-2019 - 09:58 AM | Doanh nghiệp

Tương tự như các nhà mạng viễn thông khác, MobiFone phải đối mặt với thực tế người dùng đã chuyển dần từ các dịch vụ điện thoại truyền thống sang các dịch vụ trên nền Internet…

Vướng vụ AVG, cổ phần hoá bị chậm lại

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ mới đây, MobiFone là một trong số 93 doanh nghiệp nhà nước sẽ cổ phần hoá đến hết năm 2020.

Lộ trình trước đó, MobiFone dự kiến hoàn tất việc cổ phần hoá vào năm 2018, tuy nhiên, theo một đại diện Bộ Tài chính từng đề cập tại cuộc họp báo chuyên đề diễn ra hồi tháng 3/2019, lý do chậm trễ là do vướng vụ AVG, nhiều sai phạm từ lãnh đạo, cá nhân bị khởi tố.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của CTCP Nghe nhìn toàn cầu (AVG) và đề nghị truy tố 14 bị can với 3 tội danh: "Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng"; "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ".

MobiFone được thành lập năm 1993, với tên gọi ban đầu là Công ty Thông tin di động. Ngày 1/12/2014, Công ty được chuyển đổi thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh doanh trong các lĩnh vực: dịch vụ viễn thông truyền thống, VAS, Data, Internet & truyền hình IPTV/cable TV, sản phẩm khách hàng doanh nghiệp, dịch vụ công nghệ thông tin, bán lẻ và phân phối và đầu tư nước ngoài.

Đây là một trong ba mạng di động lớn nhất với hơn 30% thị phần. Bên cạnh MobiFone, tại thời điểm này, Việt Nam còn 5 đơn vị kinh doanh dịch vụ mạng viễn thông di động khác là Viettel, Vinaphone, Indochina Telecom, Vietnamobile, và Gmobile. Trong đó, thị phần chủ yếu rơi vào tay của 3 “ông lớn” Viettel, Vinaphone và MobiFone.

Kinh doanh chững lại, khoản tiền gửi “khồng lồ” sau vụ AVG

Là một trong 3 nhà mạng viễn thông lớn nhất cả nước, Tổng công ty Viễn thông MobiFone tạo ra hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu đồng thời thu về hàng nghìn tỷ đồng tiền lãi mỗi năm.

Trước thềm cổ phần hóa, MobiFone đối diện thách thức nào? - Ảnh 1.

Tổng doanh thu hợp nhất phát sinh từ 2015-2017 của MobiFone đạt 116.179 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế phát sinh giai đoạn này là 18.118 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ đã đóng góp vào nộp ngân sách trong giai đoạn này là 17.421 tỷ đồng.

Năm 2018 doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty thực hiện 38.883 tỷ đồng, doanh thu công ty mẹ đạt 36.926 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 4.677 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, MobiFone ghi nhận 15.168 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ việc tiết giảm được giá vốn hàng bán, biên lãi gộp của MobiFone được cải thiện từ 28% lên 30,5% tương ứng lợi nhuận gộp 4.636 tỷ đồng, giảm 4% so với nửa đầu năm 2018.

Doanh thu từ hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi) tăng gấp hơn 5 lần lên 535 tỷ đồng là động lực chính giúp lợi nhuận sau thuế của MobiFone tăng 8% so với nửa đầu năm ngoái, đạt 2.116 tỷ đồng.

Trước thềm cổ phần hóa, MobiFone đối diện thách thức nào? - Ảnh 2.

Ghi nhận trên báo cáo tài chính bán niên 2019, tổng tài sản của MobiFone tại thời điểm cuối tháng 6 đạt 29.182 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm hơn 55% với phần lớn là các khoản tiền gửi có kỳ hạn không quá 12 tháng. số dư tiền và tương đương tiền giảm 45% so với đầu kỳ xuống 1.745 tỷ đồng.

Như vậy tính chung các khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi đến hết tháng 6 lên đến 13.423 tỷ đồng, chiếm tới 46% tổng tài sản của MobiFone trong khi vốn góp của chủ sở hữu Nhà nước là 15.000 tỷ đồng.

Nếu so sánh với các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán, tổng lượng tiền tương đương tiền và tiền gửi của MobiFone chỉ xếp sau một vài “đại gia” như PVGas, ACV, Vingroup, Petrolimex hay Sabeco. Khoản tiền gửi “khổng lồ” tại các ngân hàng giúp MobiFone thu về hàng trăm tỷ đồng tiền lãi, đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, tính đến hết tháng 6, MobiFone còn để dành được 150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bên cạnh 5.081 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.

Vùng phủ 4G thấp so với đối thủ, áp lực cạnh tranh gay gắt giữ thị phần

Thống kê trong giai đoạn 2015-2017 cho thấy, MobiFone đầu tư phát triển mạng 4G và đã hoàn thành phát sóng hơn 12.000 trạm 4G mới, nâng tổng số trạm đầu tư mới trong giai đoạn 2015-2017 lên hơn 30.000 trạm cả 3G và 4G. Tuy nhiên, theo MobiFone, vùng phủ 4G của Mobifone vẫn còn thấp hơn so với các nhà mạng đối thủ.

Sang năm 2018 nhà mạng này đã lắp đặt, phát hơn 8.000 trạm 4G, đáp ứng lưu lượng thuê bao data tăng trưởng. Tuy nhiên, đây cũng là năm MobiFone đánh giá, gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư, đặc biệt các dự án mới. Tiến độ ký hợp đồng, nghiệm thu và thanh toán các dự án chuyển tiếp ở mức trung bình khá, trong khoảng 50-70%.

Tương tự như các nhà mạng viễn thông khác, MobiFone cũng đang phải đối mặt với thách thức trong bối cảnh hiện nay, người dùng đã chuyển dần từ các dịch vụ điện thoại truyền thống sang các dịch vụ OTT (Over The Top- dịch vụ trên nền Internet) như Zalo, Viber, Skype… Và do đó, doanh thu năm 2018 sụt giảm.

Vấn đề đặt ra không chỉ với MobiFone mà với tất các nhà mạng đang hoạt động là việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư thêm các hệ thống tối ưu dữ liệu data, tránh tắc nghẽn mạng, hạn chế suy giảm chất lượng xem video…

Kết quả kinh doanh của MobiFone ngoài ra còn chịu tác động từ các chính sách của Bộ Thông tin và Truyền thông như giảm cước kết nối, đấu giá băng tần…

Mặc dù vậy, cơ hội không phải không có. Với tốc độ tăng trưởng data tại thị trường Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh (22,5%) là cơ hội cho các doanh nghiệp di động. Bên cạnh đó, cơ hội phát triển, kết hợp cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông trong các giao dịch thanh toán online phù hợp với xu hướng phát triển của dịch vụ số.

Trong tháng 4/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G cho MobiFone. Tuy nhiên, việc đầu tư 5G cũng đặt ra thách thức khác cho nhà mạng trong bối cảnh hạ tầng 4G mới xây dựng và triển khai, chưa thể thu hồi vốn.

Bên cạnh tình hình hoạt động kinh doanh, với lộ trình cổ phần hóa năm 2020 đã cận kề, để chủ động hơn nữa với kế hoạch, trước mắt MobiFone còn phải hướng đến kiện toàn cơ cấu lãnh đạo điều hành, điều mà các ban ngành chức năng cũng đã đề cập đến tại cuộc họp mới đây.


Theo THANH HÀ - BẢO VY

BizLive

Trở lên trên