MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Lê Đăng Doanh: "Hi vọng về TPP chưa hết"

Trước việc Tổng thống mới đắc cử Donald Trump có thể sẽ đưa Mỹ rút khỏi TPP trong 100 ngày đầu nhậm chức, còn Quốc hội dưới thời Obama không thể thông qua hiệp định này, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định Việt Nam cần bình tĩnh nghe ngóng.

Trang Wall Street Journal và The Hill hôm qua thông báo, các lãnh đạo Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã gửi văn bản tới Nhà Trắng cho biết nhóm này sẽ không tiếp tục vận động để TPP được thông qua tại Quốc hội trong những tháng cuối cùng Tổng thống Obama tại vị.

Ngay cả chính quyền của Tổng thống Obama cũng phải thừa nhận, không có cách nào để Mỹ thông qua TPP trong thời gian chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng.

Điều này cũng có nghĩa, "di sản" cuối cùng của ông Obama tại Nhà Trắng khó có thể trở thành hiện thực, bởi đội ngũ chuyển giao quyền lực của Trump từng khẳng định sẽ đưa Mỹ ra khỏi TPP ngay trong 100 ngày đầu nhậm chức của tân Tổngthống.

Động thái của giới cầm quyền không nằm ngoài dự tính của các nhà quan sát bởi cả 2 ứng viên Tổng thống năm nay đều tỏ rõ thái độ không mấy hứng thú với TPP.

Tuyên bố tẩy chay TPP ngẫu nhiên trở thành một trong số những điểm chung hiếm hoi giữa ông Trump và bà Hillary, và bài xích hiệp định này cũng là nội dung trọng tâm của hai ứng viên Tổng thống trước những người ủng hộ.

Lý do mà cả ông Trump và bà Hillary tẩy chay TPP là hiệp định thương mại thế hệ mới có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ thuận lợi hơn trong việc chuyển hoạt động kinh doanh và sản xuất ra các quốc gia khác, vốn có chi phí nhân công và thuế thấp hơn Mỹ. Người Mỹ lo ngại điều này sẽ khiến tình trạng thất nghiệp ngày càng căng thẳng, khoảng cách giàu nghèo tiếp tục nới rộng.

Trước thềm cuộc bầu cử, nhiều cơ quan thương mại của Mỹ ở nước ngoài đã cảnh báo rằng Mỹ dù muốn dù không cũng cần chơi chung trong sân chơi với các nước khác, đặc biệt là các quốc gia châu Á khi nơi đây là thị trường tiêu thụ lớn nhất của thế giới hiện nay.

"TPP chưa chết" là thông điệp đã từng được xướng lên, nhưng sự tồn tại của nó chưa bao giờ trở nên mong manh như hiện nay.

Bất chấp triển vọng TPP từ Mỹ giảm dần khi ông Donald Trump đắc cử, Hạ viện Nhật Bản ngày 10/11 đã thông qua TPP, và Thủ tướng Nhật dự kiến sẽ đến Mỹ để bàn với Washington về tương lai của Hiệp định. Tuy nhiên, New Zealand tỏ ra bi quan, khi khẳng định khả năng thông qua TPP lúc này, và có thể cả trong năm sau, gần như bằng 0.

Trước thái độ khác biệt của các thành viên hiệp định, ViệtNam hiện chưa đưa ra quyết định cuối cùng về TPP. TS Lê Đăng Doanh cho rằng, ở thời điểm này, Việt Nam cần bình tĩnh nghe ngóng phản ứng của các quốc gia, đặc biệt là Mỹ, vềTPP để đưa ra quyết định hợp lý.

TS Lê Đăng Doanh.

TS Lê Đăng Doanh.

"Trước cuộc bầu cử, Tổng thống Trump đúng là phản đối TPP cũng như có những tuyên bố khác về cácquan điểm kinh tế trái ngược với thời ông Obama. Tuy nhiên, sau khi đắc cử, ông Trump cũng có những điều chỉnh trong tuyên bố của mình. Vậy nên hi vọng về TPP chưa phải hết.

Trước mắt, việc thông qua TPP có khó khăn thực. Việc chậm nhập cuộc của TPP sẽ là một thiệt thòi với Việt Nam bởi Mỹ là một thị trường lớn. Việt Nam tốt nhất nên chủ động mở rộng các thị trường khác, không phụ thuộc vào một FTA nào. Vai trò của các thị trường như EU, Nhật Bản, châu Á trước mắt sẽ quan trọng hơn với Việt Nam".

Việc Nhật Bản đã thông qua TPP, theo ông Doanh, có ý nghĩa bởi đây là một nước lớn, có ảnh hưởng sâu tới kinh tế và thương mại quốc tế. "Nhưng Việt Nam nên cân nhắc, chờ đợi, xem ‘chuyển động’ của chính quyền dưới thời Tổng thống Trump trước khi có động thái trực tiếp".

Theo Quang Huy

Trí thức trẻ/ Soha

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên