MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Lê Xuân Nghĩa: “Đừng tranh cãi GDP 6,5% hay 6,7% mà là tăng GDP tiềm năng”

Câu chuyện tăng trưởng GDP 6,7% đang gây chú ý liệu có đạt mục tiêu đề ra và mức đó là cao hay thấp đối với nền kinh tế Việt Nam?

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng
94 bài viết

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, “bơm tiền” hay tăng chi tiêu công để GDP tăng trưởng ở mức 6,7% năm 2017, cách nào cũng có hậu quả của nó. Tăng trưởng GDP lên 6,7% có thể đạt được nếu sử dụng “doping”, nhưng sau đó GDP vẫn phải quay lại mức tăng trưởng thực theo “sức khỏe” của nền kinh tế.

Câu chuyện GDP 6,7% và bẫy thu nhập trung bình

Kế hoạch năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7%, so với năm 2016 tăng 6,3%.

Qua 6 tháng đầu năm 2017, GDP chỉ tăng ở mức 5,73%. Áp lực lên 6 tháng cuối năm GDP phải tăng trên 7,42%, đây là nhiệm vụ rất khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Do đó, mọi biện pháp đang được đưa ra để đạt mục tiêu đề ra.


(*) Mục tiêu - Nguồn: TCTK.

(*) Mục tiêu - Nguồn: TCTK.

Đối với các nhà làm chính sách, các nhà kinh tế khi đưa ra các chỉ tiêu về tăng trưởng họ cần tính toán các con số liên quan. Chẳng hạn, muốn đạt được mức tăng trưởng GDP 6,7%, cần phải khai thác 6,5 triệu tấn dầu, khai thác bao nhiêu tấn than… để tăng cung. Trong tình hình thế giới giá dầu đang ở mức thấp, Việt Nam xuất khẩu dầu thô, giá trị xuất khẩu không cao. Than khai thác xuất khẩu có chất lượng thấp... Nguồn thu từ xuất khẩu thô các tài nguyên này không thấm là bao.

Từ những số liệu nghiên cứu, những quốc gia đạt được mức thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD/người/năm thì tốc độ tăng trưởng GDP bắt đầu chậm lại.

Hàn Quốc năm 1983 đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD/người/năm. Maylaysia năm 1988 đạt mức 2.000 USD. Thái Lan là năm 2000, Trung Quốc năm 2006 và Việt Nam là năm 2014.

Tất cả những quốc gia trên trước khi đạt mức thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD/người/năm có tốc độ tăng trưởng GDP rất cao. Chẳng hạn, Trung Quốc tăng GDP 10%, Hàn Quốc 8%, Thái Lan 7,7%, Maylaysia 6,5%, Việt Nam đạt gần 6%. Sau khi đạt mức thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD/người/năm, tốc độ tăng trưởng GDP của các nước trên chậm lại, chỉ có Trung Quốc và Hàn Quốc trụ lại ở mức tăng trưởng cao đó thêm một thời gian ngắn, sau đó cũng giảm tốc độ tăng trưởng GDP.

Hiện tăng trưởng GDP của Hàn Quốc còn 4%, Trung Quốc còn 6,5%, Malaysia còn 5% và Thái Lan còn 4%. Riêng Việt Nam vẫn giữ nhịp 6,3-6,4%.


Nguồn: TS. Lê Xuân Nghĩa

Nguồn: TS. Lê Xuân Nghĩa

Tăng GDP tiềm năng lên

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, tăng trưởng GDP của các nước kể trên là GDP tăng thực, cần phải so sánh với GDP tiềm năng. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê và các cơ quan khác, GDP tiềm năng của Việt Nam chỉ 5,8%-6%.

Nếu muốn GDP thực cao hơn GDP tiềm năng cần phải kích thích. Chẳng hạn, một người có khả năng vác nặng được 60kg, nếu bắt anh ta phải vác nặng tới 70kg cách nhanh nhất là dùng doping (chất kích thích).

Vậy, đối với nền kinh tế khi muốn tăng trưởng thực tế cao hơn mức tiềm năng, cách nhanh nhất có thể là: Thứ 1, kích thích bằng “bơm tiền”, tăng cung tiền, mở rộng tín dụng , nhưng hậu quả sẽ làm lạm phát tăng cao. Thứ 2, tăng chi tiêu ngân sách, vay để chi tiêu thì hậu quả là nợ công sẽ tăng lên.

Cái gì cũng có giá của nó! Không phải cứ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao là tốt, mà phải làm thế nào GDP tiềm năng tăng lên. Điều này có nghĩa là tăng khả năng vác nặng của một người từ 60kg lên 70kg bằng chính nội lực người đó, không dùng doping, muốn vậy phải bồi dưỡng sức khỏe.

Đối với nền kinh tế là phát triển công nghệ, tăng năng suất lao động, đào tạo nguồn nhân lực mới tiếp cận được công nghệ 4.0… Cùng với đó, giảm tất cả thủ tục hành chính gây sách nhiễu cho doanh nghiệp… Khi GDP thực tăng dựa trên sự tăng lên của GDP tiềm năng thì rất tuyệt vời.

Năm 2017, nếu GDP thực đạt mức tăng 6,7% là rất tốt, những năm tiếp theo khó đạt mức tăng cao như vậy, GDP tăng quá mức tiềm năng sẽ phải trả giá. Vì nguyên tắc phát triển dài hạn là ngân sách phải cân bằng, nợ công tăng là vay để đầu tư có hiệu quả.

Tại Việt Nam, những dự án lớn, nhà máy được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước lại nằm “đắp chiếu”, như: Thép Đình Vũ, Giấy Đình Vũ, Thép Thái Nguyên, Phân đạm Hà Bắc…

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế trong 6 tháng đầu năm 2017 chỉ còn 33%, cùng kỳ các năm trước đó tỷ lệ này là 50-60%. Điều này cho thấy hoặc là doanh nghiệp trốn thuế (điều này khó), hai là làm ăn thất bại. Lực lượng doanh nghiệp Việt đa số đang yếu về năng lực và kém về công nghệ. Cần phải vực dậy.

"Doping" tín dụng?

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, với hiện trạng nền kinh tế đang thâm dụng vốn, để tăng GDP lên 6,7% thì mức tăng tín dụng 20-22% là vừa phải. Tăng tín dụng lên nghĩa là tăng cung tiền, tiền nhiều hơn thì lãi suất phải giảm. Lúc đó, lãi suất sẽ tự nhiên giảm theo quy luật.

Khi lãi suất giảm phải kích thích doanh nghiệp đầu tư, nhưng bây giờ kích thích doanh nghiệp đầu tư còn khó hơn là kích thích tiêu dùng. Nếu lãi suất cho vay tiêu dùng tụt xuống còn 9%/năm thay vì 11%/năm, người dân sẽ gia tăng vay tiền để chi tiêu làm tăng tổng cầu, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trước mắt.

Trên thế giới, các ngân hàng Châu Âu cho vay tiêu dùng tới 75%/tổng tín dụng, vì tiêu dùng ở những quốc gia phát triển tăng trưởng khủng khiếp, người dân kiếm được tiền dành phần lớn cho chi tiêu, nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc người dân vay tiền mua ô tô, mua nhà, vay cho con cái học hành… là phổ biến.

Trong khi đó, ngân hàng cho vay lĩnh vực công nghiệp ở Châu Âu chỉ 8%, ở Mỹ là 11%, vì ngân hàng chỉ cho doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn (vốn lưu động), muốn kiếm vốn dài hạn doanh nghiệp sẽ tìm trên thị trường chứng khoán.

Tại Việt Nam, nhiều ngân hàng có thế mạnh cho vay tiêu dùng cho biết nếu cho 10 khách hàng vay tiêu dùng, 03 người không trả được nợ ngân hàng vẫn có lãi, 05 người không trả được nợ ngân hàng hòa vốn, vì lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn cho vay sản xuất, kinh doanh rất nhiều.

Còn đối với việc đầu tư cho doanh nghiệp cần một chiến lược bài bản, tổng thể, thực chất và tầm nhìn vượt thời gian để GDP tiềm năng tăng lên. Đó mới là kế sách tăng trưởng hiệu quả lâu dài.

Theo Linh Lan

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên