TS. Nguyễn Đình Cung: “Cần tìm những khu vực tăng trưởng khác để bù đắp thiệt hại của Covid-19”
Theo TS. Cung, cần tìm những khu vực tăng trưởng khác để bù đắp thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra mà việc giải ngân vốn đầu tư công ở những công trình có ý nghĩa tăng cầu trước mắt là một giải pháp.
- 16-02-2020Ước thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng, ngành du lịch tìm kế đối phó virus corona
- 13-02-2020Thủ tướng ra công điện gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu do virus Corona
-
Người dân, DN đóng góp nguồn tài chính cho các quỹ ngoài ngân sách gần như không biết chi tiết việc sử dụng, chi tiêu các quỹ ra sao
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) đang gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Theo ước tính sơ bộ của Cục Hàng không Việt Nam, dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại 25.000 tỷ đồng đối với các hãng hàng không, ngoài ra con số thiệt hại đối với ngành du lịch được dự báo sẽ cao gấp nhiều lần.
Bên cạnh đó, các ngành nghề khác như: Dệt may, da giày, cơ khí, chế biến, chế tạo... cũng gặp khó khăn bởi không có nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất. Tương tự, ngành sản xuất nông sản cũng gặp khó bởi xuất khẩu nông sản ù ứ tại cửa khẩu do dịch bệnh.
Trước tình hình trên, BizLIVE đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Nhìn nhận về những động thái của Chính phủ trước những tác động từ dịch Covid-19 tới nền kinh tế, TS. Cung nhận định, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã đánh giá được tác động của dịch Covid-19 khá sớm đến nền kinh tế và cũng đã bắt đầu lượng hoá được ở mức độ nhất định tác động của nó.
"Một trong những điểm lượng hoá đó là tăng trưởng kinh tế có thể không đạt như mục tiêu đặt ra - 6,8%, tuy nhiên Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng vẫn khẳng định không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 cho thấy sự quyết liệt", TS. Cung chỉ ra.
Theo ông Cung, việc không đạt mục tiêu tăng trưởng nằm trong kịch bản dịch bệnh xảy ra và Chính phủ không có hành động gì để giảm thiểu tác động của nó, còn việc khẳng định không điều chỉnh chỉ tiêu cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ.
Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi nó tạo niềm tin cho thị trường, cho thấy Chính phủ vẫn kiểm soát được tình hình và có những giải pháp để thay thế phần tăng trưởng "mất đi" do dịch bệnh, nguyên Viện trưởng CIEM nhìn nhận.
Đặc biệt là, nếu Việt Nam vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra 6,8% sẽ cho thấy tiềm năng tăng trưởng của chúng ta rất lớn và không bị đứt gãy.
Phân tích về nhận định trên, TS. Cung cho rằng, trong những năm vừa qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất tốt và nếu kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng chỉ sụt giảm nhẹ sẽ là kịch bản khả quan nhất đối với Việt Nam.
Còn trường hợp tăng trưởng kinh tế năm 2020 giảm xuống dưới 5% thì chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian để phục hồi. Vì tác động của dịch bệnh là nhất thời nên bằng mọi cách không nên để tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam bị "đứt gãy", TS Cung nhấn mạnh.
Đồng thời, để đạt được mục tiêu này, TS. Cũng cũng chỉ ra ba nhóm giải pháp để phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.
Nhóm giải pháp thứ nhất mà lâu nay Chính phủ vẫn đang thực hiện đó là trên tổng thể chúng ta vẫn tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, có thể một số chỉ số có sự điều chỉnh nhất định nhưng về tổng thể vẫn giữ ổn định.
Thứ hai là nhóm giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các ngành nghề chịu thiệt hại trực tiếp bởi dịch Covid-19. Giải pháp này nhằm giúp nhóm doanh nghiệp trong các ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 đủ sức "chống chịu" để vượt qua thời kỳ khó khăn.
Khi họ đủ sức vượt qua giai đoạn này thay vì lâm vào cảnh đóng cửa, giải thể thì họ có thể phục hồi nhanh chóng sau khi hết dịch. Điều này cũng giúp duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. "Ở đây không nói đến gói giải pháp kích cầu mà là gói giải pháp hỗ trợ", ông Cung lưu ý.
Hiện tại, Chính phủ cũng đang xây dựng những chính sách cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sản xuất kinh doanh và giải quyết khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp.
Đơn cử như những giải pháp giúp giảm ách tắc hàng hoá tại cửa khẩu, chuyển từ đường bộ sang hình thức vận chuyển khác mà không làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Tương tự, cần tạo điều kiện cho các nhóm lao động quay trở lại làm việc một cách sớm nhất có thể. Về dòng tiền, cần các chính sách như hoãn, giảm lãi suất, giãn nợ trên cơ sở đánh giá thiệt hại của doanh nghiệp đối với dịch Covid-19.
Nhóm giải pháp cuối cùng là kích cầu. Chính phủ cũng cần hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong những biện pháp kích cầu. Cần chia sẻ với doanh nghiệp về chi phí trong việc thực hiện các gói kích cầu đối với ngành du lịch hay các mặt hàng khác, TS. Cung chỉ ra.
Đặc biệt, ông Cung cũng cho rằng: "Cần tìm kiếm những 'khu vực' tăng trưởng khác để bù đắp thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra".
Nhấn mạnh về giải pháp này, TS. Cung chỉ ra rằng, Chính phủ nên tập trung vào giải ngân vốn đầu tư công một cách quyết liệt hơn, nhất quán hơn.
"Cần tập trung giải ngân vào những công trình hạ tầng quan trọng có ý nghĩa tăng cầu trước mắt cho nền kinh tế, đồng thời tạo tiềm năng tăng trưởng cho những năm tiếp theo", TS. Cung chỉ ra.
BizLIVE