MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Đình Cung: Nên có một cơ quan ở trung ương, kiểm soát Trưởng đặc khu kinh tế

Trung ương cần thiết lập ủy ban giám sát chính quyền đặc khu nếu chọn phương án 1 về tổ chức chính quyền địa phương trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có hai phương án tổ chức chính quyền địa phương: Phương án 1, chính quyền đặc khu được xây dựng thành thiết chế Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Phương án 2, tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở đặc khu, gồm có HĐND và UBND.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, ông ủng hộ phương án 1, xây dựng Trưởng Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và không tổ chức HĐND. Tuy nhiên, cần phải tính tới cách kiểm soát quyền lực của người đứng đầu trước khi áp dụng phương án phân cấp, phân quyền tối đa như trên.

“Tôi nghĩ rằng, nên có một cơ quan kiểm soát ở trung ương. Có thể là vụ hoặc Văn phòng Chính phủ thiết lập thêm ủy ban thực hiện giám sát chính quyền đặc khu, bảo đảm ông ấy thực thi đúng quyền hạn mà luật định” – ông Nguyễn Đình Cung nói.

Theo ông Cung, ủy ban này bảo đảm Trưởng đặc khu không lạm dụng quyền lực. Đồng thời, giải pháp này cũng có độ linh hoạt, chủ động, phát huy hết sáng tạo, sáng kiến của trưởng đặc khu.

“Chính quyền địa phương lúc này tôi nghĩ nên ít can dự hơn, tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hơn kiểm tra và kiểm soát. Chính quyền địa phương theo tôi nghĩ là như vậy, không nên là một cơ quan cấp trên của khu hành chính kinh tế đặc biệt” – ông Nguyễn Đình Cung đưa ra ý kiến.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển cũng cho rằng, vấn đề quản lý hành chính ở đặc khu là vấn đề khó khăn nhất. Bài toán cần đặt ra là nếu giao cho một người không qua bầu cử, cũng không tổ chức HĐND, UBND thì làm sao bảo đảm điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, trật tự an ninh xã hội. Trong khi đó, điều kiện kinh doanh thuận lợi mới là điều khiến nhà đầu tư có lòng tin.

“Tôi nghĩ có mấy đặc khu cũng không tạo ra được nhiều động lực tăng trưởng. Ở đây là thử nghiệm những thể chế mới để tự do hóa hơn nữa về kinh tế, tự chủ hơn nữa về quản lý hành chính. Do đó, phải tạo tất cả những điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư vào đây để người ta kinh doanh. Lúc đấy, mới tạo ra được tiền lệ để có lòng tin và từ đó lan tỏa cơ chế, thể chế đó ra ngoài đặc khu kinh tế. Cái tác động của đặc khu kinh tế là như vậy” – ông Lưu Bích Hồ nhận định.

Ông Lưu Bích Hồ mong muốn Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sớm được thông qua và đưa vào triển khai. Về thứ tự thực hiện áp dụng mô hình đặc khu, ông Hồ cho rằng, Phú Quốc nên triển khai trước vì nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Thứ hai là Vân Phong và sau đó triển khai tại Vân Đồn.

“Tôi làm quy hoạch nhiều năm, thấy từ rất lâu và đã có nhiều khảo sát các nước chung quanh. Họ đã làm nhiều năm, gần chúng ta như Trung Quốc đã làm được 30-40 năm nay. Chúng ta cũng chuẩn bị hơn chục năm nay nhưng chưa ra được Luật. Vì thế, quan đểm của tôi là không nên để chậm hơn nữa” – ông Lưu Bích Hồ chia sẻ.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên