TS. Nguyễn Đình Cung: "Soạn ra những quy định tạo rào cản cho doanh nghiệp thì phải cách chức người soạn thảo!"
Chia sẻ tại Tọa đàm “Quyền tự do kinh doanh - Cần xóa bỏ khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn”, TS. Nguyễn Đình Cung, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nói: thay đổi thủ tục hành chính như hiện nay cũng chỉ là vấn đề ngọn, không phải vấn đề gốc.
- 07-08-2020Ban hành Nghị quyết 115: Xây dựng công nghiệp hỗ trợ để "lót ổ đón đại bàng"
- 07-08-2020TripAdvisor: Phú Quốc, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... có tên trong Travelers' Choice Awards 2020
TS. Nguyễn Đình Cung nhận định, năm 1999, chúng ta có một thay đổi căn bản trong Luật doanh nghiệp, "doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì mà luật pháp không cấm". Năm 2014, "doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì mà luật không cấm". Trước đây, thông tư cũng có thể cấm được, nhưng giờ là luật không cấm. Nếu nói về bước tiến thì thực sự có bước tiến rất lớn về quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, việc gặp phải những rào cản, tôi quan sát thấy hàng ngày. Mà không phải chỉ vì vấn đề thực thi luật pháp, tôi cho rằng, xuất phát điểm là tư duy xây dựng luật pháp. Hiện nay, doanh nghiệp được kinh doanh những gì mà luật không cấm. Nhưng, còn hai vế, kinh doanh như thế nào, sản xuất cho ai, bao nhiêu, như thế nào thì gần như chưa được tự do. Chúng ta mới chỉ được tự do lựa chọn kinh doanh "cái gì" thôi. Một dự án đầu tư yêu cầu suất đầu tư phải từng này tiền, quy mô phải chừng này... thì đều là hạn chế quyền tự do kinh doanh" - ông Cung nói.
Theo nguyên Viện trưởng CIEM, chúng ta đang bị hạn chế kinh doanh ở hai câu hỏi: làm thế nào, và làm bao nhiêu.
Chuyên gia Tài chính Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam nói: "Nếu chúng ta vẫn để cơ chế như bây giờ, có những giấy phép chứng nhận đầu tư chúng tôi phải đi xin mất khoảng 3-4 năm. Đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác khoáng sản".
Theo ông Hùng, có rất nhiều rào cản. Trên là cơ quan quản lý nhà nước hoạch định quản lý vĩ mô, nhưng người quản lý vi mô ở bên dưới, sát cùng doanh nghiệp, họ lại có quyền lực của việc thanh tra, kiểm tra và kiểm soát, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
"Đây là điều mà doanh nghiệp rất e ngại. Trong trường hợp có mối quan hệ không tốt thì doanh nghiệp thường xuyên bị thanh tra kiểm tra. Thủ tướng nói là Covid-19 thì không thanh tra, kiểm tra, nhưng chúng tôi tiếp trên 10 đoàn thanh tra, kiểm tra khác nhau rồi" - ông Hùng chia sẻ.
TS. Cung bổ sung thêm, cách thức quản lý nhà nước của chúng ta đang là cách thức quản lý theo lối kiểm soát, bắt buộc người dân và doanh nghiệp làm theo quy định. Nếu chúng ta quản lý và có hàng loạt đợt thanh, kiểm tra như thế, thì những giấy phép, chứng nhận đó đang là công cụ quản lý là nước. Nếu chúng ta cắt bỏ hoàn toàn đi, lúc đó lại tạo ra áp lực để người ta tìm kiếm công cụ mới. Nếu như chỉ thay đổi thủ tục hành chính như hiện nay cũng chỉ là vấn đề ngọn, không phải vấn đề gốc. Mà phải thay đổi nội dung của Luật, chứ không phải thủ tục.
"Chúng ta vẫn hớt ngọn thế này thì vài bữa nó [rào cản - PV] lại mọc lại" - ông Cung khẳng định.
Theo ông Hùng, tư duy là cần phải sát cánh với doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là một người bạn, chứ không phải là mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và thành phần kinh tế. Thì lúc đó, luật sẽ rất tiệm cận với hoạt động đời thường của doanh nghiệp. Còn việc xây dựng và hoạch định về luật, hay về chính sách quản lý nhà nước nên có thay đổi. Xây dựng luật nên chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang cơ chế hậu kiểm. Coi trọng thành phần chủ thể hưởng thụ luật hơn để họ đóng góp ý kiến.
Ông Cung đề xuất, giải pháp trước mắt là vẫn tiếp tục như hiện nay, cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ thủ tục kinh doanh, thu hẹp danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Giải pháp điều hành sẽ là: bộ nào, ai soạn ra những quy định tạo rào cản cho doanh nghiệp thì phải cách chức người soạn thảo. Vì có nhiều thông tư, nghị định, không có vấn đề thì tạo vấn đề cho doanh nghiệp, vấn đề nhỏ thì tạo ra vấn đề lớn, chứ không phải giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp. Đồng hành cùng doanh nghiệp, chứ không phải coi doanh nghiệp là đối tượng để quản lý, đối tượng ngăn chặn kinh doanh, đối tượng để trục lợi cá nhân.
"Sau đó, chúng ta mới bắt đầu tính đến chuyện dài hạn hơn. Thay đổi được căn bản trước mắt thì sẽ thay đổi được dài hạn. Tập trung áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đừng cấm những gì mới. Nếu chúng ta không thay đổi tư duy, thì những thứ mới xuất hiện là có xu hướng không cho họ làm, vì không có quy định. Những người lãnh đạo cấp cao phải có sự thay đổi căn bản về tư duy trong cách thức quản lý thì mới có thể triển khai được" - ông Cung kết luận.