MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Trần Đình Thiên: “Chúng ta toàn tháo gỡ, mà tháo gỡ thì chẳng giải quyết được gì”

“Tình hình môi trường kinh doanh ngày càng dở đi, chẳng cải thiện được bao nhiêu. Chúng ta hò hét, báo chí cũng nói rất nhiều, thỉnh thoảng lại 'mị dân' một vài câu, nhưng chẳng giải quyết được gì. Cứ vướng đâu gỡ đó thì không thể thay đổi toàn bộ cơ chế. Cách gỡ này chỉ giữ cho bộ máy tồn tại thôi, đến lúc nào đó sẽ bổ nhào"

PGS.TS Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
83 bài viết

Ông Trần Đình Thiên đã phát biểu như thế trong tọa đàm "Các giải pháp về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế" tại TP.HCM sáng 3/6/2016.

“Đầu tiên tôi muốn nói là cách tiếp cận của chính phủ. Cứ sửa sang lặt vặt thế này chẳng giải quyết được gì. Phải thay đổi toàn bộ hệ thống tiếp cận, thực sự đổi mới mô hình tăng trưởng đi chứ không phải tháo gỡ. Chính phủ đã yếu, thuế má chẳng được bao nhiêu, thu phí rất nhiều chỉ làm cho doanh nghiệp yếu đi. Cách làm chính sách, chương trình phát triển quốc gia phải thay đổi.

Chính phủ phải xác định rõ ràng trong chương trình năm nay phải có những việc chính gì? Ai không làm được phải ra đi. Cách tư duy của chúng ta dàn trải, manh mún, mỗi người 'chấm mút' một tí, chẳng giải quyết được gì. Ngược lại, về phía doanh nghiệp cũng thế, phải tạo áp lực buộc chính phủ thay đổi chứ không tư duy theo kiểu 'xin-cho', đừng kể lể từng chính sách để tháo gỡ sẽ chẳng bao giờ lớn lên được”. Ông Thiên nói.

Cũng theo ông Trần Đình Thiên, chúng ta đã ký toàn những hiệp định "oách nhất" thế giới, với hy vọng tin vào những phân tích cơ hội mang về cho Việt Nam rất lớn. Nhưng thực tế thách thức quá lớn mà ta chưa vượt lên được, mà cơ hội thì chưa hề tận dụng được, doanh nghiệp đã yếu càng yếu đi rất nhiều. Vậy ta phải đặt lại câu hỏi mang hội nhập về làm gì? Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi tại sao Việt Nam làm không được? Chúng ta không kỳ thị doanh nghiệp FDI, nhưng tại sao chúng ta không tạo ra những cơ chế chính sách cho doanh nghiệp trong nước được hưởng nhiều hơn? Phải đặt vấn đề rất nghiêm túc, làm thế nào cho doanh nghiệp Việt Nam vượt lên được là trọng tâm của chính phủ trong thời gian tới, nếu không chúng ta sẽ không tiến được đâu

Đánh giá về những chuyển động của chính phủ, ông Trần Đình Thiên cũng đưa ra những tín hiệu về tầm nhìn mới của Đảng và chính phủ.

Ông Thiên cho rằng tín hiệu đáng mừng nhất là Đảng đã coi khu vực tư nhân là động lực quan trọng. Gần đây, những chuyển động như chính phủ đưa ra những tuyên bố hướng đến doanh nghiệp tư nhân, tháo gỡ cho doanh nghiệp tư nhân, với những tuyên ngôn rất rõ ràng, thể hiện nhận thức đối xử với doanh nghiệp tư nhân không thể như trước đây. Từ cơ sở đó đi đến tuyên ngôn then chốt không hình sự hóa các vụ án kinh tế, thuế phí giảm đi.

Việc đặt vấn đề khởi nghiệp hàm ý gắn với đổi mới sáng tạo, gắn với chương trình hành động quốc gia có tính cổ động cao hơn nhiều. TP.HCM đang quyết tâm trở thành thành phố khởi nghiệp, nếu TP.HCM bay lên được thì đất nước này sẽ bay lên được. "Muốn thế, khái niệm 'thành phố khởi nghiệp' phải đẩy lên một nội hàm mới, buộc thành phố có những giải pháp mới khác hẳn xưa. Đó là cách đặt vấn đề của tôi. Hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ là cách thiết thực nhất để biến TP.HCM là thành phố khởi nghiệp", ông Thiên chia sẻ.

Việc Đảng nhận thức ra vai trò của doanh nghiệp chính là vì tình hình thực tiễn buộc phải nghĩ khác, nếu không nghĩ khác là đất nước này chết, doanh nghiệp chết, ngân sách chết. Đây là thời cơ rất lớn để chúng ta đề xuất đổi mới chính sách. Trong nước thì yếu, nhưng áp lực đổi mới chính sách rất lớn. Thách thức lớn nhất với Việt Nam là hàng rào kỹ thuật chứ không phải hàng rào thuế quan. Tình hình kinh tế thế giới và khu vực đang có những chuyển biến đặc biệt gây khó khăn cho Việt Nam, những va chấn rất mạnh từ các cường quốc sẽ tác động mạnh đến Việt Nam. Khi Trung Quốc thay đổi mô hình tăng trưởng để giữ đồng nhân dân tệ gây tổn thất rất lớn cho nền kinh tế của họ. Hàng hóa, vốn liếng, lao động của chúng ta chẳng có gì để bảo vệ, phải nhìn thấy áp lực từ bên ngoài, nếu cơn bão quét qua chúng ta sẽ đổ nhào.

Bàn về chính sách cho doanh nghiệp, theo TS. Trần Đình Thiên, có hai tuyến để thảo luận. Những giải pháp tháo gỡ vẫn phải làm để doanh nghiệp có niềm tin. Nhưng vế thứ hai phải chú ý tập trung những giải pháp tái cơ cấu để thay đổi nguồn lực kinh tế tập trung vào doanh nghiệp tư nhân. "Rất mừng cả Thủ Tướng và các Bộ trưởng đều thấy chi phí về vốn của doanh nghiệp quá lớn, doanh nghiệp Việt Nam chịu thế nào được? Đã yếu rồi, chi phí về vốn quá nặng, nhưng vẫn chưa hạ được lãi suất xuống, chi phí liên quan đến giao thông vận tải quá nhiều. Chính phủ đang ráo riết công khai minh bạch các dự án BOT để hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Đó là chương trình của năm nay và những năm tới. Tôi tin tình thế đang bắt buộc để chúng ta phải có những hành động mạnh mẽ".

Có những cái khó dài hạn, trung hạn. Mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp? Chúng ta chưa tính đến cái khó lớn này. Hạn mặn không thể tư duy theo kiểu “ơn trời” được. Những giải pháp cơ bản cho chuyển dịch cơ cấu như thế nào vẫn chưa rõ ràng, đừng vội thở phào khi mưa đã tới. Tập trung toàn lực cho doanh nghiệp tư nhân phải đúng hướng mới tạo được sức bật cho doanh nghiệp. "Tôi xin nhắc lại một lần nữa, nếu doanh nghiệp TP.HCM bật lên được thì đất nước sẽ bật lên được, vì đây là trung tâm của kinh tế đất nước", ông Thiên khẳng định.

Theo Kim Yến

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên