TS. Võ Trí Thành: NHNN đang đi đúng hướng
Theo TS. Võ Trí Thành, kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua của NHNN chính là việc kết hợp thực thi CSTT có chủ đích lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm trọng tâm, nhưng cũng đủ linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng, và phối hợp tốt hơn với các chính sách khác như chính sách tài khóa.
- 18-05-2017Fitch nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực, cảnh báo về nợ xấu
- 18-05-2017Nợ xấu ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp, tỷ lệ cao lại rơi vào doanh nghiệp lớn
- 17-05-2017Vì sao lãi suất ở Việt Nam lại cao hơn so với các nước khu vực?
-
Nhiều khả năng tổng mức giảm giá của VND so với USD trong cả năm nay chỉ khoảng 2%
-
Việc yêu cầu báo cáo với những giao dịch có giá trị lớn sẽ giúp cơ quan Nhà nước dễ kiểm soát những giao dịch có dấu hiệu đột biến, bất thường và cũng nhằm khiến những hành vi phạm pháp sớm bị ngăn chặn từ trước khi diễn ra
Ngày 18/5/2017, bên lề Cuộc họp quan chức cấp cao APEC (SOM 2) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS.Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế về những nỗ lực của Chính Phủ và NHNN trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng.
PV: Gần đây Moody’s đã nâng triển vọng kinh tế Việt Nam và định mức tín nhiệm 8 ngân hàng thương mại từ ổn định lên tích cực, ông có đánh giá gì về kết quả này?
TS. Võ Trí Thành: Vào tháng 4/2017, Moody - một tổ chức định mức tín nhiệm có uy tín trên thế giới, đã công bố xếp hạng tín nhiệm mới cho các ngân hàng thương mại Việt Nam. Một điểm nhấn là có 8 ngân hàng thương mại (NHTM), bao gồm 3 NHTM nhà nước và 5 ngân hàng cổ phần được nâng hạng từ mức ổn định lên mức tích cực B1.
Có thể nói đây là kết quả có ý nghĩa tích cực với hệ thống tài chính và NHTM Việt Nam.Và nền tảng cơ bản ở đây là việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này cho thấy ý nghĩa của cam kết và của chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chính sách tiền tệ (CSTT) giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Cũng với đó cũng phản ánh quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, dù còn đối mặt với không ít thách thức, đã thu được kết quả bước đầu.
Việc nâng hạng tín nhiệm đem lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp. Đối với nền kinh tế, kết quả này ít nhiều cùng cố thêm lòng tin của thị trường vào hướng đi thích hợp của CSTT và trong nỗ lực cải cách hệ thống ngân hàng. Đến lượt mình, chính niềm tin thị trường hỗ trợ cho việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, các NHTM được nâng hạng có thêm điều kiện huy động vốn, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý hơn, với mức lãi suất thấp hơn.
Khi bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến động, nhiều lo ngại rằng sẽ có không ít áp lực đối với việc điều hành CSTT. Còn quan điểm của ông thì sao?
Có thể nói, công bố của Moody là tích cực và đặc biệt lại đạt được trong bối cảnh rất phức tạp, áp lực bên trong và bên ngoài đối với việc điều hành CSTT đều rất lớn, liên quan cả đến lãi suất, tỷ giá và hoạt động của các NHTM. Trong khi đó, NHNN lại phải thực hiện đồng thời 3 mục tiêu: đủ linh hoạt vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ có ý nghĩa cho sản xuất kinh doanh, tăng trưởng, đồng thời lại phải đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Làm được như vậy trong thời điểm này càng cho thấy sự kiên định của Chính Phủ và NHNN trong cam kết ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là từ năm 2011 cũng như những thách thức mà Chính phủ, NHNN phải xử lý.
Có thể nói, NHNN đã nắm bắt tương đối sát sự vận động của nền kinh tế cùng sự tương tác với bên ngoài, cả qua thương mại, đầu tư, dịch chuyển vốn, và cả những thay đổi trái chiều trong thực thi CSTT của các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và nhiều nước có quan hệ kinh tế sâu rộng với Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Qua đó, NHNN có thể ứng xử một cách linh hoạt hơn đáp ứng những yêu cầu đối với CSTT và thực thi chương trình tái cấu trúc ngân hàng.
Kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua của NHNN chính là việc kết hợp thực thi CSTT có chủ đích lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm trọng tâm, nhưng cũng đủ linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng, và phối hợp tốt hơn với các chính sách khác như chính sách tài khóa. Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tránh được “sốc”, tiếp tục hoạt động tương đối bình thường trong quan hệ ngân hàng – doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp khi tham dự hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 17/5 tiếp tục kiến nghị giảm mức lãi suất cho vay thấp hơn nữa, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Doang nghiệp luôn có mong muốn được hưởng mức lãi suất thấp, nhất là trong bối cảnh các chi phí còn cao, cạnh tranh gay gắt và vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh phụ thuộc lớn và ngân hàng, thì cũng là điều rất thích đáng.
Song cũng phải nói thật và rõ rằng, một điều quan trọng nhất để lãi suất có thể thấp là kinh tế vĩ mô phải ổn định và lạm phát phải ở mức thấp. Nếu kỳ vọng lạm phát còn cao và niềm tin vào khả năng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô yếu thì rất khó, nếu không nói là không thể, đạt được điều đó. Kinh nghiệm ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đều cho thấy như vậy.
Như Myanmar, hiện lãi suất cho vay khoảng13%/năm (do hiện có không ít chiều cạnh không tốt trong kinh tế vĩ mô, lạm phát hai con số), Indonesia là 11,9%/năm (do thâm hụt ngân sách và dông nội tệ mất giá mạnh), Thái Lan là 6,3%/năm, Singapore là 5,4%/năm.
Một số nước phát triển (như Nhật Bản) có lãi suất cho vay thấp là vì: (i) Lạm phát ở mức rất thấp, kinh tế vĩ mô ổn định; (ii) Khả năng dự báo và hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cao; (iii) Hoạt động SXKD của doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Cùng với ổn định kinh tế vĩ mô, neo kỳ vọng lạm phát dưới 4-5%, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm khá nhiều, chỉ bằng 40% mức cuối năm 2011 thì mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3-4% là ở mức chấp nhận được trong tương quan với kinh tế vĩ mô.
Từ năm 2016, kỳ vọng lạm phát có xu hướng tăng, mục tiêu phục hồi tăng trưởng và phát hành trái phiếu Chính phủ tiếp tục ở mức cao tạo áp lực đến cầu vốn tín dụng. Các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế, như cân đối ngân sách, thiếu bền vững, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa nói tới việc thị trường cổ phiếu và trái phiếu chưa đủ phát triển, vốn đầu tư cho phát triển kinh tế phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng. Các yếu tố này đều ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay của TCTD. Tuy vậy, điều hành CSTT của NHNN cũng tạo ít nhiều dư địa để một số NHTM giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Lưu ý là một nguồn vốn lớn vẫn chưa được khơi thông do đang nằm ở các khoản nợ xấu và các tài sản bảo đảm chưa được xử lý. Chính phủ đang trình Quốc hội để sớm có Nghị quyết về xử lý nợ xấu, tạo điều kiện mở rộng cho vay phát triển sản xuất kinh doanh với chi phí rẻ hơn.
Ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ là nền tảng giúp tăng cường sức khỏe của hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính nói chung, hạ lãi suất, mà còn còn hạn chế đầu cơ, nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, và đó chính là một mục tiêu quan trọng nhất của nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế.
Theo ông những thách thức trong điều hành CSTT trong thời gian tới là gì?
Mức xếp hạng tích cực B1 cho 8 NHTM là một bước tiến đáng ghi nhận. thế nhưng cũng phải nói rằng, còn nhiều NHTM chưa được nâng mưc tín nhiệm, vẫn ở mức ổn định, thậm chí còn có NHTM ở mức tiêu cực. Điều đó nói lên thách thức với Việt Nam, với NHNN, với các NHTM còn rất lớn. Chúng ta hiểu và đang nỗ lực, quyết tâm có cách thức xử lý khoa học, quyết liệt những vấn đề đang phải đối mặt.
Một là chúng ta phải tiếp tục kiên định cam kết và thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, với đòi hỏi thực tế hiện nay, thì CSTT, cải cách ngân hàng vẫn cần đáp ứng quá trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ có ý nghĩa hoạt động sản xuất kinh doanh. Cách làm vừa qua của NHNN đã đi đúng hướng, lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm chốt, cùng nắm bắt thời điểm với đầy đủ thông tin về kinh tế trong và ngoài nước, để có mức độ linh hoạt ví dụ đối với cung tiền, đối với lãi suất, tỷ giá để giữ được ổn định, tránh những cú “sốc” không mong muốn, đồng thời hỗ trợ cho tăng trưởng. Cùng với đó là sự phối hợp cần nhuần nhuyễn hơn với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tài khóa.
Hai là cần tiếp tục nỗ lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng với các chiều cạnh quan trọng nhất. Đó là: tăng cường khả năng giám sát của NHNN và các cơ quan giám sát tài chính khác cùng với sự minh bạch, có giải trình đối với thị trường và công chúng, thông qua những cách thức truyền thông kịp thời và đa dạng với tiếng nói của người lãnh đạo; xử lý triệt để, thực chất nợ xấu; và xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém. Cùng với đó là tăng cường “sự lành mạnh” của hệ thống ngân hàng bằng việc yêu cầu đáp ứng tốt và nhanh hơn những chuẩn mực, thông lệ quốc tế về quản trị (như Basel II và cũng phải bắt đầu tính đến cả những khía cạnh của Basel III), thông quá quá trình cổ phần hóa, mua bán & sáp nhập để thu hút các nhà đầu tư chiến lược thức sự có ưu thế về vốn, kỹ năng quản trị, công nghệ.
Những đòi hỏi trên sẽ khó hiện thực hóa tốt nếu thiếu sự phối hợp kịp thời, thông suốt đối với các Bộ Ngành trong đó đặc biệt có Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường...
Như tôi đã nói, chúng ta thấy được thách thức, chúng ta hiểu vấn đề và chúng ta đã làm, đã cải cách và bước đầu có những kết quả đáng ghi nhận nhất định. Tuy nhiên câu chuyện này còn phải tiếp tục trong trung và dài hạn, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động hết sức nhanh chóng, với nhiều xu thế mới, đòi hỏi NHNN phải thích ứng và xử lý thấu đáo, như sự phát triển vượt bậc về công nghệ, những thay đổi về chất trong cách thức sản xuất kinh doanh, giao dịch tài chính và tiền điện tử, sự nổi lên của tầng lớp trung lưu,... Đó là chưa nói tới sớm hay muộn chúng ta dần phải làm (một cách khéo léo và có lộ trình) việc mở cửa tài khoản vốn trong cán cân thanh toán quốc tế và tự do hóa tài chính hơn nữa.