MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Võ Trí Thành: "Trong cái khó vẫn có điểm sáng, và điểm khó đã bớt khó"

Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (nguyên Phó Viện trưởng CIEM) nhận định, mặc dù kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng nhất định còn một vấn đề lớn vẫn đang tồn tại, là niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.

TS Võ Trí Thành:

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (nguyên Phó Viện trưởng CIEM). Ảnh: Việt Hùng

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam bởi quốc gia sẽ bước vào giai đoạn nước rút cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Phát biểu tại Hội thảo "Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024" do CafeF tổ chức mới đây, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (nguyên Phó Viện trưởng CIEM) nhận định, đây là giai đoạn vô cùng thú vị, nguy hiểm nhất sau chiến tranh, giai đoạn nói nhiều nhất về thay đổi thách thức phát triển, bền vững, bao trùm, sáng tạo.

"Một bên là trở ngại và một bên là cơ hội chưa từng có trong lịch sử, trước khủng hoảng nghĩ tới vượt qua giờ thì nghĩ thế nào về thử thách. Đây là giai đoạn cần nắm bắt cơ hội để vượt qua và bứt quá, thể hiện khó khăn và trở ngại.", ông Thành cho hay.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh đánh giá, kinh tế thế giới vẫn còn phải đối mặt với khó khăn, tăng trưởng vẫn chưa đạt được mức trung bình trong nhiều năm qua mặc dù dự báo đã có thay đổi nhưng vấn thấp hơn.

Trong cái khó vẫn có điểm sáng, và điểm khó đã bớt khó

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, theo ông Thành, kinh tế Việt Nam nói riêng vẫn có những điểm sáng nhất định.

Thứ nhất, nguy cơ suy thoái của các đối tác thương mại tài chính đầu tư lớn nhất của Việt Nam thấp, thậm chí có nơi còn thấp hơn, lạm phát giảm nhanh nên áp lực lên chính sách tiền tệ sẽ giảm. Bên cạnh đó, xu thế về kinh tế số, xanh, công nghệ đang rất mạnh mẽ.

"Việt Nam cũng như các nhà đầu tư đều thuộc nhóm lớn của Việt Nam được hưởng lợi lớn nhất vì sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, đây là điều chưa từng có", ông Thành đánh giá.

Từ năm 2022 đến nay, kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đầu tiên, thị trường tài chính, tiền tệ đã có chuyển biến tốt hơn. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam đứng trước những áp lực vô cùng lớn về tỷ giá, lãi suất, lạm phát, thanh khoản cùng sang chấn của thị trường tài chính.

"Giai đoạn này đã qua mặc dù nợ xấu còn đó nhưng thanh khoán đã tốt trở lại", ông Thành nhận định.

Sang năm 2023 và cho đến nay, tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, áp lực về tỷ giá, lãi suất cơ bản giảm đáng kể, tạo dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành và sẽ giữ nguyên trong 6 tháng đầu năm 2024. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có chuyển biến ổn hơn dù chưa được như kỳ vọng. Tỷ giá có nhảy tốt nhưng vẫn ổn, mất giá của VND quanh mức 3% trở xuống (mức thấp).

Đáng chú ý, lĩnh vực xuất khẩu tăng rất mạnh, từ mức tăng trưởng âm rất lớn (-11,9% quí I/2023) chỉ còn -4,4% cho cả năm 2023; đặc biệt trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng tới 19,2% so cùng kỳ.

Bên cạnh xuất khẩu, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo quay trở lại là động lực tăng trưởng, từ mức tăng trưởng -0,4% quí I/2023 lên 3,6% cả năm 2023; riêng 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,9%.

Một chỉ số nữa cho thấy tín hiệu tích cực của sản xuất công nghiệp là PMI. Gần như tất cả tháng năm 2023 (trừ tháng 2 và tháng 8), PMI đều thấp hơn 50, nhưng 2 tháng đầu năm 2024 đã vượt 50.

Bên cạnh yếu tố sản xuất - xuất khẩu, đầu tư nước ngoài FDI và đầu tư công cũng đã có thành tích đáng chú ý. Cụ thể, tiếp tục đà tăng từ nửa cuối năm 2023, cả mức cam kết và giải ngân FDI tăng rất mạnh trong 2 tháng đầu năm. Cam kết và thực hiện FDI năm 2023 là 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% và 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%; các con số tương ứng 2 tháng đầu năm 2024 là 4,3 tỷ USD, tăng 38,6% và 2,8 tỷ USD, tăng 9,8%.

"Giải ngân FDI 2 tháng đầu năm gần 10%, con số chưa từng có", ông Thành phát biểu.

Còn về đầu tư công, năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt mức nhiều người vào đầu năm không tin, đạt 676.000 tỷ VNĐ, bằng 95% kế hoạch, cao hơn 146.000 tỷ VNĐ so năm 2022. Sang 2024, giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ ngay từ những tháng đầu năm.

TS Võ Trí Thành:

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, theo ông Thành, kinh tế Việt Nam nói riêng vẫn có những điểm sáng nhất định. Ảnh: Việt Hùng

Niềm tin thị trường và tiêu dùng là yếu tố còn quan ngại

Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành lưu ý, còn một vấn đề lớn vẫn đang tồn tại, là niềm tin của thị trường và nhà đầu tư. Trong năm 2023, đầu tư tư nhân chững lại, con số thống kê danh nghĩa có tăng chút, nhưng khi loại trừ yếu tố giá thì thực chất là giảm ít nhiều.

Không chỉ vậy, theo dữ liệu thống kê, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 2/2024 vẫn ở mức âm (-1,1%). Hơn nữa, thị trường bất động sản có "nhích" (giao dịch và thanh khoản) nhưng nhìn chung chưa phục hồi rõ.

Đặc biệt, một động lực để duy trì đà tăng trưởng là tiêu dùng có mức tăng thực ngày càng giảm. Cả năm 2023, tổng mức bán lẻ tăng 7,1%, giảm đáng kể so với mức tăng 10,4 quí I/2023; con số này 2 tháng đầu năm 2024 còn khoảng 5,0%. Lưu ý là mức tiêu dùng từ năm 2023 còn được hỗ trợ phần nào bởi du khách nước ngoài vào Việt Nam tăng khá mạnh.

"Vấn đề nằm ở BĐS, nỗ lực lớn nhưng chưa hồi phục. Tiêu dùng có vẻ chững lại, đầu tư tư nhân, vay tín dụng còn có dấu hiệu quan ngại.", ông Thành cho hay.

Tóm lại, bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng, những điểm khó có xu hướng chuyển biến tích cực hơn, nhưng niềm tin thị trường và phần nào tiêu dùng là yếu tố còn quan ngại.

Trước những tình hình kể trên, theo TS Võ Trí Thành, về chính sách, giữ ổn định kinh tế vi mô, hoạt động ổn định của thị trường tài chính, vốn, NHTM. Kích cầu về tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư (FDI, tư nhân, công). Tiếp tục chính sách tài khóa, tiền tệ hoãn nợ, giảm thuế phí… để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực mới để Việt Nam bắt nhịp với tăng trưởng thế giới.

BĐS, kinh doanh nhà ở… cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng số cả cứng cả mềm và quy hoạch 63 tỉnh, thành sẽ xong cùng cơ chế đặc thù và một số cơ chế đặc thù như TPHCM và Đà Nẵng.

Đối ngoại và mở cửa đang có cơ hội chưa từng có về đón nhận dòng đầu tư vô cùng chất lượng không chỉ về tiền mà còn có công nghệ, xanh, nhân lực.

Trong giai đoạn này, dù doanh nghiệp hay nhà đầu tư, nhà điều hành chính sách, phải có công cụ phòng thủ và biết nhặt nhạnh cơ hội để vượt khó, không đc quên nắm bắt xu thế số, xanh.

"Chuyển biến về hành động, đừng quá bi quan, mà hãy nắm bắt cơ hội để vượt thách thức, từ đó giúp doanh nghiệp mình, giúp đất nước", TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Hội thảo "Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024" do CafeF thuộc Công ty Cổ phần VCCORP tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế đầu ngành và doanh nghiệp dẫn đầu các lĩnh vực công nghệ, tài chính, chứng khoán, bất động sản, sản xuất, tiêu dùng, năng lượng, xuất nhập khẩu như Ngân hàng Techcombank, ACB, HSBC, CTCK Pinetree, Dragon Capital, Rapido, Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu AIG, Viettel Post,…

- Thời gian: 8h00-11h30 ngày 26/03/2024.

- Địa điểm: Khách sạn Sheraton, 11 Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội.

- Điều hành Diễn đàn Hội thảo: TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia.

Hoàng Nguyễn

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên