TS. Vũ Đình Ánh: Người dân khó có thể mua nhà ở xã hội dù được vay với lãi suất 0%
Theo TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế, với chính sách nhà ở xã hội hiện nay, người dân nếu thuộc diện được mua cũng khó có thể mua được nhà ở xã hội dù được vay vốn với lãi suất 0% do thu nhập của họ chỉ đang đủ sống.
Theo ông Ánh, vấn đề bất cập liên quan đến chính sách tín dụng cho nhà ở xã hội hiện nay không phải nằm ở lãi suất cao hay thấp mà là bất hợp lý trong việc xây dựng chính sách về nhà ở xã hội nói chung.
TS. Vũ Đình Ánh nhận định nếu người mua nhà ở xã hội đáp ứng đúng điều kiện được mua nhà hiện nay thì họ có thể không thể mua được kể cả cho vay với lãi suất 0% vì thu nhập của họ chỉ đủ sống (thậm chí ko đủ sống) nên không thể trả gốc chứ đừng nói trả lãi 6-7%/năm.
Theo đó, ông Ánh cho rằng, với thu nhập thấp như vậy lại trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao kéo chi phí cuộc sống từ học phí, điện, nước, xăng dầu,… đến dịch vụ y tế đều tăng cao hiện nay thì bài toán nhà ở cho những người đang thuộc diện được mua nhà ở xã hội hiện nay chỉ có thể là thuê nhà và nhà nước nên hỗ trợ họ thuê nhà giá rẻ chứ không phải bán nhà giá rẻ cho họ.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Ánh, dưới góc độ các doanh nghiệp, Nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội có nguy cơ sẽ phải vi phạm khi duyệt bán nhà sai đối tượng vì họ không thể bán nhà cho đúng đối tượng được do những người đúng đối tượng thì phần lớn vốn đã không đủ điều kiện để mua.
Do đó, ông Ánh đề suất chương trình nhà ở xã hội hiện nay cần thay đổi theo hướng nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp về đất và vốn để xây dựng dự án đồng thời hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp để họ có thể thuê nhà xã hội với giá thuê phù hợp. Khoản hỗ trợ này ko hoàn lại chứ không phải cho vay dù là vay ưu đãi.
Loay hoay tín dụng cho nhà ở xã hội
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương đã liên tục có những động thái thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là tập trung thực hiện mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2025.
Tuy nhiên, một trong những nút thắt lớn nhất là tín dụng, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đến nay đã có đã có 28 tỉnh công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện mới có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng.
Người đứng đầu ngành Xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện vẫn còn khá nhiều vướng mắc trong triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội như: Nhiều địa phương chậm triển khai theo kế hoạch, thậm chí có nơi chưa có dự án được khởi công mới; Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; Vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi…
Mới đây, tại tại Hội nghị triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, khi nói về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã đánh giá, vấn đề tiền đâu để làm hết sức quan trọng. Hiện nay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân “vô cùng chậm, nằm im tại chỗ”.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng khẳng định, đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội là chính sách nhân văn, thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội ta là chăm lo cho người dân và hiện thực hoá chế định Hiến pháp mọi công dân đều có quyền về nhà ở.
“Chính sách 1 triệu căn nhà xã hội chỉ là thí điểm ban đầu, vì vậy cần phải xử lý được các tồn tại, vướng mắc để hình thành một cơ chế, chính sách căn cơ, toàn diện để phục vụ cho nhiệm vụ lớn sau này là đảm bảo quyền tiếp cận nhà ở cho mọi người dân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau Hội nghị về đề án về 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vừa diễn ra, các chuyên gia kỳ vọng vấn đề tài chính cho loại hình nhà ở này sẽ sớm có chuyển biến tích cực khi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh “Tôi đồng tình có nguồn tài chính ổn định, nhà nước đóng vai trò chủ đạo, các doanh nghiệp cũng sẽ tham gia vào đây. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chỉ là khởi đầu, chúng ta cần phải có ngân sách, nguồn tài khoá bù vào gói ưu đãi,...”.
Nhịp Sống Thị Trường