MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS.Huỳnh Thế Du: Một số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn nhanh hơn cả chaebol Hàn Quốc

Kinh tế tư nhân được TS. Huỳnh Thế Du, ĐH Fulbright nhận định là trụ cột quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng của quốc gia. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng bộ phận này cũng là nguyên nhân gây ra những cuộc khủng hoảng kinh tế trong thế giới hiện đại.

TS. Huỳnh Thế Du
TS. Huỳnh Thế Du
Giảng viên Chính sách công Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright
28 bài viết

TS. Huỳnh Thế Du đã có phần tham luận ngắn tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên – năm 2019 với chủ đề "Bứt phá từ những động lực tăng trưởng", sáng 12/3.

Theo vị chuyên gia này, kinh tế tư nhân đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế.

"Trong lịch sử thế giới, các nước phát triển đều có trụ cột là kinh tế tư nhân. Nói tóm lại, tôi chưa thấy quốc gia nào trở nên thịnh vượng nếu kinh tế tư nhân không phát triển được", ông Du cho biết.

Tuy nhiên, như hai mặt của đồng xu, kinh tế tư nhân vừa đóng vai trò là "người hùng" nhưng cũng đồng thời có thể trở thành "kẻ tội đồ". Bởi thành tố này cũng gây ra những trục trặc – cụ thể là những cuộc khủng hoảng về kinh tế. "Nguyên nhân do các doanh nghiệp chạy theo mục tiêu ngắn hạn của mình, gây ra sự đổ vỡ", vị chuyên gia lý giải.

Kinh tế tư nhân cũng đồng thời gây ra những quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm, tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế.

Tại Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân chỉ trong thời gian gần đây mới được xem xét và đặt đúng vào vai trò, vị trí của nó.

Dẫn ra các con số, TS. Huỳnh Thế Du cho biết trong cơ cấu GDP Việt Nam từ năm 2005 đến nay, kinh tế tư nhân (doanh nghiệp chính thức, không tính kinh tế hộ gia đình, cá thể) chỉ chiếm khoảng 10%.

"Bộ phận làm ăn tốt nhất ở Việt Nam hơn 10 năm qua là các doanh nghiệp FDI, điều này không vui chút nào, khu vực tư nhân đang rất khiêm tốn", ông nói.

Theo ông, có hai vấn đề khiến cho khu vực kinh tế tư nhân khó phát triển. Thứ nhất là trong suốt một thời gian dài, đây là khu vực nhận được ít sự ưu tiên, ưu đãi nhất. Thứ hai, các chính sách cho kinh tế tư nhân – ông nhận xét có một số "như thêm dầu vào lửa", khiến doanh nghiệp có tâm lý đầu cơ, kinh doanh ngắn hạn nhiều hơn là dài hạn.

"Quan sát kinh tế tư nhân trong 4 thập niên, tôi nhận ra có một số điểm thú vị", ông nói.

Cụ thể, nếu như cuối những năm 1970, tư nhân không được phép làm thì đến cuối 1980, kinh tế tư nhân lại được tự do phát triển quá mức dẫn đến việc dù có tiến triển đáng kể nhưng cũng tạo khủng hoảng các hợp tác xã tín dụng. Sang đến cuối 1990, nền kinh tế thu về một kết quả hỗn hợp tuy nhiên, một số doanh nghiệp tư nhân lớn đi đầu cơ tài sản, dẫn đến các vấn đề bất ổn cho nền kinh tế. Và cuối năm 2000, câu chuyện trở nên phức tạp hơn, đồng thời, xuất hiện thêm vấn đề lợi ích nhóm từ khu vực kinh tế tư nhân.  

"Như vậy, từ Đổi mới đến nay, kết quả của kinh tế Việt Nam có vai trò lớn của kinh tế tư nhân, nhưng đằng sau đó, một số doanh nghiệp đã đầu cơ tài sản bằng tiền của chung, đặc biệt là lấy tiền ngân hàng...", ông cho biết.

Đối với năm 2019, ông Du cho rằng đã đến lúc khép lại vai trò của DNNN, mà như ông nhận xét là "gần như không có vai trò gì nhiều trừ một số ít có năng lực cạnh tranh" cũng như doanh nghiệp FDI – vốn nhìn ngắn hạn, sẵn sàng di chuyển đến nơi có lợi nhuận cao hơn. Thay vào đó, tiềm năng tương lai của Việt Nam cần  là kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, ông cũng đặc biệt lưu ý những rủi ro rất lớn có thể có từ động lực này. Theo ông, đó là những doanh nghiệp lớn bất thường, nhanh hơn cả chaebol Hàn Quốc mà theo tốc độ tỉ lệ và theo đa dạng hoá đầu tư ngoài lĩnh vực. Bởi ông cho rằng khả năng quản trị rủi ro của một doanh nghiệp là có giới hạn.

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra rằng, khác với DNNN, doanh nghiệp tư nhân chịu nhiều rủi ro hơn.

"DNNN nếu có trục trặc vẫn còn có 2 ‘khoá’ để giảm thiểu. Thứ nhất người đứng đầu vẫn có sự ràng buộc, không được toàn quyền quyết định. Thứ hai, công chúng vẫn nghĩ rằng phía sau doanh nghiệp vẫn có sự hỗ trợ của nhà nước", ông Du nói.

Theo đó, ông cho rằng kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn còn mong manh, mà chỉ cần 1 trục trặc có thể khiến cả nền kinh tế bị tác động. Do vậy, vị chuyên gia này cho rằng một mặt chính sách của nhà nước cần cải thiện môi trường kinh doanh, một mặt, cần lưu ý tính chu kỳ 10 năm khủng hoảng của kinh tế cũng như đặc biệt chú ý đến các tập đoàn tư nhân lớn, để tránh những cú sốc có thể xảy đến.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên