MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ câu chuyện thủ khoa về quê chăn lợn: Đừng bao giờ ngừng học hỏi và quên từ “trọng dụng” đi, chả ai cần bạn ngoài chính bạn

12-10-2017 - 11:50 AM | Sống

Câu chuyện thủ khoa về quê chăm lợn vì chưa tìm được việc là chủ đề được nhiều người quan tâm trong thời gian qua. Những thủ khoa đại học, những sinh viên giỏi có lẽ không nên tự hào về danh hiệu đó quá lâu. Những người giỏi, siêu giỏi hôm nay, nếu không chịu học hỏi, không chấp nhận quên đi danh hiệu mình có được ở trường học thì nguy cơ thất nghiệp sẽ cao hơn những người bình thường.

Câu chuyện thủ khoa về quê chăm lợn vì chưa tìm được việc là chủ đề được nhiều người quan tâm trong thời gian qua. Rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Nhiều người cho rằng cô thủ khoa Đại học Sư phạm 2 Bùi Thị Hà đã quá thụ động với tương lai của chính mình. Thủ khoa chỉ thể hiện lực học của bạn trên ghế nhà tường, còn sau khi ra trường, bạn tìm được việc làm như thế nào là phụ thuộc vào sự năng động, năng lực thực sự của bản thân. Việc làm có rất nhiều, điều quan trọng là bạn có phù hợp với nhu cầu của người tuyển dụng hay không mà thôi.

Cuộc sống có muôn vạn con đường, tấm bằng thủ khoa hay bảng điểm đẹp cũng chỉ là mảnh giấy chứng nhận để tham khảo. Trong nhiều trường hợp, nó còn có thể cản trở bạn bởi nhiều nhà tuyển dụng rất ngại tuyển người học siêu giỏi, bởi họ thường là những người sợ thất bại, không dám thất bại.

Thành hay bại trong cuộc sống này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đôi khi nó bất ngờ đến không tưởng. Trong một buổi hội thảo, một bạn trẻ thuyết trình về dự án sáng kiến phát triển cộng đồng rất tiềm năng. Bạn thể hiện sự thông minh, tạo ấn tượng rất tốt và gần như nắm chắc khả năng thành công. Các nhà đầu tư đã chọn dự án của bạn để rót vốn, chỉ chưa thông báo. Thế nhưng, bạn hỏng việc chỉ vì một chi tiết không ai ngờ tới: Bạn chảy nước mũi, thay vì lấy giấy lau, bạn trẻ đã vắt mũi rồi quẹt lên mặt cửa kính. Tất cả mọi người trong phòng đều chứng kiến hành động đó và nhà đầu tư đưa ra kết luận rằng, người có hành động như vậy không thể làm điều gì tới nơi tới chốn được.

Một hành vi vô thức sẽ thể hiện rất nhiều về bản chất một con người. Một hành động rất nhỏ có thể đại diện cho cả con người của bạn và cách bạn thực hiện mọi việc khác. Có lẽ, mãi về sau, bạn trẻ đó vẫn chưa thể biết được vì sao mình thất bại.

Một câu chuyện khác về việc tuyển dụng người trẻ. Một ứng viên gửi đến một bộ hồ sơ xuất sắc với bề dày thành tích và kinh nghiệm. Trong buổi phỏng vấn, cô gái trẻ thể hiện sự tự tin và năng lực vững. Nhà tuyển dụng gần như đã tuyển được đúng người, chỉ duy nhát lăn tăn về việc cô gái hầu như không biết... cười, "khô khá, lạnh lùng và kênh kiệu".

Trong lúc cô gái trẻ ra về, đúng lúc một người khác đi vào phòng. Anh đẩy cửa lỡ va vào chần cô gái, anh xin lỗi rối rít. Nhưng cô gái lạnh lùng, không nói gì và đi thẳng. Nhà tuyển dụng theo dõi cách cư xử đó và quyết định loại. "Không biết cô ấy giỏi đến đâu, nhưng cách cư xử đó sẽ khiến cô khó làm được việc".

Rất nhiều người thành công, giàu có bắt đầu bằng sự vô tư, hòa nhã, cho đi trước. Chắc chắn các bạn ôn thi tiếng Anh biết đến rất nhiều người người thầy "online". Họ bắt đầu sự nghiệp của mình bằng các chia sẻ miễn phí, hướng dẫn nhiều người khác bằng sự vô tư, nhiệt tình. Rồi dần dà, nhiều người biết đến họ và tìm đến để theo học. Khi những giá trị họ đem lại cho người khác thực sự đáng giá, họ không chia sẻ nó miễn phí hoàn toàn nữa.

Nữ thủ khoa sư phạm chắc chắn là người có kỹ năng và kiến thức. Bạn có thể tiếp thị bản thân bằng nhiều cách để theo đuổi đam mê sư phạm của mình. Chưa thể tìm được một công việc chính thức, bạn có thể làm gia sư, dạy học cho những học sinh có nhu cầu. Tại sao bạn chấp nhận thất nghiệp rồi ngồi chờ một công việc đúng chuyên ngành, gần nhà mà không biết chờ đợi đến bao giờ. Cuộc sống không có sẵn những vị trí dành riêng cho bạn, bản thân bạn cần phấn đấu, thay đổi để thích ứng với nhu cầu của xã hội.

Những thủ khoa đại học, những sinh viên giỏi có lẽ không nên tự hào về danh hiệu đó quá lâu. Những người giỏi, siêu giỏi hôm nay, nếu không chịu học hỏi, không chấp nhận quên đi danh hiệu mình có được ở trường học thì nguy cơ thất nghiệp sẽ cao hơn những người bình thường. Một bạn sinh viên bình thường nhưng ham học hỏi, sẵn sàng đổi mới bản thân, học hỏi hàng ngày có thể vượt xa trình độ thủ khoa mà không chịu học hỏi nhanh chóng.

Nhà tuyển dụng sẽ luôn xem cách bạn xử lý vấn đề và ứng xử trong công việc, cuộc sống như thế nào. Đừng bao giờ ngừng học hỏi, tự mãn với những thứ mình đạt được. Không có gì là thừa cả, và quên từ “trọng dụng” đi, chả ai cần bạn đâu, ngoài chính bạn.

Thu Hoài

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên