Từ cuộc hội tụ vĩ đại đến sự lụi tàn dần dần: Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị đập tan?
Trong vài thập kỷ qua, chuỗi cung ứng toàn cầu đã đạt được sự tiến bộ về nhiều mặt nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cũng như xu thế toàn cầu hoá. Tuy nhiên, hiện tại đã có những dấu hiệu cho thấy rằng thời kỳ hoàng kim của toàn cầu hoá có thể đi đến kết thúc và cuộc hội tụ vĩ đại đang nhường chỗ cho sự lụi bại dần dần của chuỗi cung ứng.
- 12-05-2019Tổng thống Mỹ tăng thuế, chuỗi cung ứng toàn cầu bị “sốc”
- 04-12-2018Chuỗi cung ứng “chết người” chinh phục đỉnh Everest của các Sherpa: 100 người leo thì 4 người bỏ mạng!
- 30-10-2018Đây là lý do vì sao các nước Đông Nam Á không dễ gì thay thế được vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng dù Trade War có diễn biến ra sao
Tom Linton, giám đốc lĩnh vực chuỗi cung ứng của Flex - "gã khổng lồ" trong lĩnh vực sản xuất theo hợp đồng của Mỹ, đã quá quen thuộc với những biến chuyển trong thời gian gần đây. The Pulse là tên của trung tâm "chỉ huy" rất hiện đại của công ty ông tại California, có đặc điểm tương tự với "căn phòng chiến tranh" ở Lầu Năm Góc.
Căn phòng này là nơi ông giám sát 16.000 nhà cung ứng và hơn 100 nhà máy của Flex, sản xuất mọi thứ từ hệ thống ô tô cho đến bộ cung cụ điện toán đám mây cho hơn 1.000 khách hàng trên thế giới. Linton là một trong những "vị vua" của chuỗi cung ứng - cơ chế trung tâm của toàn cầu hoá trong vài thập kỷ qua, theo đó những nguyên liệu thô, bộ phận và linh kiện được vận chuyển qua nhiều quốc gia trước khi trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi về tương lai, ông lại nói: "Chúng ta đang tiến đến một thế giới hậu toàn cầu hoá."
Một vài năm trước, đó sẽ là quan điểm đi ngược lại với xu thế. Sự kết hợp của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, giúp các hoạt động truyền thông trở nên hợp lý và đáng tin cậy, cùng với việc Trung Quốc hội nhập với nền kinh tế thế giới - nơi cung cấp lao động giá rẻ, đã biến sản xuất thành một ngành công nghiệp toàn cầu.
Trong cuốn sách "The Great Convergence" (Cuộc hội tụ vĩ đại), Richard Baldwin lập luận rằng sự pha trộn cuối cùng của bí quyết đến từ ngành công nghiệp phương Tây và cơ chế sản xuất châu Á đã thúc đẩy qúa trình toàn cầu hoá chuỗi cung ứng. Từ năm 1990 đến 2010, hoạt động thương mại đã bùng nổ nhờ việc thuế được cắt giảm, chi phí truyền thông và vận chuyển thấp hơn.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng 70% hoạt động thương mại toàn cầu hiện nay liên quan đến chuỗi giá trị toàn cầu (GVCS). Sự gia tăng về mức độ phức tạp của chuỗi này được thể hiện bằng sự tăng trưởng trong tỷ lệ giá trị gia tăng của nước ngoài đối với một quốc gia xuất khẩu, đã tăng từ mức dưới 20% vào năm 1990 lên gần 30% vào năm 2011.
Các nhà bán lẻ phương Tây đã phát triển mạng lưới các nhà cung ứng, đặc biệt là ở Trung Quốc, để họ có thể vận chuyển hàng hoá giá rẻ mỗi ngày cho các khách hàng ở quê nhà. Các tập đoàn đa quốc gia từng sản xuất gắn liền với chuỗi cung ứng ở quê nhà trở nên "mỏng manh" khi họ theo đuổi mục tiêu lao động giá rẻ và kinh tế quy mô ở phía bên kia thế giới. Giả sử toàn cầu hoá là xu thế không thể đảo ngược, thì các công ty này phải chấp nhận những thực tế như quản lý số hàng tồn kho không thể thanh lý, giao hàng đúng hẹn trong khi vẫn phải đảm bảo chất lượng và kiểm soát chi phí trong khi tạo ra ít rủi ro.
Tuy nhiên, hiện tại đã có những dấu hiệu cho thấy rằng thời kỳ hoàng kim của toàn cầu hoá có thể đi đến kết thúc và cuộc hội tụ vĩ đại đang nhường chỗ cho sự lụi tàn dần dần của chuỗi cung ứng. Tăng trưởng thương mại toàn cầu đã giảm từ 5,5% trong năm 2017 xuống còn 2,1% trong năm nay, theo OECD. Sự hài hoà của quy chuẩn toàn cầu đã nhường chỗ cho những quy định riêng của các vùng, chẳng hạn như luật bảo mật dữ liệu của châu Âu. Theo đó, đầu tư xuyên biên giới cũng giảm 1/5 vào năm ngoái. Tiền lương và chi phí môi trường tăng vọt dẫn đến sự suy giảm của mô hình tìm nguồn cung ứng "giá rẻ ở Trung Quốc."
Mối đe doạ hiện hữu đến từ việc Tổng thống Donald Trump áp thuế quan đối với những đối tác thương mại của Mỹ và tái đàm phán hiệp định thương mại tự do đã phá vỡ chuối cung ứng vốn được duy trì từ lâu giữa Bắc Mỹ và châu Á. Ngày 29/6, ông Trump đã đồng ý với thoả thuận ngừng bắn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tạm thời hoãn không áp thuế quan bổ sung. Tháng 5, ông đe doạ áp thuế với tất cả hàng nhập khẩu từ Mexico nếu họ không kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập cư, nhưng đã thay đổi quyết định vào tháng 6. Ông cũng hoãn áp thuế nhập khẩu ô tô của châu Âu cho tới tháng 11.
Tuy nhiên, nhìn xa hơn về chính trị, bạn sẽ thấy rằng chuỗi cung ứng đang trải qua sự thay đổi nhanh nhất trong vài thập kỷ, đáp ứng với nhu cầu sâu sắc hơn trong kinh doanh, công nghệ và xã hội. Sự trỗi dậy của Amazon, Alibaba và những "đại gia" thương mại điện tử khác đã thuyết phục người tiêu dùng rằng họ có thể được giao một loạt các sản phẩm ngay lập tức. Điều này đã gây áp lực rất lớn đến các công ty đa quốc gia trong việc thay đổi và hiện đại hoá chuỗi cung ứng của họ để bắt kịp với sự tiến bộ, cùng với sở thích của người tiêu dùng.
Động lực lớn nhất trong quá trình thay đổi là công nghệ. AI, phân tích dữ liệu dự đoán và robot đã thay đổi cách các nhà máy, nhà kho, trung tâm và hệ thống phân phối hoạt động. Kỹ thuật in 3D, công nghệ blockchain và xe tự lái có thể mang đến những tác động lớn trong tương lai. Một vài ý kiến còn "mơ" về việc chuỗi cung ứng có thể tự hoạt động mà không cần sự can thiệp của con người.
Dẫu vậy, những tiến bộ trong công nghệ cũng tạo ra "bóng ma" cho cuộc chạy đua vũ trang trong các hoạt động đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng. Những nhóm tin tặc hung hăng và "kẻ cướp" trên mạng được nhà nước bảo trợ dường như chiếm thế thượng phong với các tập đoàn và thậm chí là chính phủ. Ví dụ gần đây nhất là động thái cứng rắn của Mỹ với Huawei. Nhưng những vấn đề liên quan không chỉ bó hẹp ở 1 công ty nữa, do phần lớn sự đổi mới về sản xuất và phần cứng của thế giới đều diễn ra ở Trung Quốc.
Nếu chiến tranh lạnh về công nghệ nổ ra, nó sẽ đập tan chuỗi cung ứng được tích hợp công nghệ cao hiện nay và quá trình tái hợp lại chuỗi này sẽ cực kỳ tốn kém. Hơn nữa, cuộc chiến này thậm chí còn dẫn đến sự chia tách trong công nghệ 5G. Với tình trạng phổ biến của những thiết bị cảm biến giá rẻ, internet vạn vật (IoT) sẽ cho phép các ngôi nhà, nhà máy và thành phố có thể giám sát và quản lý bằng kỹ thuật số. "Splitinternet" sẽ không chỉ tốn kém, mất thời gian và nhiều thứ khác, mà còn không thể giải quyết những lo ngại về an ninh đối với các mối đe doạ trong tương lai ở kỷ nguyên 5G.
Ngay cả khi Huawei đã thoát khỏi lệnh trừng phạt và thoả thuận ngừng bắn cũng đưa "tảng băng" hoà bình đến với Mỹ và Trung Quốc, kỷ nguyên của những chuỗi cung ứng trơn tru chảy từ Thâm Quyến đến San Francisco và Stuttgard đã kết thúc. Khi toàn cầu hoá đã và đang biến chuyển thành một thứ gì đó lộn xộn, thì hậu quả đối với các công ty đa quốc gia và nền kinh tế thế giới có thể sẽ là rất lớn.
Báo cáo này của Economist sẽ chứng minh rằng chuỗi cung ứng đã trở nên ngắn hơn, thông minh hơn và nhanh hơn, trước khi các chính trị gia "nhảy vào" gây gián đoạn cho hệ thống thương mại. Khi thế giới ngày nay đối mặt với nhiều rủi ro hơn, chuỗi cung ứng cũng cần phải an toàn hơn. Sự chuyển đổi này đe doạ các công ty đang "cố thủ" mạng lưới cung ứng của mình, nhưng nó cũng mang lại cơ hội cho các công ty đang nhanh chóng thích nghi.
Chúng tôi xin trân trọng gửi tới bạn đọc bản dịch của báo cáo này. Mời độc giả đón đọc!