MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ giám đốc từng nghỉ việc 1 năm vì kiệt sức: "Hối hả vì tương lai tốt đẹp hơn, nhưng hiện tại thê thảm, có đáng không?"

24-04-2022 - 08:58 AM | Lifestyle

Từ giám đốc từng nghỉ việc 1 năm vì kiệt sức: "Hối hả vì tương lai tốt đẹp hơn, nhưng hiện tại thê thảm, có đáng không?"

Cùng lắng nghe chia sẻ về chuyện thất nghiệp chủ động trong 1 năm vì kiệt sức của chàng giám đốc này.

Làm việc 12 tiếng/ngày, không có cuối tuần chắc không còn xa lạ gì với các bạn trẻ. Không làm lấy gì ăn hay tuổi trẻ là thời gian hết mình vì công việc và cải thiện bản thân, chuyện nghỉ ngơi là cho sau này khi đã bước sang tuổi trung niên. Đây có lẽ cũng không còn là những quan điểm xa lạ với nhiều người.

Từ giám đốc từng nghỉ việc 1 năm vì kiệt sức: Hối hả vì tương lai tốt đẹp hơn, nhưng hiện tại thê thảm, có đáng không? - Ảnh 1.

Vũ Anh Duy


Song, có một sự thật rằng rất nhiều người trẻ đã kiệt quệ về cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất sau một thời gian làm việc không ngừng nghỉ. Cho đến mức một vài người phải lựa chọn nghỉ việc để có thời gian chữa lành bản thân.

Chúng ta có được phép nghỉ ngơi không, hay làm sao để không chuyển từ áp lực công việc sang tiền bạc đang là một câu hỏi cần được trả lời. Để hiểu rõ điều này hơn, cùng gặp Vũ Anh Duy, người đã từng thất nghiệp chủ động 1 năm ngay trong thời điểm Covid-19, sau một quãng thời gian làm việc hối hả.

Từ giám đốc từng nghỉ việc 1 năm vì kiệt sức: Hối hả vì tương lai tốt đẹp hơn, nhưng hiện tại thê thảm, có đáng không? - Ảnh 2.

Vũ Anh Duy

Giám đốc Vận hành Kinh doanh tại Việt Nam của Funding Societies - tập đoàn tài chính kỹ thuật số cho SME lớn nhất khu vực Đông Nam Á đến từ Singapore

Part-time podcaster của kênh The Finding Audio - một series podcast nơi bình thường hóa những thất bại và sự dễ bị tổn thương trong cuộc sống.


Xin chào Anh Duy,

Lựa chọn thất nghiệp chủ động có phải một điều dễ dàng? Lý do gì để bạn đi tới quyết định này?

Năm 2020 chắc hẳn đã rất khó khăn với nhiều người. Tuy nhiên, mình khá may mắn và cảm thấy biết ơn vì ở thời điểm đó công việc của mình không bị ảnh hưởng bởi đại dịch, thậm chí trước khi nghỉ việc mấy tháng mình còn được bổ nhiệm vị trí mới tại công ty.

Mình khi ấy có một cuộc sống khá lý tưởng nếu nhìn từ ngoài vào: Tự lập ở Sài Gòn, tự chủ tài chính - mức thu nhập mẹ hay ví von rằng có thể đủ nuôi cả một gia đình 4 người, có một công việc được mọi người coi trọng, đang tham gia khóa đào tạo lấy chứng chỉ hành nghề luật sư, thỉnh thoảng "trốn việc" đi du lịch khắp nơi.

Vậy nên, vào thời điểm đó, nghỉ việc là một quyết định gì đó vô cùng khó khăn mà mình phải mất nhiều thời gian để cảm thấy thực sự thoải mái và chấp nhận. Tuy nhiên, mình lúc đó gần như không còn lựa chọn nào khác bởi mình đã burnout (kiệt sức) rất mạnh và cần một "quãng nghỉ sự nghiệp" (career break).

Từ giám đốc từng nghỉ việc 1 năm vì kiệt sức: Hối hả vì tương lai tốt đẹp hơn, nhưng hiện tại thê thảm, có đáng không? - Ảnh 4.

Duy có mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định không? Bạn có kế hoạch gì trước khi quyết định nghỉ việc không, đặc biệt là tài chính?

Mình có kế hoạch cho chuyện nghỉ việc, nhưng không phải vào thời điểm đó và cũng không phải để nghỉ ngơi, mà là để theo đuổi những dự định "hối hả" cá nhân khác. Khoảng thời ấy, mình chưa giờ mình nghĩ bản thân sẽ chủ động thất nghiệp vì… kiệt sức. Tuy nhiên, cơ thể mình khi ấy không còn lắng nghe mình nữa, chỉ liên tục đưa ra những tín hiệu cảnh báo rằng mình cần nghỉ ngơi. Và đó là khi mình dừng lại, bỏ qua luôn câu chuyện có thể được thăng chức hay tiềm năng thu nhập vào thời điểm ấy.

Từ đại học cho đến trước khi nghỉ vào năm 2020, mình đã có một cuộc sống vô cùng bận rộn, đến mức lúc đó chuyện công việc và học tập luôn là ưu tiên của bản thân. Hồi đại học, "hối hả" với cuộc sống do áp lực bản thân tự đặt ra và cả kỳ vọng của mọi người. Bản thân mình luôn muốn làm cái gì cũng phải "ra ngô ra khoai" có kết quả, cho nên đôi lúc mình cảm giác như sự hối hả đã ăn vào máu vậy. Thậm chí, lúc trước mình ở cùng với một bạn đồng nghiệp làm cùng công ty, mỗi ngày 10h tối mình sẽ đều gõ cửa để rủ bạn ra phòng khách làm việc. Có lẽ nhiều năm tích lũy với nhịp sống như vậy, đến một lúc cơ thể mình cũng đã "biểu tình".

Mình thấy mục đích của việc "hối hả" chẳng có gì sai, bởi hầu hết mọi người đều đang cố gắng để có một tương lai đẹp hơn. Tuy nhiên, bạn có bao giờ nghĩ lại rằng, nếu điều đó khiến cho hiện tại của mình thê thảm thì sao. "Thê thảm" ở đây đơn giản nó chính là sức khỏe hay cảm xúc đều rất tệ.

Từ giám đốc từng nghỉ việc 1 năm vì kiệt sức: Hối hả vì tương lai tốt đẹp hơn, nhưng hiện tại thê thảm, có đáng không? - Ảnh 5.

Duy có nghĩ rằng vào thời điểm đó, để có thể đưa ra quyết định như vậy là bởi vì bản thân đã có nền tảng tài chính vững mạnh không?

Nền tảng bao nhiêu thì được gọi là "vững mạnh" nhỉ? (cười)

Ở độ tuổi còn khá trẻ, mình đã quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp mà không có một khoản tiền dự phòng. Trong khi đó, mình vẫn phải đặt cọc hai tháng tiền nhà, rồi chi tiêu sinh hoạt phí trong khi phải đi làm cả tháng mới được nhận tháng lương đầu tiên. Vậy nên mình quyết định vay mẹ 30 triệu và hứa sẽ trả góp dần trong 6 tháng với lãi suất 0%, từ đó cứ mỗi tháng khi nhận lương thì mình chuyển cho mẹ 5 triệu. Mình có một gia đình có đủ điều kiện để nuôi mình ăn học, nhưng ngay tại thời điểm đi làm thì mình và bố mẹ đều tách bạch về sự tự chủ tài chính. Vậy nên mình sẽ không có "nền tảng tài chính vững mạnh" từ phía gia đình.

Còn về bản thân, hồi nghỉ việc thì mình có một khoản tiền tiết kiệm sau mấy năm đi làm, và mình chỉ định nghỉ khoảng 3 tháng thôi nên lúc đầu cũng không áp lực tài chính lắm. Thế rồi quãng nghỉ sự nghiệp của mình kéo dài tận 1 năm trời, nên số tiền tiết kiệm cũng hao hụt đi rất nhiều tới mức cảnh báo đỏ luôn.

Để có thể bước vào giai đoạn "thất nghiệp chủ động" như mình, đúng là cần có một nguồn tài chính nhất định, nhưng không hẳn là phải "vững mạnh". Bởi mình tự tin bản thân là người có khả năng thích nghi tốt với hoàn cảnh. Chẳng hạn hồi sinh viên, mình đi làm thêm lương 5 triệu/ tháng thì sẽ chi tiêu ở mức tương ứng như vậy, rồi đến khi nghỉ việc không có thu nhập mà phải phụ thuộc vào nguồn tiết kiệm thì sẽ phải sống theo điều kiện đó, bây giờ thu nhập lại ở một mức khác nữa thì điều chỉnh mức sống theo đó.

Số tiền mỗi người chi ra nên được tính theo một mức tỷ lệ dựa trên thu nhập của người đó, chứ không phải là một con số tuyệt đối.

Từ giám đốc từng nghỉ việc 1 năm vì kiệt sức: Hối hả vì tương lai tốt đẹp hơn, nhưng hiện tại thê thảm, có đáng không? - Ảnh 6.

Nhiều bạn trẻ muốn chủ động thất nghiệp do cảm thấy kiệt sức sau một thời gian làm việc. Tuy nhiên, điều đó có thể khiến áp lực công việc chuyển sang áp lực tiền bạc khi không có thu nhập. Duy nghĩ sao?

Đúng rồi, có tiền mới duy trì cuộc sống được, nhưng cụ thể là bao nhiêu tiền? Như mình chia sẻ ở trên, số tiền mình chi ra nên được căn cứ theo một tỷ lệ nhất định dựa vào số thu nhập mình có được ở từng thời điểm, chứ không phải một con số tuyệt đối. Lời khuyên của mình cho các bạn trẻ là:

- Kiếm tiền là cần thiết, nghỉ ngơi lại càng cần hơn.

- Ngoài chăm chỉ đi làm kiếm tiền thì hãy rèn luyện khả năng thích nghi với nhiều hoàn cảnh để trang bị một kỹ năng sinh tồn thật tốt.

- Nếu các bạn có sự lựa chọn và thời gian chuẩn bị, hãy lên kế hoạch từ trước cho quãng nghỉ sự nghiệp của mình.

- Còn nếu các bạn như mình, phải dừng lại bất chợt và không có sự lựa chọn khác, thì cần có một “cơ chế tài chính dự phòng” từ trước vì nếu đã mệt mà lại còn không có tiền để cho mình được xả các sự mệt đấy ra thì sẽ còn khủng hoảng hơn nữa.

Nhiều người muốn chủ động nghỉ ngơi một thời gian. Tuy nhiên, phụ huynh đều cảm thấy đây không là một ý tưởng có thể chấp nhận. Bạn nghĩ sao về câu chuyện này?

Mình nghĩ rằng đó là suy nghĩ thông thường của bố mẹ: Ra trường thì phải đi làm. Như kiểu mẹ mình thì sẽ không yêu cầu con cái phải có lương tháng vài nghìn đô, chức cao vọng trọng gì. Nhưng mà phải đi làm! Trong từ điển của thế hệ trước gần như không có xuất hiện từ "thất nghiệp chủ động". Mẹ còn từng nghĩ mình dính vào vòng lao lý nên mới phải nghỉ việc, trong khi ở nhà có mỗi mình là luật sư (cười lớn).

Cái này có thể quy lại thành khoảng cách thế hệ. Có rất nhiều câu chuyện mình chỉ biết thôi chứ không thể nào giải quyết được nó, và khoảng cách thế hệ là một trong số đó. Ví dụ như mình cho đến khi quay lại làm việc ở Sài Gòn, gia đình vẫn không hiểu lý do thật sự tại sao mình có 1 năm không chịu đi làm như vậy. Mình chỉ có thể cố gắng hiểu sao bố mẹ nghĩ vậy mà thôi.

Trong câu chuyện này, mình nghĩ điều quan trọng nhất ở đây là chúng ta phải tự thuyết phục được bản thân. Nếu chính chúng ta còn không thể cho phép bản thân dành ra một quãng nghỉ sự nghiệp thì câu chuyện sẽ chẳng đi đến đâu cả. Hơn thế nữa, chi phí sức khỏe cho câu chuyện “burnout” cũng chẳng hề nhỏ.

Từ giám đốc từng nghỉ việc 1 năm vì kiệt sức: Hối hả vì tương lai tốt đẹp hơn, nhưng hiện tại thê thảm, có đáng không? - Ảnh 7.

Từ hồi burnout là mình bắt đầu có therapist (nhà trị liệu tâm lý) riêng để tư vấn về sức khỏe tinh thần. Ngạc nhiên thay, đây cũng chính là người mà một vài người bạn khác của mình cũng đã/ đang tìm đến để được hỗ trợ với những khó khăn về tâm lý trong cuộc sống. Tức là rất nhiều người trong chúng mình đều đang kiệt sức. Bạn của mình còn từng đang tăng ca trên công ty, đã phải chạy ra ngoài để khóc một chút chỉ vì quá kiệt quệ, rồi sau đó lại quay về phòng làm việc.

Đó chính là cuộc sống mà một bộ phận thế hệ trẻ ngày nay đang trải qua. Chúng ta hối hả vì một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng tương lai tốt đẹp chưa thấy đâu mà hiện tại thì lại thật thê thảm với những phí tổn về cả sức khoẻ thể chất và tinh thần quá lớn. Câu hỏi là, điều đó có đáng không? Mỗi người sẽ có câu trả lời riêng cho chuyện này.

Quay trở lại làm việc sau 1 năm, thu nhập của bạn đã thay đổi như thế nào? Và bạn có nghĩ rằng mình sẽ lại quay về vòng quay “hối hả" không?

Nhiều người sẽ có nỗi lo là trong khoảng thời gian thất nghiệp chủ động, bản thân sẽ bị bỏ lại phía sau trên thị trường lao động vì những người khác vẫn đang “chạy” và nỗ lực hết sức. Tuy nhiên, trong 1 năm, mình không thấy bị tụt hậu so với mọi người. Mình may mắn là ngay cả khi chưa có ý định đi làm trở lại, cũng đã nhận được vài lời mời làm việc, thậm chí với một mức thu nhập cao hơn trước khi nghỉ việc gấp 3 lần.

Thật ra có rất nhiều lý do cho việc này. Thứ nhất, tuy mình không còn coi công việc là ưu tiên số 1 trong cuộc sống, cũng không sống chết để đi làm như trước đây nữa, nhưng khi đã nhận một việc nào đó thì mình sẽ làm với trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Một yếu tố khách quan hơn là vị trí hiện tại của mình ở công ty mới cũng cao hơn trước (đi kèm với nhiều trách nhiệm hơn), do vậy mức thu nhập cũng sẽ khác. Để nói nó có phải là do mình đã dành một năm nghỉ làm để tu luyện và cải thiện năng lực chuyên môn không, mình nghĩ câu là trả lời sẽ là "không". Thật ra cũng có thêm chứng chỉ đào tạo nghề luật sư nhưng mình nghĩ nó không quan trọng đến thế (cười).

Bù lại, trong 1 năm ấy, mình đã cải thiện được thêm nhiều kỹ năng mềm cùng với những thay đổi trong cách tư duy và nhìn nhận về nhân sinh quan thông qua trải nghiệm làm podcast, hay đơn giản là khả năng giao tiếp với khách hàng khi làm barista ở quán cafe. Nhờ những trải nghiệm “không ra tiền" này mà network (các mối quan hệ) của mình cũng mở rộng hơn. Nó giúp đỡ cho mình rất nhiều trong công việc sau này.

Từ giám đốc từng nghỉ việc 1 năm vì kiệt sức: Hối hả vì tương lai tốt đẹp hơn, nhưng hiện tại thê thảm, có đáng không? - Ảnh 8.

Tuy nhiên, để khuyên rằng các bạn nên dành 1 năm thất nghiệp chủ động, tranh thủ đi học cái này, làm cái kia thì không hẳn. Đầu tiên, nếu bạn đang kiệt sức, hãy nghỉ ngơi và chăm sóc tinh thần của mình trước đã. Đó cũng là một cách “kiếm tiền", chí ít bạn đã có thể tiết kiệm một số tiền không hề nhỏ từ chi phí sức khỏe sau này. Đừng quên đặt ra những cột mốc cho sự nghỉ ngơi để có thể tự đánh giá xem bản thân mình đã nghỉ đủ chưa, năng lượng đã hồi phục tới đâu rồi.

Khi cảm thấy sức khoẻ đã ổn định hơn, hãy bắt đầu lên cho mình một kế hoạch: Những tháng ngày “thất nghiệp chủ động" tới sẽ dành để làm gì, ở đâu, với ai, và cho tới khi nào. Mình nghĩ rằng dù là đi du lịch vòng quanh thế giới, học ngoại ngữ mới, hay thậm chí xin vào làm nhân viên phục vụ tại quán cafe hay rạp chiếu phim thì cũng sẽ đem lại những trải nghiệm thú vị về cuộc sống ở giai đoạn này. Và đừng quên dành thời gian cho sự tự phản chiếu (self-reflection) để nhìn nhận và định vị được bản thân ở mỗi thời điểm nhé.

Cuối cùng, về câu hỏi mình có “hối hả" nữa không, mình chắc là “thôi được rồi" (cười). Sau 1 năm được sạc lại năng lượng, mình làm việc tốt hơn, cũng bận rộn hơn với công việc mới nữa. Tuy nhiên, mình không coi đây là một bàn đạp để xông pha lên, bất chấp “cày cuốc", bởi vì mình đã biết được cái giá phải trả cho những phí tổn này và không muốn tiếp tục kiệt sức như trước nữa.

Có lẽ, mình sẽ đi theo niềm tin như những gì mình đã học trong 1 năm thất nghiệp. Vẫn tiếp tục làm việc sao cho xứng đáng với những gì bản thân nhận được. Nhưng đồng thời, mình cũng sẽ không còn “hối hả" để dồn bản thân vào ngõ cụt nữa.

Xin cảm ơn Anh Duy vì những chia sẻ!

https://kenh14.vn/tu-giam-doc-tung-nghi-viec-1-nam-vi-kiet-suc-hoi-ha-vi-tuong-lai-tot-dep-hon-nhung-hien-tai-the-tham-co-dang-khong-20220421133804121.chn

Theo RIKA/DESIGN: DƯƠNG HỒNG TRƯỜNG

Pháp luật & bạn đọc

Trở lên trên