MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ SARS, Ebola đến cúm Corona: Mặt trái của toàn cầu hoá khi dịch bệnh trở thành "hành lý" gửi đi khắp thế giới

"Thế giới đang kết nối nhiều hơn bao giờ hết, nhưng điều này không phải không có rủi ro. Khi bạn có thể ở Mumbai vào buổi sáng và London vào buổi chiều, các bệnh truyền nhiễm có thể lây lan với tốc độ máy bay", TS. Stephen Toovey từng viết.

Stephen Toovey là bác sĩ và nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới. Trong những bài viết trước đây của mình, ông đã từng đề cập đến mối quan hệ giữa toàn cầu hoá và bệnh dịch: Khi thế giới phẳng hơn, kết nối hơn, bệnh dịch cũng sẽ dễ dàng lây nhiễm hơn.

Theo ông, thế giới đang phát triển và phụ thuộc lẫn nhau hơn qua mỗi năm. Các sản phẩm, dịch vụ, ý tưởng được trao đổi rộng rãi, vượt qua các ranh giới văn hoá, địa lý và chính trị. Tuy nhiên, chúng ta cũng trao đổi cả bệnh tật.

"Toàn cầu hoá không hẳn là hiện tượng mới, nhưng nó đã tăng tốc trong những thập kỷ gần đây và là một yếu tố chính trong việc lây lan các bệnh truyền nhiễm", Toovey nói.

Khi các vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, chúng trở thành "hành lý" không mong muốn di chuyển khắp mọi nơi trên thế giới. Một ổ dịch nhỏ ở khu phố tại New York hoặc một huyện tại nông thôn châu Phi có thể nhanh chóng toả ra ngoài biên giới khi một người nhiễm bệnh lên máy bay đến một quốc gia, lục địa khác.

"Chúng tôi thường liên kết loại lây truyền toàn cầu với các bệnh kỳ lạ, ví dụ như SARS và Ebola", ông nói. SARS bắt nguồn từ miền Nam Trung Quốc năm 2002 và nhanh chóng lan rộng ra gần 30 quốc gia, đi qua các khách sạn, khu nhà ở, du lịch hàng không, cuối cùng giết chết hơn 750 người.

Hiện tại thế giới cũng đang trong tình trạng lo lắng vì bệnh viêm phổi cấp tính khởi phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) ngày 31/12/2019 do chủng virus hoàn toàn mới thuộc họ Corona gây ra với 41 người nhập viện. Bệnh này cũng nhanh chóng lan ra tại nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Việt Nam cũng xác định có 2 bệnh nhân nghi dương tính với virus Corona.

TS. Toovey từng nói rằng dù bệnh lạ, khó điều trị là mối quan tâm chính nhưng cũng đừng quên sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm quen thuộc như cúm cũng được thúc đẩy bởi toàn cầu hoá.

"Cúm không ngoại lệ", ông nói. Bệnh này phát tán ra ngoài môi trường khi người bệnh nói chuyện, ho hay hắt hơi. Điều này có nghĩa cúm dễ lan truyền từ người này qua người khác, đặc biệt ở những khu vực đông người, như hàng không, tàu hoả, khách sạn… Việc tiếp xúc gần như không thể tránh khỏi vì tất cả chúng ta đều phải thở.

Cúm đặc biệt đáng lo ngại khi một chủng mới lây lan, vì rất ít người sẽ có miễn dịch từ trước, điều này có thể dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm cao và có khả năng tăng theo cấp số nhân.

Tuy nhiên, toàn cầu hoá là thứ không thể đảo ngược và việc đóng cửa biên giới, cắt bỏ giao thương, cấm du lịch. Toovey cho rằng cần có những biện pháp y tế, chiến lược quản lý bệnh lây nhiễm nhưng không gây cản trở giao thương toàn cầu.

Ở vị trí của du khách, Toovey khuyên rằng cần đảm bảo các bước đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Ví dụ, cần sử dụng những loại vaccin được khuyến nghị hay nếu đi du lịch đến một quốc gia nào đó, hãy đến gặp bác sĩ, những người tư vấn để thảo luận và có những lời khuyên cần thiết cho điểm đến. Ngoài ra, ông cũng đề cập đến việc rửa tay thường xuyên, không nên chạm vào mắt, mũi, miệng, tránh ho và hắt hơi vào người khác.

Hà Thu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên