MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tự uống thuốc tại nhà: 5 lưu ý người cao tuổi cần nhớ khi dùng thuốc, nếu không muốn tác dụng chưa thấy đâu mà gan, thận, dạ dày đã rơi vào nguy hại

20-10-2021 - 16:04 PM | Sống

Tự uống thuốc tại nhà: 5 lưu ý người cao tuổi cần nhớ khi dùng thuốc, nếu không muốn tác dụng chưa thấy đâu mà gan, thận, dạ dày đã rơi vào nguy hại

Những thay đổi của cơ thể liên quan đến tuổi tác và bệnh lý khiến người lớn tuổi thường phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau. Vì vậy, họ rất dễ gặp các tác dụng phụ của thuốc nếu không nắm rõ các lưu ý khi tự uống thuốc tại nhà sau đây.

Ngày nay, với sự cải thiện điều kiện sống và các tiến bộ của y học, tuổi thọ của con người được nâng cao hơn. Tuổi thọ trung bình càng tăng thì số người cao tuổi càng nhiều. 

Với người cao tuổi, thuốc là biện pháp chủ yếu nhất, không chỉ dùng với mục đích điều trị bệnh mà còn được dùng trong dự phòng bệnh và biến chứng, giảm đau và chăm sóc giảm nhẹ giai đoạn cuối đời. 

Tuy nhiên, những thay đổi của cơ thể liên quan đến tuổi tác và tình trạng mắc nhiều bệnh lý cùng một lúc, nhiều bệnh kéo dài, mạn tính ở người già khiến họ thường phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau. Bên cạnh đó, tác dụng của thuốc trên người cao tuổi đôi khi rất khác với người trẻ tuổi bình thường. Vì vậy, người cao tuổi rất dễ gặp các tác dụng phụ của thuốc. 

Tác động của thuốc lên cơ thể người lớn tuổi

Khi cơ thể có tuổi thì các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể cũng biến đổi, gọi là quá trình lão hóa các cơ quan. Sự lão hóa này ảnh hưởng tới khả năng hấp thu thuốc vào cơ thể, khả năng phân bố thuốc trong cơ thể và khả năng thải trừ thuốc ra khỏi cơ thể. 

Thứ nhất, da người cao tuổi thường bị mất bớt lớp sừng nên các thuốc và chất độc dễ dàng xâm nhập cơ thể gây tác động toàn thân. 

Thứ hai, lượng acid tiết ra ở dạ dày giảm, pH dạ dày tăng làm thay đổi khả năng hấp thu các thuốc. Các loại thuốc có tính acid hay thuốc kháng sinh sẽ khó hấp thu hơn. Ngược lại , một số thuốc lại tăng hấp thu như cafein, theophylin, digoxin. 

Thứ ba, lượng nước trong cơ thể người cao tuổi thường giảm, do đó những thuốc gắn với nước sẽ giảm khả năng phân bố, giảm albumin máu gây tăng lượng thuốc ở dạng tự do có hoạt tính nên dễ gây độc…

Thứ tư, do lượng máu qua gan giảm, chức năng gan suy giảm nên khả năng chuyển hóa những thuốc chuyển hóa bị suy giảm, tăng nguy cơ tích tụ nhiều thuốc và gây độc cho cơ thể.

Thứ năm, chức năng đào thải của thận ở người cao tuổi cũng suy giảm nên dễ gây tích lũy thuốc và tăng độc tính của thuốc, đặc biệt là các loại kháng sinh, thuốc chống đông máu warfarin, lợi tiểu furosemide…

Tự uống thuốc tại nhà: 5 lưu ý người cao tuổi cần nhớ khi dùng thuốc, nếu không muốn tác dụng chưa thấy đâu mà gan, thận, dạ dày đã rơi vào nguy hại - Ảnh 1.

5 lưu ý khi tự uống thuốc tại nhà mà người lớn tuổi cần nhớ

Để tránh biến các loại thuốc trở thành “con dao hai lưỡi”, gây hậu quả khôn lường, người tự uống thuốc tại nhà cần lưu ý những điều sau đây:

1. Điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý

Trong mọi trường hợp, điều chỉnh sinh hoạt của bản thân là cách nhanh nhất để nâng cao nền tảng sức khỏe. Thay đổi từ bên trong giúp người lớn tuổi không cần quá phụ thuộc vào thuốc, giảm tác dụng phụ do thuốc đem lại.

Ví dụ: Chế độ ăn giảm bớt muối, hạn chế chất béo, phủ tạng động vật, bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi tốt cho sức khỏe hầu hết mọi người, nhất là những người có tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Hạn chế sử dụng thức ăn có chỉ số đường huyết cao sẽ góp phần hạn chế tăng liều thuốc đái tháo đường. 

2. Sử dụng đúng liều lượng chỉ định, có nguồn gốc rõ ràng

Khi cần phải dùng thuốc, cố gắng dùng càng ít thuốc càng tốt, dùng với liều thấp và tăng dần liều từ từ. Nên hạn chế sử dụng các thuốc “bổ”, thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần và hàm lượng để tránh các tác dụng không mong muốn. 

Tất cả các thuốc do bác sỹ kê đơn, hoặc thuốc thông thường không có đơn (như thuốc hạ sốt, giảm đau…) đều phải dùng đúng liều và đường dùng ghi trên tờ hướng dẫn và thông tin thuốc.

Mỗi thuốc đều có đường dùng, thời điểm và liều dùng riêng. Người cao tuổi cần tuân thủ quy định về liều thuốc, đường dùng và thời điểm uống thuốc. 

Ví dụ: Những thuốc dễ gây kích ứng niêm mạc dạ dày như aspirin, các thuốc chống viêm, giảm đau cần được uống sau khi ăn. Thuốc điều trị loãng xương Fosamax chỉ uống một liều duy nhất vào một ngày trong tuần, cần uống khi bụng đói, uống nhiều nước và giữ lưng ở tư thế đứng thẳng, tránh nằm ngay sau khi uống thuốc để hạn chế nguy cơ loét thực quản do thuốc gây ra. 

3. Có chỉ dẫn rõ ràng, dễ nắm bắt

Người cao tuổi thường giảm khả năng nghe. Do đó khi hướng dẫn người cao tuổi dùng thuốc cần nói to, rõ ràng và yêu cầu người cao tuổi nhắc lại. Đồng thời, cần viết hướng dẫn rõ ràng các chỉ dẫn quan trọng. 

Người cao tuổi thường mắt kém, không đọc được chỉ dẫn và nhãn thuốc. Bác sỹ, người nhà, người chăm sóc có thể hỗ trợ bệnh nhân bằng cách vẽ hình minh họa, viết chỉ dẫn với kích cỡ chữ to, dễ đọc, có thể dùng kính lúp.

Tự uống thuốc tại nhà: 5 lưu ý người cao tuổi cần nhớ khi dùng thuốc, nếu không muốn tác dụng chưa thấy đâu mà gan, thận, dạ dày đã rơi vào nguy hại - Ảnh 2.

Khi hướng dẫn người cao tuổi dùng thuốc cần nói to, rõ ràng và yêu cầu người cao tuổi nhắc lại. Ảnh: mydr

4. Kịp thời điều chỉnh tâm lý thoải mái, khám chữa bệnh kịp thời

Tâm lý của người cao tuổi thường lo lắng khi biết có bệnh, thường sử dụng nhiều loại thuốc cùng một lúc hoặc dùng theo kinh nghiệm, lấy đơn thuốc của người có triệu chứng tương tự để sử dụng. Thói quen này dễ dẫn đến tác dụng phụ, dùng sai thuốc, gây nguy hiểm. 

Do đó, người cao tuổi cần phải tạo thói quen đến gặp bác sỹ để được khám bệnh, được kê đơn và dùng thuốc đúng theo đơn chỉ định. Đơn thuốc chỉ được sử dụng trong quãng thời gian quy định. Khi hết thuốc hoặc xuất hiện tình trạng bất thường trong khi dùng thuốc, người cao tuổi cần thông báo cho bác sỹ, đến tái khám để được điều chỉnh thuốc kịp thời. 

5. Lên kế hoạch để uống thuốc đúng giờ, đảm bảo hiệu quả của thuốc

Người cao tuổi thường có giảm trí nhớ, lúc nhớ lúc quên, có thể quên uống thuốc hoặc ngược lại uống quá liều thuốc. Để uống thuốc đủ và đúng, người cao tuổi nên tạo thói quen uống thuốc vào một giờ nhất định (ví dụ uống thuốc điều trị tăng huyết áp ngay sau khi ngủ dậy, uống thuốc metformin điều trị đái tháo đường ngay sau bữa ăn tối). 

Tự uống thuốc tại nhà: 5 lưu ý người cao tuổi cần nhớ khi dùng thuốc, nếu không muốn tác dụng chưa thấy đâu mà gan, thận, dạ dày đã rơi vào nguy hại - Ảnh 3.

Sau mỗi lần dùng thuốc nên đánh dấu trên tờ lịch bàn hoặc lịch treo tường cho dễ nhớ. Ảnh: INF

Người cao tuổi cũng có thể sử dụng các hộp đựng thuốc uống có chia thời điểm uống thuốc sáng - trưa - chiều - tối để tránh quên thuốc. Những trường hợp người cao tuổi bị suy giảm trí nhớ nặng, không thể tự độc lập dùng thuốc thì người nhà, người chăm sóc có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị thuốc và cho bệnh nhân uống thuốc đúng giờ.

Người thân và người chăm sóc người cao tuổi nên lưu ý tới các biểu hiện mới xuất hiện ở người cao tuổi trong khi dùng thuốc hoặc những triệu chứng nặng lên bởi những triệu chứng này có thể là tác dụng phụ do thuốc gây ra. 

Những triệu chứng có thể bao gồm: thay đổi trí nhớ, lú lẫn, trầm cảm, kích thích, mê sảng, mất ngủ, tiểu tiện không tự chủ, yếu cơ, chán ăn, dễ ngã… Người cao tuổi và người chăm sóc người cao tuổi nên báo ngay cho bác sỹ khi có các dấu hiệu này.

Tự uống thuốc tại nhà: 5 lưu ý người cao tuổi cần nhớ khi dùng thuốc, nếu không muốn tác dụng chưa thấy đâu mà gan, thận, dạ dày đã rơi vào nguy hại - Ảnh 4.

Thuý Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên