Từ vùng đất xa xôi cách trở, ngân sách phần lớn từ khoáng sản, tỉnh này bứt tốc về kinh tế thế nào để định hướng lên thành phố trực thuộc trung ương?
Đến năm 2030, Quảng Ninh dự kiến trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành gồm 7 thành phố.
- 20-09-2023Kế hoạch lớn của Tây Ninh
- 20-09-2023Hải Phòng yêu cầu đảm bảo thu ngân sách hơn 100.000 tỷ đồng
- 20-09-2023"Cửa ngõ phên dậu" vùng Tây Bắc sẽ có 26 đô thị, phát triển thêm 4 khu công nghiệp, 16 cụm công nghiệp
Hơn 10 năm về trước, Quảng Ninh vẫn là một mảnh đất xa xôi cuối trời Đông Bắc. Để đi từ Hà Nội đến TP Hạ Long phải mất 5 - 6 tiếng, chỉ riêng việc đi từ đầu tỉnh (Đông Triều) lên cuối tỉnh (Móng Cái) cũng mất 6 - 7 tiếng, bằng từ Hà Nội vào Nghệ An.
Thời đó, nền kinh tế của tỉnh phụ thuộc gần như vào công nghiệp. 70% cơ cấu ngân sách Quảng Ninh đến từ than, 20% từ sản xuất kinh doanh và 10% còn lại đến từ đất.
Từ tỉnh có xuất phát điểm thấp, nay Quảng Ninh đã vươn lên top các địa phương phát triển năng động nhất cả nước. Đột phá hơn cả là sự dịch chuyển kinh tế từ “nâu" sang “xanh" với những cú hích mạnh mẽ về hạ tầng - chính sách.
Quảng Ninh giữ vị trí quán quân trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam. Hiện tại, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất cả nước có tới 4 thành phố là TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TP Móng Cái và TP Uông Bí. Mới đây nhất, tỉnh dự kiến sẽ đưa huyện Vân Đồn lên trở thành thành phố thứ 5 tại tỉnh này.
Cơ sở hạ tầng vượt trội nhờ những chính sách tiên phong
Với phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh hoặc ứng vốn cho Trung ương để giải phóng mặt bằng các dự án, công trình động lực nhằm tạo tiền đề thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Từ năm 2012, Quảng Ninh đã huy động hàng trăm tỷ đồng mời những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới đến Quảng Ninh nghiên cứu, lập quy hoạch như McKinsey, BCG (Mỹ); Nikken Sekkei, Nippon Koei (Nhật Bản)...
Là một địa phương hoàn toàn không “xin” tiền từ Trung ương, trong hơn 10 năm qua, một đồng vốn từ ngân sách đã hút 8 - 9 đồng vốn từ xã hội để phục vụ mục tiêu phát triển. 294.059 tỷ đồng - là ước tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2023.
Bên cạnh đó, quy trình giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc 5 tại chỗ (các bước tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả được thực hiện xong ngay tại Trung tâm hành chính công). Tỉnh đang hướng đến chuyển đổi quy trình này sang 5 bước trên môi trường điện tử.
Nhờ đó mà về hạ tầng giao thông, đến nay, Quảng Ninh là địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước (176/1.046 km), gấp gần 1,8 lần tổng số km cao tốc 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cộng lại (gần 100 km).
Từ một tỉnh ô nhiễm, mù mịt bụi than hay những đoạn đường quốc lộ xuống cấp, Quảng Ninh thay da đổi thịt với loạt tuyến đường cao tốc, liên tỉnh quy mô từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng như cầu Bạch Đằng, cầu Tình Yêu, đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu quốc tế Tuần Châu... Đơn cử với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, quãng đường từ Hà Nội xuống trung tâm Quảng Ninh rút ngắn chỉ còn hơn 2 giờ, từ Hải Phòng khoảng hơn 30 phút.
Sự phát triển nhanh chóng về hạ tầng giao thông sẽ kéo theo nhiều nhà đầu tư chọn Quảng Ninh là điểm đến. Hiện nay, Quảng Ninh cũng là "thỏi nam châm" thu hút các dự án và nhà đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Tiêu biểu trong số đó là dự án xây dựng nhà máy Foxconn gần 6.000 tỷ đồng dự kiến khởi công trong năm nay.
Cổng thông tin điện tử Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh cho biết, dòng vốn đầu tư nước ngoài đã tạo cho Quảng Ninh một bước nhảy vọt, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước (đạt 65,5%) với 4 thành phố và 2 thị xã.
Cùng với đó, Quảng Ninh sở hữu hạ tầng giao thông tốt nhất miền Bắc với đa loại hình (đường bộ, đường biển, đường hàng không). Tỉnh có cảng hàng không quốc tế đầu tiên, cảng tàu chuyên biệt đầu tiên trong nước được đầu tư từ nguồn xã hội hóa.
Loạt chỉ số kinh tế top đầu cả nước
Năm 2022, Quảng Ninh là địa phương lần thứ 6 liên tiếp giữ vững ngôi vương trên bảng xếp hạng PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) với 72,95 điểm, 10 năm liền (2013-2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, 7 năm đạt mức tăng trưởng 2 con số.
Từ vùng đất chỉ khai thác khoáng sản, dịch vụ và du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với con số chỉ 1,1 tỷ đồng tiền thu phí tham quan của năm 1996, dù còn gặp nhiều dư chấn hậu Covid-19, tỉnh vẫn đạt mốc hơn 1 tỷ USD tổng doanh thu từ du lịch trong năm 2022 (gấp hơn 22.800 lần).
Khi hội đồng Tư vấn du lịch công bố kết quả của nghiên cứu về bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch năm 2022, thí điểm tại 15 tỉnh, thành Việt Nan, Quảng Ninh cũng đứng ở vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành với tổng điểm 4,68.
Năm 2023, ngành du lịch Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 15 triệu lượt du khách, doanh thu 32.400 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, con số này đạt 16.660 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ, đạt 99,7% kịch bản tăng trưởng. Các chỉ tiêu cho thấy Quảng Ninh đã có sự phát triển “chóng mặt".
Đặc biệt, với vai trò là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, Quảng Ninh cũng là "thỏi nam châm" thu hút khối nguồn lực và vốn đầu tư lớn. Năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ 3/10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước với khoảng 2,1 tỷ USD .
Tính đến hết tháng 8/2023, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 853,93 triệu USD, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành . Đây là cơ sở vững chắc để Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm đạt trên 11%, tiếp tục lập nên kỳ tích với tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số trong 8 năm liên tiếp.
Nhịp sống thị trường