Tua bin gió mạnh nhất thế giới vừa đi vào hoạt động: Chống bão cực đỉnh, 'sống tốt' trong cuồng phong Cấp 5
Tua bin gió lớn nhất và mạnh nhất thế giới này thuộc sở hữu của nước nào?
- 20-07-2023Bloomberg: ‘Cơn bão’ 500 tỷ USD nợ doanh nghiệp đang ‘bao trùm' nhiều nền kinh tế
- 19-07-2023BI: Bão có thể 'nổ' như 666 quả bom nguyên tử 20 phút/lần, không gì cản nổi
- 18-07-2023Trung Quốc hứng chịu mưa lớn kỷ lục do bão Talim
Thế giới đang trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu – “Mã đỏ của nhân loại” như theo lời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Nồng độ phát thải khí nhà kính (GHG) trong khí quyển đang tàn phá khắp hành tinh và đe dọa cuộc sống, nền kinh tế, sức khỏe và lương thực.
Trong bối cảnh nóng lên toàn cầu thôi thúc các nhà lãnh đạo bắt tay thực hiện các mục tiêu hành động khí hậu thì tin tức về việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh hơn luôn là tin tốt và có giá trị.
Mới đây nhất, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất hành tinh - Trung Quốc - vừa cho vận hành tua bin gió lớn nhất, mạnh nhất thế giới trong lịch sử. Đây là một dấu hiệu đáng mừng.
Tua bin gió lớn nhất thế giới có tên MySE 16-260 do Mingyang Smart Energy (Trung Quốc) sản xuất.
MySE 16-260 sở hữu đường kính cánh quạt 260 mét, nặng 54 tấn. Ảnh: China Three Gorges Corporation
MySE 16-260 sở hữu đường kính cánh quạt 260 mét và diện tích quét là 53.902 mét vuông; MySE 16-260 cũng là tuabin gió mạnh nhất thế giới cho đến nay. (Diện tích quét là diện tích hình tròn do các cánh quạt tạo ra khi chúng quét qua không khí).
"Phòng động cơ" và máy phát điện được đặt trong trung tâm trên đỉnh tháp cao 152 mét, nặng 385 tấn. Mỗi cánh quạt nặng 54 tấn treo ở một bên của trục quay.
Tổng thể công trình của MySE 16-260 đại diện cho một phần kỹ thuật phi thường và nó sẽ tạo ra khoảng 66 gigawatt giờ (GWh) năng lượng mỗi năm.
Con số đó đủ để cung cấp cho khoảng 36.000 hộ gia đình, theo China Three Gorges Corporation, công ty đã giúp xây dựng và lắp đặt tua bin MySE 16-260.
Khả năng chống bão cực đỉnh của MySE 16-260
Mingyang Smart Energy cho biết, tua bin ngoài khơi MySE 16-260 là tua bin gió chống bão lớn nhất thế giới.
MySE 16-260 được lắp đặt tại một trang trại gió ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc - nơi có điều kiện "gần gió giật" cấp 7 với sức gió hơn 51 km/giờ trong 200 ngày mỗi năm.
Mingyang Smart Energy nói, tốc độ gió cực cao mà MySE 16-260 có thể chịu được là 287 km/giờ – vượt xa các điều kiện khắc nghiệt nhất từng đo được ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Điều này có nghĩa là, tua bin này 'sống tốt' trong các trận bão cuồng phong Cấp 5 (Cấp cao nhất trong thang đo bão phương Tây Saffir–Simpson).
Điều này đồng nghĩa với việc tua bin này cần phải siêu bền. Thực tế chứng minh, nó đã 'sống sót' dưới sức gió mạnh của cơn bão Talim, cơn bão đã khiến 230.000 người ở miền nam Trung Quốc phải di dời trước đó.
Ngoài việc được chế tạo để tồn tại lâu dài, tuabin MySE 16-260 còn có hơn 1.000 cảm biến để nó có thể thích ứng với điều kiện thời tiết trong thời gian thực.
Qiying Zhang, Giám đốc Công nghệ của công ty Mingyang Smart Energy, đơn vị thiết kế MySE 16-260, cho biết: "Hầu hết các khu vực ven biển của Trung Quốc đều nằm trong vùng bão và nếu không có tua bin gió có thể chịu được bão, thì có thể nói rằng năng lượng gió có rất ít tương lai ở Trung Quốc" .
Theo Tập đoàn China Three Gorges Corporation, MySE 16-260 sẽ tiết kiệm khoảng 19.958 tấn than và giảm được 48.987 tấn khí thải Carbon dioxide (CO2) mỗi năm.
Và cũng có những lý do để lạc quan về tương lai: Các tua bin gió 18 megawatt đã được General Electric (Mỹ) chuẩn bị sẵn sàng, điều đó có nghĩa là lượng năng lượng tái tạo mà chúng ta có thể sản xuất từ gió hứa hẹn sẽ tăng lên trong những năm tới.
Việc chuyển đổi sang năng lượng sạch này là rất cần thiết. Nghiên cứu đã chỉ ra cách chúng ta có thể hỗ trợ bản thân bằng cách sử dụng các giải pháp năng lượng Mặt trời, gió và năng lượng xanh khác, cũng như đưa năng lượng do nhiên liệu hóa thạch tạo ra vào ký ức!
Nhiên liệu hóa thạch chịu trách nhiệm cho gần 90% lượng khí thải Carbon dioxide, và sự nóng lên toàn cầu cũng như nhiệt độ khắc nghiệt mà chúng ta đang chứng kiến do những khí thải đó gây nên.
Nguồn: Sciencealert, Electrek.co
Tổ quốc