Từng không dám dùng điều hòa vì lương thấp, cô gái chia sẻ cách nhân ba thu nhập
Làm sao để không âm tiền cuối tháng là nỗi lo của cô gái này mỗi kỳ nhận lương.
- 30-07-2023Phạm Băng Băng mĩ miều trên bìa tạp chí, đứng sau là ‘phù thuỷ’ stylist và 3 NTK Việt đình đám
- 28-07-2023Sau ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Cường Đô La, đây là người tiếp theo 'bóc tem' Porsche 911: Đặt xe gần 10 tỷ đồng, nhưng không phải muốn gì cũng được
- 26-07-2023Người đàn ông lãi ròng hơn 164 tỷ đồng nhờ kinh doanh "nhà hoang": Mua 200 BĐS "không ai cần" với giá rẻ, rồi bán với giá cao
Thời sinh viên, người trẻ đối mặt với vô số áp lực, từ việc làm quen với môi trường xã hội, tới các mối quan hệ đồng nghiệp, xã giao… Tuy nhiên, số đông cho rằng rằng việc khó khăn nhất là học cách trang trải cuộc sống bằng chính đồng lương của mình.
Cũng vì thế, “Sống sao với mức lương 5 triệu đồng/tháng?" từng là chủ đề nhận được nhiều quan tâm của sinh viên, bởi đây được xem là mức thu nhập trung bình của họ khi mới đi làm.
Tiết kiệm với mức lương 5 triệu đồng/tháng: Không mua quần áo mới, hạn chế dùng điều hòa
“Tháng nào lỡ tiêu quá tay là âm tiền ngay", Nam Phương (24 tuổi, nhân viên Marketing, TP Hà Nội) nói về mức lương 5 triệu đồng/tháng nhận được cách đây 4 năm. Bấy giờ, Nam Phương đang làm thực tập sinh cho công ty truyền thông và nhận thêm công việc freelancer bên ngoài.
Giống như nhiều sinh viên mới chập chững bước chân vào “thị trường lao động", Phương chăm chỉ lên các group chia sẻ chuyện đi làm của dân công sở để học hỏi kinh nghiệm. Tại đây, cô thường xuyên thấy các bài đăng nói lương 5 triệu đồng là mức thu nhập trung bình của sinh viên mới ra trường, không có nhiều kinh nghiệm. Phương đồng tình với nhận định này. Bởi thời điểm nhận lương 5 triệu đồng, Phương đi làm với tâm thế học hỏi từ đồng nghiệp và “làm đẹp” CV là chính, không đặt nặng kỳ vọng nhận lương cao hay thấp.
Có nguồn thu nhập ít ỏi, lại không muốn phụ thuộc tài chính bố mẹ nên Phương đã phải chi tiêu tiết kiệm để không vay nợ cuối tháng.
“Tháng nào mình không tiêu hết là may, chứ đừng nói để dành được tiền. Ngoài tiền học phí, mình không xin bố mẹ thêm khoản nào. Những tháng mà công việc freelancer mang lại thu nhập thấp hơn thì mình xác định phải vay thêm tiền từ bạn, tháng sau cố gắng bù lại", Phương nói.
Nói về cách phân bổ nguồn thu nhập 5 triệu đồng/tháng, Phương cho hay: “Mình dành 1.8 triệu đồng tiền nhà, 1.5 triệu đồng tiền ăn, 1 triệu đồng để đi chơi cùng bạn bè và đồng nghiệp. Số tiền còn lại mình mua quần áo, mỹ phẩm, nạp tiền điện thoại…
Các khoản chi tiêu trên chỉ mang tính tương đối, có thể thâm hụt một chút tuỳ cách mình dùng tiền hàng tháng. Bởi vì tiền lương không cao, nên mình không tính toán quá kỹ. Nếu đến cuối tháng mình thấy tài khoản còn lại quá ít tiền thì tự biết cắt giảm chi tiêu thôi".
Đến thời điểm hiện tại, thu nhập của Phương đã tăng gấp 3 lần so với cột mốc lương 5 triệu đồng/tháng. Nhớ lại quãng thời gian sinh viên, Phương hài hước tâm sự điều đáng nhớ nhất là bản thân đã học được cách chi tiêu siêu tiết kiệm từ tiền lương ít ỏi.
Phương chia sẻ: “Lúc mình có ít tiền thì không thấy bản thân quá khổ. Nhưng khi tiền lương tăng rồi thì bản thân khó quay lại với mức sống đó nữa.
Lúc nhận lương 5 triệu đồng, mình mua gì cũng phải tính toán rất kỹ. Có những tháng liên tiếp mình không mua quần áo, uống trà sữa chắc chỉ khoảng 1-2 lần. Nếu muốn đi du lịch, mình chỉ có thể chọn những địa điểm quanh nội thành vì giá thành rẻ. Đi máy bay ra những địa điểm xa như TPHCM thì chắc phải tích tiền 1 năm mới đủ đi.
Ngoài ra, mình còn đi xe bus để tiết kiệm tiền xăng xe và phí bãi. Khi vào mùa hè thì đúng kinh hoàng với túi tiền của những đứa sinh viên như mình. Thời tiết nóng nhưng bản thân vẫn phải hạn chế dùng điều hòa, nếu không tiền điện tháng đó chắc tăng gấp 2-3 lần so với bình thường".
Ảnh minh họa
Đau đầu chuyện bố mẹ giục về quê vì lương thấp
Xoay quanh câu chuyện tiền lương, Nam Phương cho biết không có bí quyết đặc biệt để gia tăng gấp bội thu nhập. Do đó, cô nàng đang cố gắng tìm hiểu thêm một số cách kiếm tiền ngoài công việc chính như làm Affiliate Marketing hay kinh doanh online.
Nam Phương chia sẻ: “Thú thật, mình thấy mức lương nhận được là trung bình so với thị trường, không quá cao hoặc quá thấp. Từ thời điểm nhận lương 5 triệu đồng cho đến hiện tại, mình đều không thay đổi công ty, cũng như vị trí công việc.
Cách để mình tăng thu nhập là chăm chỉ làm việc, học hỏi kinh nghiệm từ những người xung quanh. Bên cạnh đó, bạn nên mở rộng mối quan hệ với đồng nghiệp. Bởi từ họ, bạn có thể tìm thấy cơ hội nhận công việc bên ngoài để gia tăng thu nhập. Một điều nữa là cần chú ý giữ gìn sức khoẻ và dành thời gian nghỉ ngơi cho bản thân. Vì mình từng có bài học ‘xương máu’ là phải trả viện phí cao hơn gấp đôi so với tiền lương một tháng”.
Ảnh minh họa
Nhớ lại quãng thời gian nhận thu nhập ít ỏi, không để dành được đồng nào thời sinh viên, cô nàng nói “rắc rối" không nhỏ đến từ gia đình khi bố mẹ liên tục thuyết phục chuyển về quê làm việc. Bởi theo bố mẹ cô, làm việc ở thành phố có áp lực cạnh tranh cao mà còn sống xa gia đình.
Nam Phương cho biết, đến hiện tại bố mẹ vẫn thường xuyên khuyên con gái nên chuyển công tác về gần nhà. Đôi khi, cô sẽ giải thích cho bố mẹ về nguyện vọng làm việc ở thành phố. Còn nhiều trường hợp khác, Phương chọn mặc kệ.
“Mình thấy chuyện bố mẹ phản đối con thu nhập không quá cao, mà cứ cố sống ở thành phố chi tiêu đắt đỏ là chuyện bình thường. Thực tế, có nhiều bạn bè mình cũng chọn bỏ về quê để sống, dù thu nhập giảm nhưng ít áp lực.
Bản thân mình thấy dù hiện tại tiền lương không cao nhưng cơ hội phát triển còn nhiều. Hơn nữa, mình đánh giá không khí sống ở thành phố tấp nập, nơi người trẻ mỗi ngày lao ra ngoài để kiếm tiền, học cách cải thiện chuyên môn phù hợp với mình hơn nhịp sống chậm ở quê. Mình dự tính sẽ ở lại Hà Nội làm thêm 5-6 năm. Nếu không tìm thấy cơ hội phát triển hơn thì mình sẽ tính chuyện về quê sau", Phương bày tỏ.
Phụ nữ Việt Nam