MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuổi hưu không thể “cào bằng”

17-12-2016 - 14:19 PM | Xã hội

Tăng tuổi hưu là xu hướng tất yếu của thế giới, nhưng cần có lộ trình phù hợp và phân loại đối tượng, ngành nghề chứ không thể “tăng cả làng”.

Chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu ở những ngành nghề cần trình độ chuyên môn cao. Nên phân định rõ tuổi nghỉ hưu và công việc chuyên môn thì việc tăng thêm 2 hoặc 3 năm công tác mới thực sự có ý nghĩa, tránh tình trạng tăng thời gian để kéo dài thời gian giữ chức vụ.

Bài toán đánh đổi

Dù Bộ LĐ – TB - XH chưa đưa ra phương án cụ thể, nhưng với 2 lý do tăng để đối phó với tốc độ già hóa dân số và tránh thâm hụt quỹ BHXH chưa thuyết phục.

Với lý do thứ nhất, theo tôi luận cứ tăng tuổi nghỉ hưu phải dựa trên yếu tố kinh tế – xã hội. Tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng việc làm cao hơn tỷ lệ tăng lực lượng lao động. Tức là số lao động làm việc mới nhiều hơn số cung lao động, khi đó, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không ảnh hưởng tới thu nhập. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa làm được điều đó.

Thứ hai, liên quan đến quỹ BHXH. Muốn quỹ BHXH không vỡ, cơ quan bảo hiểm phải có giải pháp mở rộng đối tượng chưa tham gia BHXH, phải ngăn chặn được tình trạng trốn đóng BHXH.

Có một thực tế đáng lo ngại, tỷ lệ lao động thất nghiệp trong cả nước ngày một tăng. Theo thống kê, hiện có khoảng 200.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp. Do vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động ngược chiều liên quan đến việc đánh đổi giữa người ở lại với lớp trẻ mới bước vào tuổi lao động, đặc biệt là thanh niên.

Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất 2 phương án tăng tuổi hưu Phương án 1: Giữ nguyên như hiện nay. Phương án 2: Tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 58, theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng.

Mỗi năm có 1 triệu thanh niên bước vào thị trường lao động. Năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khá cao là 6,4%, trong khi tỷ lệ chung là 2,31%. Quý 1/2016 có đến 225.000 người có trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu vào lúc này, tình trạng thất nghiệp ở lớp trẻ sẽ tiếp tục gia tăng. Đây là bài toán đánh đổi nếu xử lý không khéo sẽ làm mất ổn định xã hội.

Hơn nữa, nếu tăng tuổi nghỉ hưu, mà không giảm biên chế thì sẽ không loại được những người không đáp ứng yêu cầu ra khỏi bộ máy. Vì vậy, để đảm bảo công bằng, tất cả những người không đáp ứng được yêu cầu công việc đều có thể bị loại.

Trên thực tế, trình độ phát triển sản xuất của VN, đặc biệt là trình độ công nghệ của VN còn thấp, chỉ có một số nhà máy áp dụng công nghệ cao, điều kiện lao động được cải thiện. Còn lại những lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại, những lĩnh vực không phải công nghệ cao nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tinh mắt, nhanh tay như: giày da, dệt may, lắp ráp điện… không có khả năng kéo dài tuổi nghỉ hưu. Thậm chí, hiện nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng sa thải lao động đến tuổi 35, khiến nhiều lao động thất nghiệp. Nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 60, lao động sẽ làm gì? Đây là bài toán xã hội rất lớn.

VN hiện đang là nước phát triển trung bình thấp, khi nào phải đạt đến giai đoạn phát triển thu nhập trung bình, tăng trưởng kinh tế đạt được ở mức tỷ lệ tăng trưởng việc làm mới cao hơn tỷ lệ tăng trưởng lực lượng lao động và cải thiện được điều kiện lao động thì lúc đó hãy nghĩ tới kéo dài tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, không phải tăng cho tất cả người lao động mà tăng từng đối tượng, từng lĩnh vực. Những đối tượng có thể tăng trước là công chức, viên chức khối hành chính sự nghiệp. Ngoài ra, một số lao động quản lý, CEO… cũng có thể tăng tuổi nghỉ hưu. Còn công nhân làm việc trong các ngành nghề như: cầu đường, dệt may, giày da, điện tử thì không nên tăng.

Giải pháp bền vững

Thứ nhất, sửa Luật Bảo hiểm phải đồng thời với sửa Luật Lao động, phải đặt việc tăng tuổi nghỉ hưu trong lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy các cấp. Trước mắt chưa nên đặt vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu mà phải tinh giảm biên chế. Tăng tuổi nghỉ hưu lúc này là triệt tiêu cơ hội tìm kiếm việc làm của lao động trẻ.

Thứ hai, cần có lộ trình và phương pháp khảo sát, điều tra, với sự phối hợp giữa cơ quan Bảo hiểm và Tổ chức công đoàn (bằng phiếu điều tra) để đánh giá khách quan về lao động giữa các giới, các độ tuổi, các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Từ đó tham mưu các quyết sách sử dụng nguồn nhân lực vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Thứ ba, cần có chế tài đủ mạnh và giải pháp đồng bộ để thực hiện nghiêm túc chế độ đóng bảo hiểm đối với người lao động và cơ quan quản lý, sử dụng lao động, chống gian lận trong tỷ lệ đóng BHXH không căn cứ vào trả lương thực tế. Phải làm rõ trách nhiệm trước pháp luật về chính sách bảo hiểm đối với cơ quan sử dụng lao động và cơ quan BHXH. Phải cải cách hành chính cơ quan BHXH từ Trung ương đến cơ sở cả về hệ thống tổ chức, biên chế, tiền lương và chế độ trách nhiệm trước pháp luật, thực hiện xã hội hoá công tác BHXH. Sớm nghiên cứu thay đổi, điều chỉnh một số chính sách bảo hiểm xã hội (có thể tăng số năm công tác tính khởi điểm lương hưu, tăng định mức nộp bảo hiểm tương ứng với tuổi thọ sau khi nghỉ hưu…).

Thứ tư, cần nghiên cứu ban hành chính sách sử dụng lao động đã được nghỉ hưu nhưng còn sức khỏe, thực sự có trí tuệ và tín nhiệm; nhất là cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, các chuyên gia giỏi tiếp tục cống hiến cho đất nước.

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên