MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuyến đường sắt tốc độ cao 388km đầu tiên nối Việt Nam-Trung Quốc được Thủ tướng chốt triển khai nhanh

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược giao thông của Việt Nam, nhất là các dự án kết nối giao thông giữa hai nước.

. Thủ tướng đề nghị sớm triển khai 3 dự án kết nối đường sắt.

. Quy mô tuyến đường sắt tốc độ cao nối Việt Nam-Trung Quốc được ưu tiên triển khai nhanh.

. Chuyên gia phân tích về quy cách, tốc độ tuyến Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng theo đề xuất.

"Triển khai nhanh tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai-Hải Phòng"

Sáng 27/6, tại Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học hay về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những bài học về chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt mà Trung Quốc có thế mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện mong muốn và quyết tâm hợp tác cao của các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam trong phát triển hạ tầng chiến lược giao thông của Việt Nam, nhất là các dự án kết nối giao thông giữa hai nước.

Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị phía Trung Quốc tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn ưu đãi, công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, quản trị thông minh trong lĩnh vực hạ tầng giao thông chiến lược.

Người đứng đầu Chính phủ cũng kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc tham gia đầu tư, đấu thầu, xây dựng các công trình, dự án lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các lĩnh vực đột phá như giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo.

Tuyến đường sắt tốc độ cao 388km đầu tiên nối Việt Nam-Trung Quốc được Thủ tướng chốt triển khai nhanh- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển và kết nối hạ tầng chiến lược giao thông Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với lĩnh vực giao thông, trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị sớm triển khai 3 dự án kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn gồm tuyến Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, tuyến đường sắt Lạng Sơn-Hà Nội và tuyến Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng. Đặc biệt, trước mắt triển khai nhanh tuyến Hà Nội-Lào Cai-Hải Phòng.

Ngoài ra, về đường sắt đô thị, phát huy thành công của tuyến Cát Linh Hà Đông, tiếp tục phối hợp triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và TPHCM. Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tham gia theo hình thức PPP...

Tuyến đường sắt tốc độ cao dài 388km đi qua 8 tỉnh, thành phố

Tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc mà Thủ tướng Phạm Minh Chính ưu tiên triển khai nhanh là Hà Nội-Lào Cai-Hải Phòng có chiều dài khoảng 388km, trong đó đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km. Theo quyết định 1769/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hoàn thành đầu tư toàn tuyến với quy mô đường đôi, khổ đường 1.435mm, điện khí hóa.

Tuyến được xây dựng theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Hiện, tuyến đang được khai thác khổ 1.000mm, chiếm gần 50% khối lượng vận tải cả hành khách và hàng hóa của hệ thống đường sắt Việt Nam.

Sau khi được đầu tư, dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa với vận tốc thiết kế tối đa 160km/h. Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130km, 25 hầm dài 25km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga.

Dự báo năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày. Tốc độ thiết kế tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là 160 km/h, loại hình dẫn kéo điện lực, sử dụng trạm đóng tự động để đảm bảo an toàn.

Dự kiến tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng. Diện tích sử dụng đất toàn dự án khoảng 1.654 ha.

Tuyến đường sắt khi hình thành sẽ kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện, phía Bắc kết nối với đường sắt Trung Quốc tại Lào Cai, đảm bảo tàu có thể chạy thẳng vào hệ thống đường sắt Côn Minh - Hà Khẩu Bắc của Trung Quốc. Tuyến đường sắt này định hướng giai đoạn tiếp theo sẽ kết nối từ Hải Phòng tới thẳng ga Cái Lân (Quảng Ninh).

Tuyến đường sắt tốc độ cao 388km đầu tiên nối Việt Nam-Trung Quốc được Thủ tướng chốt triển khai nhanh- Ảnh 2.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội-Lào Cai-Hải Phòng được Thủ tướng đề nghị triển khai nhanh - Ảnh minh họa tạo bởi AI Chat GPT

Hồi cuối tháng 9/2023, ông Trần Ngọc Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) chia sẻ trên VOV rằng “hoàn toàn ủng hộ và mong mỏi đầu tư càng sớm càng tốt” tuyến đường sắt này. Theo ông Thành quy cách khổ đường và tốc độ thiết kế theo đề xuất là hợp lý. Ông lý giải cụ thể rằng khổ đường 1.435mm sẽ giúp nâng tải trọng và đây cũng là tiêu chuẩn quốc tế đang áp dụng, hiện nay khổ đường 1.000mm của Việt Nam gần như là nước cuối cùng còn dùng.

Vì thế việc đầu tư đầu máy, toa xe theo chuẩn khổ đường 1.435mm theo thông lệ quốc tế thì giá thành sẽ rất hợp lý. Đồng thời tuyến đường sắt 1.435mm chỉ cần đường đôi và chạy tốc độ 160km/giờ là đã đủ để phát triển kinh tế, phù hợp với địa hình, cung độ (tức là khoảng cách) giữa các vùng kinh tế.

Ngoài ra, tuyến này còn kết nối toàn bộ hệ thống cảng biển, giao lưu hàng hóa của nước ta với Trung Quốc. Đặc biệt còn kết nối với các nước châu Âu thông qua Trung Quốc mà không phải chuyển tàu. Hiện nay chúng đang triển khai hoạt động liên vận quốc tế nhưng khi tàu tới Đồng Đăng lại phải chuyển sang khổ đường 1.435mm rồi sau đó mới đi xuyên qua Trung Quốc, và sau đó đi Nga, đi Châu Âu sẽ thêm 1 lần xếp dỡ vừa tốn thời gian vừa tăng thêm chi phí.

Theo Trang Anh

Đời sống và Pháp luật

Trở lên trên