MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuyến metro quy mô 65.000 tỷ lớn nhất Hà Nội từ trước đến nay: 'Ông lớn' thế giới muốn đồng hành

Đây là tín hiệu mới nhất về việc triển khai tuyến đường sắt đô thị số 5, tuyến có quy mô vốn đầu tư lớn nhất đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tại Hà Nội.

"Ông lớn" công nghệ Đức đưa tín hiệu tích cực

Chiều ngày 27/2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens (Cộng hòa Liên bang Đức) ông Roland Busch đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội mong muốn chuyến công tác lần này của Chủ tịch Roland Busch sẽ đặt nền móng cho những dự án cụ thể trong giai đoạn 2030-2035.

Đáp lời, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens Roland Busch khẳng định, Việt Nam với dân số trên 100 triệu, ưu tiên phát triển kinh tế xanh sạch, chiến lược số hóa sẽ là "mảnh đất" vô cùng tiềm năng đối với doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có Đức. 

Tuyến metro quy mô 65.000 tỷ lớn nhất Hà Nội từ trước đến nay: 'Ông lớn' thế giới muốn đồng hành- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens (Cộng hòa Liên bang Đức) Roland Busch. Ảnh: VGP/MA

Chia sẻ sâu hơn về những dự định thời gian tới, lãnh đạo Tập đoàn Siemens mong muốn tham gia hợp tác triển khai tuyến Đường sắt đô thị số 5. Bởi lẽ, tập đoàn có thế mạnh và kinh nghiệm về phát triển đường sắt cao tốc, đường sắt toa xe, hệ thống tín hiệu đường sắt.

Theo ông Roland Busch, hiện Siemens đang áp dụng công nghệ tối tân - dựa trên nền tảng AI trong các dự án. Đồng thời, một số dự án đã tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả cho các tòa nhà, công nghệ biến rác thành năng lượng…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Siemens xem xét kỹ hơn về khả năng hợp tác trong phát triển hạ tầng giao thông đường sắt đô thị của Hà Nội, cũng như thu hút, tập hợp cộng đồng chuyên gia, doanh nghiệp Đức trong lĩnh vực liên quan, làm cầu nối để tăng cường hợp tác với Thủ đô.

Tuyến metro quy mô 65.000 tỷ lớn nhất Hà Nội từ trước đến nay: 'Ông lớn' thế giới muốn đồng hành- Ảnh 2.

Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Quy mô tuyến đường sắt đô thị số 5

Tuyến metro số 5 tại Hà Nội có tổng chiều dài 38,43km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi và điện khí hóa. Trong đó gồm có 6,5km chạy ngầm, 2km chạy trên cao và 29,93km chạy trên mặt đất, đi qua các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. 

Dự kiến tuyến này sẽ vận hành từ 25-40 đoàn tàu với vận tốc thiết kế là 120km/h và giảm xuống 90km/h đối với đoạn ngầm, cùng với thời gian chờ tàu khoảng 3,3 phút.

Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 65.404 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 24.844 tỷ đồng và chi phí thiết bị là 16.629 tỷ đồng. Đây sẽ là dự án metro có quy mô vốn đầu tư lớn nhất tại Hà Nội tính đến thời điểm hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi.

Tuyến metro quy mô 65.000 tỷ lớn nhất Hà Nội từ trước đến nay: 'Ông lớn' thế giới muốn đồng hành- Ảnh 3.

Tuyến metro số 5 tại Hà Nội sẽ có 2km chạy trên cao và 29,93km chạy trên mặt đất. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

UBND thành phố Hà Nội dự kiến sẽ chi 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công và tiết kiệm chi trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu rót trung bình 3.000 tỷ đồng mỗi năm; 10.000 tới 12.000 tỷ đồng thông qua việc cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp; 15.000 tỷ đồng thu được từ việc đấu giá các khu đất và 10.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu; cùng với 6.900 tỷ đồng vay từ các tổ chức tài chính để thực hiện dự án.

Về tiến độ, giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ năm 2018 đến năm 2022, giai đoạn thực hiện dự án từ năm 2022 đến 2026. Dự kiến, việc vận hành thử nghiệm và bàn giao dự án sẽ hoàn tất vào cuối năm 2025 và nghiệm thu, thanh quyết toán sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 2026 đến 2027.

Hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội đóng vai trò chủ chốt trong hệ thống vận tải hành khách công cộng tốc độ cao nhờ khả năng vận chuyển lớn, kết nối các khu đô thị, khu công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch và các trường học. 

Tuyến metro quy mô 65.000 tỷ lớn nhất Hà Nội từ trước đến nay: 'Ông lớn' thế giới muốn đồng hành- Ảnh 4.

Tuyến metro số 5 tại Hà Nội sẽ có 6,5km chạy ngầm. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Trong số các tuyến đường sắt đã được phê duyệt, tuyến số 5, nối từ Văn Cao đến Ngọc Khánh, Láng và Hòa Lạc dài khoảng 39km, sẽ là tuyến huyết mạch liên kết các khu đô thị hiện đại và tương lai dọc theo đại lộ Thăng Long với khu vực trung tâm đô thị.

Dự án đường sắt đô thị "Tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc" khi hoàn thành sẽ trở thành một phần quan trọng trong kế hoạch tổng thể phát triển các tuyến metro theo Quyết định 519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Năng lực của "ông lớn" công nghệ Đức

Với 320.000 nhân viên và doanh thu toàn cầu là 78 tỷ euro vào năm 2023, Siemens là tập đoàn lớn của Cộng hòa liên bang Đức. Có nhiều kinh nghiệm và giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giao thông và phát triển cơ sở hạ tầng thông minh.

Tập đoàn hiện diện tại Việt Nam năm 1993, hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng tái tạo và giao thông vận tải. Về hợp tác giao thông vận tải, Siemens đã có các dự án hợp tác với Việt Nam như dự án nâng cấp hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt Ga Vinh; Dự án thiết kế và cung cấp 16 đầu máy xe lửa động cơ diesel cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Dự án hệ thống chiếu sáng đường Sân bay Nội Bài; Dự án cung cấp hệ thống xử lý hàng hóa tự động Sân bay Tân Sơn Nhất; Dự án Tuyến đường sắt đô thị (Metro) Thành phố Hồ Chí Minh. 

Tuyến metro quy mô 65.000 tỷ lớn nhất Hà Nội từ trước đến nay: 'Ông lớn' thế giới muốn đồng hành- Ảnh 5.

1 đoàn tàu xuất xưởng từ nhà máy của Siemens. Ảnh: https://www.globalrailwayreview.com

Trên thế giới, Siemens gây tiếng vang toàn cầu khi trúng gói thầu có giá trị lớn nhất từ trước tới nay để xây dựng một trong những mạng lưới đường sắt cao tốc hiện đại nhất thế giới cho Ai Cập. Gói thầu có giá trị cao kỷ lục 8,1 tỷ euro với điều khoản cung cấp 41 tàu cao tốc, 94 tàu vùng và 41 đầu tàu kéo hàng. Ngoài ra, 8 nhà ga cũng sẽ được xây dựng cùng hợp đồng bảo trì kéo dài 15 năm.

Với những công nghệ mới nhất của Siemens, Ai Cập hứa hẹn sẽ sở hữu hệ thống đường sắt lớn thứ 6 và hiện đại nhất thế giới, giúp giảm 70% lượng khí thải CO2 so với việc sử dụng xe bus và ôtô hiện tại. Mạng lưới đường sắt sẽ kết nối 60 thành phố ở Ai Cập, với các tàu cao tốc có tốc độ tới 230km/h.

Theo Thái Hà

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên