MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá đã bớt nhạy cảm với vàng

16-07-2016 - 20:09 PM | Tài chính - ngân hàng

Tỷ giá hiện nay bớt nhạy cảm hơn so với vàng bởi NHNN điều hành theo cơ chế tỷ giá trung tâm và “neo” với rổ 8 loại tiền tệ khác nhau, nên khi giá vàng thế giới có biến động, tỷ giá đô-đồng cũng bớt nhạy cảm hơn.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
291 bài viết

Trái ngược với sự “nhảy múa” của giá vàng, thời gian qua tỷ giá gần như không có “phản ứng”. Vì sao vàng-đô không còn là “cặp đôi hoàn hảo”? Phóng viên có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Theo ông, đâu là lý do khiến tỷ giá đô-đồng gần như đứng yên, trong khi giá vàng biến động mạnh như tuần qua?

Giá vàng biến động trong những ngày gần đây có hai nguyên nhân cơ bản là do tác động từ giá vàng thế giới và yếu tố tâm lý, không loại trừ xuất hiện dấu hiệu đầu cơ. Còn việc giá vàng với tỷ giá đô-đồng không cùng nhịp biến động cũng có hai lý do.

Thứ nhất, nếu cách đây 3-4 năm vào thời điểm nhu cầu vàng cao, cùng với đó chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới lớn thì hoạt động nhập lậu diễn ra mạnh. Vàng càng nhập lậu nhiều càng ảnh hưởng đến tỷ giá. Nhưng hiện nay, hiện tượng này diễn ra khá ít. Thứ hai, tỷ giá hiện nay bớt nhạy cảm hơn so với vàng bởi NHNN điều hành theo cơ chế tỷ giá trung tâm và “neo” với rổ 8 loại tiền tệ khác nhau, nên khi giá vàng thế giới có biến động, tỷ giá đô-đồng cũng bớt nhạy cảm hơn.

Với phân tích của ông, liệu thị trường có thể yên tâm tỷ giá sẽ ổn định từ nay đến cuối năm?

Tất nhiên, tỷ giá vẫn còn chịu những tác động nhất định từ diễn biến kinh tế thế giới. Vì rõ ràng hiện nay đàm phán giữa Anh với EU (liên quan đến việc Anh có thể rút khỏi EU - PV) còn chưa chốt lại, nên rủi ro biến động tỷ giá đồng EUR, bảng Anh, NDT, rồi một số ngoại tệ khác vẫn còn hiện hữu. Nếu loại tiền tệ trên biến động thì chắc chắn sẽ tác động đối với USD. Vì vậy, NHNN vẫn cần tiếp tục bám sát, theo dõi diễn biến tỷ giá để chủ động có những giải pháp ứng phó.

Tôi cũng nhận thấy thời gian gần đây, NHNN đã chủ động can thiệp điều tiết giảm sức ép lên tỷ giá. Cụ thể như mới đây, NHNN đã tăng cường bán tín phiếu NHNN. Với mức lãi suất phù hợp, các NHTM tích cực mua tín phiếu đó hơn. Như vậy, mức độ hấp dẫn của VND vẫn hơn so với USD. Làm giảm hấp dẫn USD, tăng hấp dẫn VND cũng là một cách can thiệp gián tiếp đối với tỷ giá. Còn đối với tỷ giá trung tâm, NHNN vẫn đang tiếp tục thực hiện, điều chỉnh nhịp nhàng như hiện tại.

Cũng liên quan đến thị trường ngoại hối, ông nghĩ sao về đề xuất phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước?

Tôi cho rằng không nên. Vì hiện nay ngoại tệ trong nước không phải là quá dồi dào, trong khi nhu cầu ngoại tệ có vẻ tăng lên sau khi NHNN ban hành Thông tư 07 cho phép các NH tiếp tục được cho DN vay ngoại tệ. Mà hiện tại, lãi suất huy động USD vẫn là 0%/năm. Rõ ràng vốn huy động đang không có nhiều mà bây giờ Chính phủ lại phát hành trái phiếu ngoại tệ thì có vẻ sẽ “chèn ép” tín dụng ngoại tệ của DN.

Bên cạnh đó, nếu thực hiện điều này nhiều khả năng tình trạng đô-la hóa tăng lên. Vì khi Chính phủ phát hành trái phiếu ngoại tệ là công nhận vay mượn bằng ngoại tệ của Chính phủ trên lãnh thổ Việt Nam.

Thay vào đó, theo tôi nên điều chỉnh lãi suất huy động USD lên một chút để có thể hút một phần ngoại tệ nhàn rỗi từ khu vực dân cư, qua đó hỗ trợ các NHTM có nguồn vốn bằng ngoại tệ ổn định hơn, NH yên tâm hơn khi cho vay ngoại tệ.

Tôi cho rằng, hướng điều chỉnh này khả thi hơn cả. Còn Chính phủ muốn đi vay ngoại tệ nên đi vay ở nước ngoài. Tất nhiên cũng phải cân nhắc thời điểm cho phù hợp để tránh thiệt hại.

Trở lại với biến động giá vàng, theo ông nếu người dân chịu tác động tâm lý mà quay trở lại đầu tư vào loại kim loại quý này nhiều hơn thì liệu có ảnh hưởng đến huy động vốn của NH?

Tất nhiên, nhìn vào sóng giá vàng thì cũng có vẻ hấp dẫn để đầu tư hơn trước. Nhưng ngược lại, rủi ro hơn, có thể mất tiền hàng triệu đồng/lượng trong vòng một ngày nên người dân phải hết sức tỉnh táo. Đồng thời, đầu tư vàng còn phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro, nhà đầu tư có dám “chơi” hay không.

Qua quan sát tôi thấy người dân không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro như vậy. Kênh gửi tiết kiệm vẫn được lựa chọn. Bằng chứng là lượng tiền gửi vào NH vẫn tăng.

Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Vũ thực hiện

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên