Tỷ giá giữ ổn định, thuận lợi cho doanh nghiệp
Từ đầu tháng 6 đến nay, tỷ giá trung tâm liên tục đạt đỉnh, nhưng tỷ giá tại các ngân hàng thương mại lại giữ được sự ổn định. Điều này không những giúp tình hình tỷ giá từ nay đến cuối năm có thể “bình yên” mà còn hỗ trợ đắc lực cho hoạt động XNK của DN.
- 30-06-2017Liệu có “cơn sốt” tỷ giá từ nay đến cuối năm?
- 29-06-2017Lợi tỷ giá tại nhiều thị trường, Viettel Global hoàn thành 735% kế hoạch năm 2017 chỉ trong 6 tháng
- 24-06-2017Tỷ giá những tháng đầu năm: Ổn định trong biến động
- 23-06-2017Tỷ giá và những “nghịch lý”
Vẫn ổn định
Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ngày 5/7 đã ở mức 22.444 VND/USD, tăng 13 đồng so với phiên giao dịch từ đầu tuần (3/7). Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại, diễn biến của tỷ giá chỉ tăng – giảm với biên độ ngắn, khoảng 5-10 đồng giúp giá USD trên thị trường gần như ổn định. Điều này có được là nhờ sự điều hành linh hoạt của NHNN, cũng như nhiều yếu tố thuận lợi như thanh khoản trên thị trường, nguồn dữ trữ ngoại hối ở mức dồi dào (hiện xấp xỉ 42 tỷ USD), nhà đầu tư nước ngoài tăng giải ngân góp vốn và mua cổ phần. Hơn nữa, theo các chuyên gia, việc tỷ giá trung tâm tăng cao là một động thái tích cực của NHNN nhằm điều chỉnh tỷ giá theo từng bước, tránh những cú sốc, giúp NHNN có thể đối phó tốt hơn trước kịch bản Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể nâng lãi suất đồng USD trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tỷ giá trong thời gian tới được đánh giá là sẽ gặp không ít khó khăn do nền kinh tế tiếp tục tình trạng nhập siêu, FED tiếp tục nâng lãi suất. Vì thế, chuyên gia kinh tế tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ tiếp tục tăng khoảng 2%. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Công ty MarketIntello lại nhận định, tiền đồng mất giá 0,5% trong năm 2017. Trước đó, công ty này đã dự đoán tỷ giá tăng khoảng 1-1,5%. Lý giải về nguyên nhân hạ dự báo, ông Minh cho rằng, điều này là nhờ ở trong nước, cán cân thương mại tiếp tục cân bằng trong khi cán cân vốn đạt thặng dư và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào.
Báo cáo về tình hình tỷ giá trước Chính phủ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, mặc dù 6 tháng đầu năm thị trường chịu tác động nhiều yếu tố bất lợi, nhưng tỷ giá vẫn ổn định và phù hợp với mục tiêu điều hành từ đầu năm của NHNN, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho các DN chủ động sản xuất kinh doanh, phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, NHNN vẫn sẽ theo dõi diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, chủ động có biện pháp điều hành tỷ giá, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ của nền kinh tế, tránh đầu cơ.
DN được lợi
Với các DN XNK, tình hình tỷ giá ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, không gây ảnh hưởng tới việc ký kết các đơn hàng. Bởi theo các DN, đơn hàng thường được DN đàm phán, thỏa thuận và ký kết từ trước, tỷ giá biến động như thế nào đều có tác động, thậm chí có thể khiến DN phải bù lỗ. Vì thế, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại trong nước giữ được sự ổn định như hiện nay, giúp DN yên tâm hơn trong giao dịch. Hơn nữa, với việc tỷ giá ngoại tệ không có nhiều “sóng” như hiện nay, giá thành các mặt hàng sản xuất của DN trong nước cũng duy trì ổn định, thậm chí có điều kiện hạ giá thành, điều này giúp nâng cao sức cạnh tranh với các mặt hàng giá rẻ NK.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Anh Văn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Austrong Việt Nam (DN NK và kinh doanh vật liệu xây dựng) cho hay, tùy theo loại hợp đồng và thời gian ký kết mà tỷ giá có tác động tới DN. Một số hợp đồng có thỏa thuận giữ nguyên giá cả, dựa theo một mức tỷ giá cố định nhưng có loại hợp đồng lại có điều khoản giá cả biến động theo tỷ giá thời điểm giao hàng, nên nếu tỷ giá tăng cao thì DN phải bù lỗ, nhưng tỷ giá giảm thì DN hưởng lợi. Vì thế, nếu tỷ giá tăng quá cao thì lượng hàng bán ra sẽ sụt giảm, ảnh hưởng tới việc NK của DN. Bên cạnh đó, với các DN làm dịch vụ, tỷ giá tăng cao sẽ khiến các chi phí về vận tải tăng, kéo theo giá cả hàng hóa tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của DN.
Chính vì thế, các chuyên gia đều cho rằng, bên cạnh việc điều hành tỷ giá linh hoạt của cơ quan nhà nước, các DN phải có sự chủ động. Ví dụ như giành một khoản chi phí dự phòng cho những biến động giá cả; sử dụng các công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá… Dù vậy, rủi ro tỷ giá đã được nhắc đến nhiều, thị trường biến động cũng được nhắc đến nhiều, nhưng không ít DN chủ quan khi cho rằng, DN hoạt động với quy mô nhỏ, nên quy mô giao dịch không nhiều để bù đắp chi phí khi sử dụng các công cụ phòng ngừa.
Nhìn chung, với những phương án điều hành tỷ giá như hiện nay của NHNN, các DN có thể phần nào yên tâm, “đường đi” của tỷ giá có thể được định hình từ nay đến cuối năm. Tuy vậy, những thay đổi khó lường của nền kinh tế thế giới vẫn có thể gây nên những tác động bất ngờ, nên DN và các cơ quan chức năng đều phải có sự chủ động, theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời ứng phó.
Hải quan